Dòng tiền bắt đầu quay trở lại thị trường
Lãi suất điều hành giảm đã tác động tích cực đến tâm lý thị trường, thể hiện qua sự cải thiện của thanh khoản trên thị trường. Trong báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt công bố mới đây cho thấy, trong tuần đầu tháng 6, giá trị khớp lệnh đã đạt gần 70.000 tỷ đồng, cải thiện so với mức bình quân tuần của tháng 4 và tháng 5/2023 là 46.000 tỷ đồng, so với mức bình quân tuần của quý 1/2023 là 38.000 tỷ đồng. Xét trong tương quan với mặt bằng lãi suất, mức thanh khoản và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hiện nay có phần tương đồng với giai đoạn đầu quý 4/2022. Tuy nhiên, dòng tiền còn tập trung ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, do đó, VN-Index chưa thực sự bứt phá về mặt điểm số.
Theo các chuyên gia của Rồng Việt, thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã và đang sử dụng gần như tất cả các công cụ để hỗ trợ môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, bối cảnh vĩ mô liên quan tới lạm phát, lãi suất và tỷ giá đang khá lành mạnh. Tuy nhiên, các động lực cho tăng trưởng kinh tế vẫn còn tương đối yếu và chưa ghi nhận biến chuyển tích cực nào rõ rệt.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm đạt 262,5 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước trong khi PMI tháng 5 của Việt Nam tiếp tục ở dưới mốc 50 điểm, cho thấy triển vọng đơn đặt hàng xuất khẩu mới vẫn còn khá ảm đạm.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cũng cho biết, khoảng 2 tuần gần đây, thanh khoản thị trường chứng khoán (TTCK) đã có sự cải thiện đáng kể, cùng với đó, chỉ số VN-Index cũng đã vượt qua các ngưỡng kháng cự mạnh từ đầu năm tới nay.
“Điều đó cho thấy sự trở lại của dòng tiền đầu cơ trong ngắn hạn sau khi hàng loạt các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng tới việc giảm mạnh lãi suất điều hành, dẫn tới tác động trực tiếp kéo giảm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại”, ông Đỗ Bảo Ngọc đánh giá.Phó Tổng giám đốc của CSI nhận định, sự dịch chuyển của dòng tiền nội là hệ quả của những chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ như: NHNN liên tiếp giảm lãi suất điều hành trực tiếp kéo giảm lãi suất huy động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay; NHNN tiếp tục mua USD tăng dự trữ ngoại hối và đưa ra hệ thống một lượng tiền VND hỗ trợ thanh khoản chung; Bộ Tài chính sẽ giảm nhiều loại phí, lệ phí cho nhiều ngành nghề lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực chứng khoán…
“Lãi suất tiền gửi giảm nhanh khiến kênh tiết kiệm không còn là ưu tiên, trong khi đa số các ngành nghề trong nền kinh tế hiện nay đều đang gặp khó khăn, thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do nhu cầu trong nước và quốc tế suy giảm. Khi đó, kênh đầu tư chứng khoán nổi lên là một kênh hút vốn với thanh khoản được cho là tốt hơn nhiều so với các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, ngoại tệ…”, ông Đỗ Bảo Ngọc nhận định.
Chuyển động chính sách sẽ còn tác động tích cực lên chứng khoán
Chuyên gia của SSI Research cho rằng, các chính sách của Chính phủ sẽ tiếp tục nghiêng về hướng hỗ trợ và sẽ còn tác động tích cực lên TTCK, bởi TTCK là thị trường của kỳ vọng. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường vẫn sẽ còn chịu nhiều áp lực phía trước bởi sự phục hồi của nền kinh tế vào quý II, quý III vẫn còn nhiều thách thức và các vấn đề trên thị trường bất động sản, trái phiếu riêng lẻ sẽ cần thêm thời gian để giải quyết.
Với các yếu tố tác động chưa đồng thuận, các chuyên gia này dự báo, TTCK sẽ còn biến động ở cả 2 chiều. Ở chiều điều chỉnh, mức độ biến động kỳ vọng không quá lớn, do khó khăn của nền kinh tế cũng đã được TTCK phản ánh sớm và phần lớn trong năm 2022 qua mức giảm gần 33% của chỉ số VN-Index.
“Về xu hướng kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã thoát khỏi xu hướng đi ngang trong biên độ hẹp 1.040 – 1.080 điểm và bước vào chu kỳ tăng điểm với nhịp tăng vừa phải và mục tiêu trong tháng 6 hướng đến vùng 1.150 – 1.160 điểm. Do đang tiến gần vùng đỉnh cũ, những nhịp điều chỉnh và rung lắc có khả năng sẽ diễn ra với mốc hỗ trợ là 1.060 điểm của chỉ số”, chuyên gia SSI Research dự báo./.
|
Còn theo ông Đỗ Bảo Ngọc, thời gian của quý II/2023 đã gần đi qua và nhiều khả năng kết quả kinh doanh quý này cũng sẽ là một nốt trầm của các doanh nghiệp niêm yết. Điều này có thể ảnh hưởng tới diễn biến thị trường trong thời gian tới.
“Kỳ vọng của nhà đầu tư là có và dòng tiền đã dịch chuyển vào kênh đầu tư chứng khoán, tạo ra xu hướng hồi phục tích cực hơn của thị trường chứng khoán. Từ đầu năm 2023 tới nay, VN-Index đi ngang trong biên độ 1.020 – 1.120 điểm, hiện tại thị trường đang trong giai đoạn kiểm nghiệm vùng kháng cự quan 1.100 – 1.120 điểm. Nếu dòng tiền nội tiếp tục hoạt động tích cực trong thời gian tới, thì nhiều khả năng VN-Index sẽ thoát xu thế đi ngang trong nửa cuối năm 2023”, ông Đỗ Bảo Ngọc cho hay.
Nhìn về trung và dài hạn, hiện tại nền kinh tế Việt Nam đang ở cuối một chu kỳ tăng trưởng, nhiều yếu tố tiêu cực đã được phản ánh sớm vào thị trường chứng khoán. Sắp tới, trong cuối quý II/2022 có thể có một số dữ liệu không thực sự tích cực của nền kinh tế có thể được công bố. Đây có thể là một vùng trũng trước một giai đoạn hồi phục và tăng trưởng mới của kinh tế Việt Nam trong 3 – 5 năm tiếp theo.
“Trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2023, chúng ta kỳ vọng vào những tín hiệu hồi phục của nền kinh tế và triển vọng thị trường chứng khoán có thể có diễn biến tích cực hơn giai đoạn 6 tháng đầu năm. Tôi kỳ vọng nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng sẽ có những tín hiệu cải thiện trong 6 tháng cuối năm 2023, tạo tiền đề cho năm 2024 với nhiều gam màu sáng hơn, tăng trưởng cao hơn”, ông Đỗ Bảo Ngọc nêu quan điểm./.