Thị trường và giá cả, Thông tin, Vàng - Ngoại tệ - Chứng khoán
Cuộc chơi đổi chiều giữa Trung Quốc và Mỹ
Cuộc chơi đổi chiều giữa Trung Quốc và Mỹ
Trung Quốc ngày càng ít mặn mà cho doanh nghiệp niêm yết ở Mỹ, mà muốn các công ty Phố Wall tự tìm đến và chơi theo luật của họ.
Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bắt đầu, các nhà đầu tư, chính trị gia và doanh nghiệp đã cố gắng phán đoán hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tách rời nhau bao xa và với tốc độ như thế nào. Xu hướng này đang trở nên rõ ràng hơn với thông tin hãng gọi xe Didi Global (Trung Quốc) lên kế hoạch rút niêm yết cổ phiếu khỏi sàn New York, chỉ sáu tháng sau khi IPO tại đây.
Theo The Economist, có khả năng tất cả cổ phiếu của các công ty Trung Quốc đại lục khác đang giao dịch trên sàn New York cũng có kết cục như vậy. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa giới chức Trung Quốc đang tìm cách cô lập về tài chính.
Hiện tại, họ cũng đang bận rộn chào đón các công ty ở Phố Wall vào hệ thống tài chính của mình. Hay nói cách khác, Trung Quốc đang tiến hành chiến lược tách rời bất đối xứng: giảm lệ thuộc vào phương Tây, nhưng đồng thời tìm cách tăng sự lệ thuộc của phương Tây vào Trung Quốc. Didi sẽ không phải là cái tên cuối cùng theo cách thức này.
Trong nhiều thập kỷ, chính phủ Trung Quốc chấp nhận và đôi khi khuyến khích các công ty huy động vốn ở các thị trường xa. Khi công ty Trung Quốc đầu tiên niêm yết ở New York vào năm 1993, việc niêm yết ở nước ngoài cũng được chính quyền đồng ý.
Giới chức thậm chí chấp nhận các phương thức pháp lý rắc rối, được gọi là mô hình sở hữu đặc biệt (VIE). Điều này cho phép các công ty công nghệ Trung Quốc vượt qua các hạn chế phức tạp của đại lục về quyền sở hữu nước ngoài.
Tuy nhiên, trong hai năm qua, tình hình này đã thay đổi. Năm 2019, Alibaba tìm cách niêm yết thêm ở Hong Kong. Didi thậm chí còn mạnh tay hơn khi tìm cách rời New York hoàn toàn. Nhiều người cho rằng công ty này đang chịu áp lực từ Cục An ninh Mạng Trung Quốc. Có thể họ sẽ chuyển niêm yết sang Hong Kong – nơi ngày càng chịu sự giám sát trực tiếp từ chính quyền đại lục.
Trong khi đó, có vẻ như các mô hình sở hữu đặc biệt mới sẽ bị cấm. Một lý do là Mỹ đang nhắm vào các công ty Trung Quốc. Washington yêu cầu các công ty nước ngoài công bố chi tiết hoạt động kiểm toán, nếu không sẽ phải rời khỏi các sàn giao dịch Mỹ.
Tuy nhiên, điều này cũng không phải là thất bại của Trung Quốc. Nước này không cắt đứt liên kết với tài chính toàn cầu. Thay vào đó, họ còn đang mở cửa thị trường đại lục và thu hút các ngân hàng, công ty bảo hiểm, nhà quản lý quỹ ở phương Tây vào hoạt động theo các quy tắc của chính họ.
Nhiều công ty ở Phố Wall đang được cấp giấy phép mới và mở rộng hoạt động tại Trung Quốc. Mức độ đầu tư quốc tế của JPMorgan Chase vào nước này tăng 9% kể từ năm 2019. Số lượng cổ phiếu và trái phiếu nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài tăng gần gấp đôi trong vòng ba năm qua, lên 1.100 tỷ USD.
Ngay cả khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu cuộc chiến với các ông trùm tư nhân và Big Tech dưới khẩu hiệu “thịnh vượng chung”, hơn 100 tỷ USD vẫn đổ vào thị trường đại lục trong chín tháng đầu năm 2021.
Trung Quốc hy vọng có thể đạt được điều tốt nhất ở cả hai khía cạnh. Đó là tiếp cận các quỹ toàn cầu và chuyên gia, nhưng phải dưới sự giám sát trực tiếp của nước này. Với các nhà đầu tư nước ngoài, ở mức độ nào đó, thị trường nội địa Trung Quốc vẫn là lãnh thổ xa lạ.
Họ có thể không đầu tư nhiều vốn vì lo lắng về vấn đề kiểm soát tiền tệ, đối xử không công bằng và nguy cơ bị sung công. Tuy nhiên, quy mô rộng lớn của thị trường Trung Quốc và triển vọng doanh nghiệp vẫn là sự hấp dẫn khó cưỡng lại.
Xu hướng phân tách bất đối xứng của Trung Quốc làm nảy sinh hai câu hỏi. Một là liệu phương thức của Mỹ có hiệu quả hay không. Vì càng trừng phạt các công ty Trung Quốc, cho dù là những công ty niêm yết ở Mỹ hay những công ty mua linh kiện công nghệ cao của Mỹ, Trung Quốc càng phát triển năng lực riêng.
Điều này làm suy yếu sự ưu việt của Mỹ và tạo ra các lựa chọn thay thế cho các nước thứ ba. Nó có thể khiến Mỹ bị giảm tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.
Vấn đề còn lại là Trung Quốc sẽ áp dụng chiến lược bất đối xứng vào đâu? Một lĩnh vực rõ ràng là ngành công nghiệp hàng hóa, do có nhiều giao dịch hơn ở đại lục. Lĩnh vực thứ hai là công nghệ, nơi Trung Quốc đang cố gắng phát triển chất bán dẫn được sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, thứ Trung Quốc phụ thuộc rõ ràng nhất là đồng đôla – được sử dụng cho hầu hết các khoản thanh toán quốc tế, khiến nước này có nguy cơ bị trừng phạt và cô lập. Nếu lãnh đạo Trung Quốc không thể chấp nhận một công ty cung cấp dịch vụ gọi xe được niêm yết ở New York, thì có khả năng họ cũng không muốn Trung Quốc lệ thuộc vào đồng USD. Giới quan sát cho rằng chắc chắn họ sẽ làm mọi việc trong khả năng để có được giải pháp thay thế.
Phiên An (theo The Economist)