Thị trường và giá cả, Thông tin, Vàng - Ngoại tệ - Chứng khoán
Kim loại quý hiếm nhất thế giới đang tăng giá phi mã
Kim loại quý hiếm nhất thế giới đang tăng giá phi mã
(VTC News) – Được phát hiện bởi William Hyde Wollaston vào năm 1803, rhodium thuộc nhóm kim loại quý giá đắt tiền nhất thế giới bởi độ hiếm, hiện kim loại này đang tăng rất mạnh.
Thời điểm tháng 3/2021, giá rhodium tăng lên tới 29.200 USD/ounce, so với mức 16.990 USD hôm 31/12/2020. Nếu tính từ ngày 1/1/2021, giá Rhodium hiện tăng khoảng 72%.
Với mức giá này, rhodium đắt gấp 17 lần vàng, gấp 12 lần palađi và gấp 25 lần bạch kim.
Rhodium là một kim loại chuyển tiếp có màu trắng bạc, cứng và bền. Nhờ tính chất hóa học đặc biệt, Rhodium không bị ăn mòn và oxy hóa, ít bị mờ và trầy xước.
Rhodium được coi là kim loại quý hiếm nhất và có giá trị nhất trên thế giới – hơn rất nhiều so với vàng hoặc bạch kim.
Công dụng chính của kim loại này là sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác (có thể gọi là bộ xử lý khí thải) – một bộ phận của hệ thống khí thải của xe ô tô để giảm lượng khí thải độc hại và các chất ô nhiễm ra môi trường.
Trong tự nhiên, Rhodium không tồn tại ở dạng nguyên chất, nó được tìm thấy pha lẫn các chất khác trong quặng platinum hay niken với số lượng rất ít.
Đây chính là nguyên nhân khiến giá thành của Rhodium cao gấp nhiều lần vàng. Nam Phi là nơi xuất khẩu Rhodium chính với hơn 80% số lượng Rhodium trên thế giới sau đó đến Nga.
Sản lượng Rhodi hàng năm chỉ vào khoảng 30 tấn. Trong khi đó, các thợ khai thác vàng hàng năm đào được từ 2.500 đến 3.000 tấn.
Thống kê cho thấy, giá của Rhodium biến động mạnh qua mỗi năm. Vào năm 2004, Rhodium giá 425 USD/ounce. Nhưng đến năm 2008, giá của nó đã đạt 10.000 USD, tăng 2,112%. Tuy nhiên, đến năm 2016, giá kim loại này lại xuống chỉ khoảng từ 600 USD đến 1.800 USD.
Năm 2017 đến 2018, Rhodium lại tăng mạnh lên 2.500 USD/ ounce. Cuối năm 2019, chất này đạt mốc 5.000 USD.
Ngoài sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô, người ta còn dùng Rhodium để mạ các món trang sức. Bất kỳ chất liệu gì khi đươc mạ Rhodium đều sáng và bền hơn.
Phương pháp này đã được giới kim hoàn sử dụng từ những năm 30 của thế kỷ trước. Hiện nay, công nghệ này chủ yếu được áp dụng cho vàng trắng và các loại bạc quý.