Thị trường và giá cả, Thời sự trong nước, Thông tin, Vàng - Ngoại tệ - Chứng khoán
Nợ công năm 2021 khoảng 3,7 triệu tỷ đồng
Nợ công năm 2021 khoảng 3,7 triệu tỷ đồng
Chính phủ cho biết, nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn khi tương đương 43,7% GDP, thấp hơn nhiều mức trần dưới 60% GDP Quốc hội cho phép.
Chi tiết về tình hình vay nợ được Chính phủ nêu trong báo cáo vừa gửi Quốc hội về nợ công năm 2021 và dự kiến năm 2022. Trong đó, nợ Chính phủ khoảng 3,35 triệu tỷ đồng, bằng 39,5% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách khoảng 24,8% và nợ nước ngoài quốc gia gần 8,8% GDP.
Năm nay, tổng mức trả nợ của Chính phủ khoảng 365.932 tỷ đồng, trong đó hơn 92% là trả nợ trực tiếp, khoảng 338.415 tỷ đồng. Số trả nợ nước ngoài của các dự án cho vay lại là 27.517 tỷ đồng.
“Việc thực hiện nghĩa vụ các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ đầy đủ, gồm cả nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và nghĩa vụ nợ cho vay lại, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn”, báo cáo Chính phủ nêu.
Tuy nhiên, tình hình Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế quý III giảm sâu và GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ 2020. Chính phủ cho rằng việc hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng năm nay là thách thức. Trường hợp GDP năm 2021 không đạt mức dự báo sẽ tác động đến bội chi ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu an toàn nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong năm 2021.
Tình hình thực hiện các chỉ tiêu nợ năm 2021
STT | Chỉ tiêu | Mục tiêu 2021-2025 | Dự kiến thực hiện |
Nợ công/GDP | ≤ 60% | 43,7% | |
Nợ Chính phủ/GDP | ≤ 50% | 39,5% | |
Nợ nước ngoài quốc gia/GDP | ≤ 50% | 38,8% | |
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp/thu ngân sách | ≤ 25% | 24,8% | |
Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài/kim ngạch xuất khẩu | < 25% | 5,8% | |
Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân (năm) | 9-11 năm | khoảng 12,5 năm |
Nguồn: Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội
Năm nay nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách được điều hành đảm bảo trong phạm vi trần Quốc hội phê duyệt (25%) nhưng Chính phủ cho rằng, trước áp lực huy động vốn tăng nhanh, rủi ro đảo nợ có thể gia tăng.
9 tháng đầu năm đã huy động được 298.758 tỷ đồng. Trong số này có 7.253 tỷ đồng vay ODA, ưu đãi nước ngoài cho vay lại; còn lại là vay đưa vào cân đối ngân sách trung ương.
Dự kiến cả năm 2021, Chính phủ sẽ huy động gần 514.300 tỷ đồng, bằng 82,4% so với kế hoạch. Gần 88% trong số này từ vốn trong nước, còn lại là từ vốn vay ODA, ưu đãi.
Trường hợp huy động vốn vay của Chính phủ vượt quá khả năng hấp thu vốn của thị trường trong nước, để đảm bảo đủ nguồn huy động, có thể cần phải huy động thêm các nguồn vay trong nước có kỳ hạn ngắn hơn so với giai đoạn 2016-2020. Các khoản huy động nguồn lực trong nước sẽ gồm tăng vay từ nguồn ngân quỹ Nhà nước hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn 2-3 năm. Nhưng như vậy các chỉ tiêu về nghĩa vụ trả nợ có khả năng tăng cao (do các khoản vay này sẽ đáo hạn ngay trong giai đoạn 2022-2025).
Ngoài ra, việc huy động vốn vay với kỳ hạn ngắn cần được kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh rủi ro đảo nợ liên tục và đảm bảo chỉ tiêu kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 9-11 năm, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% so với tổng thu ngân sách được Quốc hội phê duyệt.
Chính phủ nhận xét, chi phí vay trong nước đang ở mức phù hợp, nhưng do ảnh hưởng của Covid-19, xu hướng gia tăng lạm phát do tiềm ẩn nhiều rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu cho sản xuất… mặt bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ sẽ tăng lên, dẫn tới tăng chi phí huy động vốn của Chính phủ.
Với nợ nước ngoài, tiềm ẩn rủi ro chi phí vay kém thuận lợi trong bối cảnh khả năng tiếp cận các nguồn vốn ODA giai đoạn tới sẽ giảm và có thể phải sử dụng các công cụ nợ với điều kiện tiệm cận/theo thị trường.
Ngoài ra, việc đàm phán, ký kết và giải ngân vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài với tỷ lệ thấp như trong thời gian qua do tác động từ Covid-19, các vướng mắc về cơ chế chính sách, chất lượng chuẩn bị các dự án đầu tư công và khác biệt giữa thủ tục trong nước và nước ngoài… sẽ đặt gánh nặng lên nguồn huy động chủ yếu là vay trong nước.
Năm 2022, Chính phủ dự kiến vay 571.014 tỷ đồng, ít hơn năm 2021 khoảng 53.200 tỷ so với kế hoạch vay năm 2021.
Trong đó, vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương 347.900 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc ngân sách trung ương 196.149 tỷ đồng và vay về cho vay lại 26.965 tỷ đồng.
Phần lớn nguồn lực huy động vay trong năm tới sẽ đến từ trong nước, với 502.926 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm trở lên. Trường hợp cần thiết có thể kết hợp kỳ hạn dưới 5 năm để đảm bảo đủ nguồn huy động. Số vốn vay nước ngoài năm tới (vốn ODA, ưu đãi) trên 68.000 tỷ đồng.
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2022 gần 300.000 tỷ đồng, trong đó 63% là trả nợ gốc (196.149 tỷ đồng), nợ lãi khoảng 103.668 tỷ đồng.
Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 36.370 tỷ đồng (trả gốc 27.208 tỷ đồng, trả lãi 9.162 tỷ đồng).
Dự kiến trong năm 2022, Chính phủ không bảo lãnh mới cho các chương trình, dự án để vay vốn trong nước, nước ngoài.
Với dự kiến vay, trả nợ như vậy và trường hợp GDP năm 2022 tăng trưởng khá, Chính phủ tính toán nợ công năm 2022 khoảng 43-44%% GDP, nợ Chính phủ 40-41% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia 40-41% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách khoảng 21-22%.
- Đề xuất nới trần nợ công để tăng quy mô gói hỗ trợ
- Quốc hội chốt vay hơn 3 triệu tỷ đồng 5 năm tới
- Trần nợ công tối đa 60% GDP 5 năm tới
- Chính phủ dự kiến vay hơn 75 tỷ USD trong 3 năm
Anh Minh
Nguồn: https://vnexpress.net/no-cong-nam-2021-khoang-3-7-trieu-ty-dong-4371685.html |