Thị trường tài chính 24h: Sắc đỏ bao trùm cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây

Thị trường tài chính 24h: Sắc đỏ bao trùm cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây

(ĐTCK) VN-Index đảo chiều tăng nhẹ; Kỳ vọng lợi nhuận vẫn khả quan; Cổ phiếu ngân hàng vẫn rất tiềm năng; Đo triển vọng cổ phiếu logistics; IEA: Giá dầu giảm phản ánh sự suy giảm của nhu cầu… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 13/10 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng trở lại 50.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 69,50 – 70,22 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 5,5 USD xuống 1.868,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục dần và đã lên gần 1.890 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,51 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 13/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.077 đồng/USD, tăng 10 đồng với cuối ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.275 – 24.615 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đi ngang quanh 26.700 USD thì sang phiên hôm nay đã nhích nhẹ và yếu đi về gần ngưỡng trên vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 3,25 USD (+3,92%), lên 86,16 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 3,22 USD (+3,76%), lên 89,20 USD/thùng.

VN-Index đảo chiều tăng nhẹ

Áp lực bán gia tăng ngày từ đầu phiên khiến VN-Index có thời điểm giảm giảm hơn 10 điểm về dưới 1.140 điểm với sắc đỏ bao trùm trên diện rộng bảng điện tử cùng thanh khoản tiếp tục suy giảm.

Dù vậy, thị trường vẫn chỉ lình xình trên vùng giá này sau đó mới “tìm lại được hướng đi” nhờ lực cầu dần cải thiện giúp nhiều cổ phiếu lớn bé hồi phục, kéo VN-Index vọt qua mốc tham chiếu và lấy lại sắc xanh.

Tuy vậy, thị trường đóng cửa trong trạng thái xanh vỏ đỏ lòng với thanh khoản ở mức thấp vẫn cho thấy tâm lý thị trường chưa “ổn định”.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 13,13 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng 257,69 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 13/10: VN-Index tăng 3,12 điểm (+0,27%), lên 1.154,73 điểm; HNX-Index tăng 0,62 điểm (+0,26%), lên 239,05 điểm; UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,2%), xuống 87,9 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Năm (12/10), khi dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 được công bố cao hơn dự kiến.

Trong tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Hai con số này đều cao hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế, lần lượt ở mức 0,3% và 3,6%.

Loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI lõi tháng 9 tăng 0,3%, bằng với mức tăng của tháng 8.

Kết thúc phiên 12/10: Chỉ số Dow Jones giảm 173,73 điểm (-0,51%), xuống 33.631,14 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 27,34 điểm (-0,62%), xuống 4.349,61 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 85,46 điểm (-0,63%), xuống 13.574,22 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, theo chân đà đi xuống của Phố Wall phiên đêm qua, sau khi dữ liệu CPI tháng 9 của Mỹ tăng cao hơn dự kiến làm tăng khả năng Fed sẽ trở nên diều hâu hơn. Tuy nhiên, đà giảm được hạn chế nhờ mức tăng của cổ phiếu lớn Fast Retailing.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,55% xuống 32.315,99 điểm. Chỉ số Topix rộng hơn giảm 1,44% xuống 2.308,75 điểm.

Cổ phiếu Fast Retailing tăng mạnh nhất trên Nikkei 225 với mức tăng 5,8%, theo sau là công ty dầu mỏ Inpex khi chỉ tăng 0,83%.

“Hôm nay một môi trường chín muồi để chốt lời, sau khi Nikkei 225 đã tăng 4,8% trong ba ngày qua” chiến lược gia Maki Sawada của Nomura Securities cho biết.

Ngay cả với đợt bán tháo đáng kể vào thứ Sáu, Nikkei 225 vẫn tăng 4,26% trong tuần, cắt đứt chuỗi ba tuần giảm liên tiếp trước đó.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi dữ liệu giá tiêu dùng cho thấy nhu cầu trong nước vẫn yếu, mặc dù dữ liệu xuất khẩu tốt hơn dự kiến.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,64% xuống 3.088,10 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,05% xuống 3.663,41 điểm và mất 0,7% trong tuần.

Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc đi ngang trong tháng 9, cho thấy áp lực giảm phát vẫn tồn tại trong nền kinh tế.

Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu cũng giảm 6,2%, cả hai đều giảm với tốc độ chậm hơn dự báo.

Trong khi hầu hết các lĩnh vực giảm, cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng tốt, sau khi quỹ nhà nước Bắc Kinh mua cổ phiếu của các ngân hàng thuộc nhóm “Big Four” của nước này.

Chứng khoán Hồng Kông sụt giảm sau khi các báo cáo chính thức cho thấy giá sản xuất và tiêu dùng ở Trung Quốc đại lục thấp hơn kỳ vọng, cũng như nhóm cổ phiếu công nghệ gây sức ép.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,33% xuống 17.813,45 điểm, nhưng vẫn tăng 1,7% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,42% xuống 6.115,88 điểm.

Cổ phiếu công nghệ giảm 3,5%, với JD.com giảm tới 11,5%, chạm mức thấp kỷ lục kể từ khi ra mắt vào tháng 6/2020.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm do lo ngại thắt chặt chính sách sau dữ liệu lạm phát của Mỹ cao hơn dự kiến.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 23,67 điểm, tương đương 0,95% xuống 2.456,15 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số này tăng 1,97%.

Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 1,31% và SK Hynix tăng 0,4%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 1,93%.

Kết thúc phiên 13/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 178,67 điểm (-0,55%), xuống 32.315,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 19,80 điểm (-0,64%), xuống 3.088,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 424,76 điểm (-2,33%), xuống 17.813,45 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 23,67 điểm (-0,95%), xuống 2.456,15 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

– Kỳ vọng lợi nhuận vẫn khả quan

Lợi nhuận ngân hàng phụ thuộc vào thu nhập từ lãi, trong khi hoạt động tín dụng gặp khó khăn, song các nhà băng vẫn kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu đã đề ra cho năm 2023..>> Chi tiết

– Cổ phiếu ngân hàng vẫn rất tiềm năng

Sắc đỏ bao trùm cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây khi tăng trưởng tín dụng của ngành chậm lại, kết quả kinh doanh khó tăng cao…, nhưng cơ hội đầu tư cổ phiếu vua vẫn rất tiềm năng..>> Chi tiết

– Đo triển vọng cổ phiếu logistics

Đứt gãy giao thương quốc tế dần được nối lại cũng là lúc ngành logistics có sự phục hồi, trong khi quý cuối năm cũng là giai đoạn nước rút đối với cổ phiếu ngành này..>> Chi tiết

– IEA: Giá dầu giảm phản ánh sự suy giảm của nhu cầu

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc giá dầu giảm mạnh từ mức gần 100 USD/thùng cho thấy giá đã tăng đủ cao để bắt đầu làm xói mòn nhu cầu ở Mỹ và các nơi khác..>> Chi tiết

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-sac-do-bao-trum-co-phieu-ngan-hang-thoi-gian-gan-day-post331730.html