Thị trường và giá cả, Thông tin, Vàng - Ngoại tệ - Chứng khoán
‘Chết đứng’ vì vay vàng lúc giá 36 triệu đồng/lượng
‘Chết đứng’ vì vay vàng lúc giá 36 triệu đồng/lượng
Chưa bao giờ giá vàng tăng như vũ bão trong suốt vài tuần trở lại đây, có ngày vàng tăng giá tới 2 triệu đồng/lượng. Những người vay vàng vào thời điểm giá vàng chỉ 36-37 triệu đồng/lượng giờ đang phải mất ăn mất ngủ vì hiện nay giá vàng đã tăng vọt lên gần mức 58 triệu đồng/lượng.
Méo mặt vì giá vàng lên đỉnh
Mấy ngày giá vàng biến động tăng liên tục là những ngày không ngủ được của chị Nguyễn Thị Hoa (quận 3, TP.HCM) vì trót lỡ vay vàng lúc giá thấp. Chị Hoa cho biết chị vay 1,5 lượng vàng SJC, theo hợp đồng mỗi tháng phải trả gốc là 1 chỉ vàng SJC cộng thêm tiền lãi khoảng 500.000 đồng nhưng nếu trả chậm sẽ phải chịu lãi phạt lên tới 10.000 đồng/chỉ/ngày tính trên tổng số vàng còn lại. Đáng nói là lúc chị Hoa vay vàng vào cuối năm ngoái, giá vàng chỉ ở mức khoảng 43 triệu đồng/lượng thì giờ đây lên tới gần 58 triệu đồng/lượng.
“Tính đến nay tôi mới trả góp 6 chỉ, mà tháng nào tiền mua vàng để trả nợ cũng chênh lệch so với giá gốc từ 800.000 đến 1 triệu đồng/chỉ. Hiện kỳ hạn trả nợ tháng 7 đã tới, cứ tính theo giá vàng ở mức 58 triệu đồng/lượng thì tôi phải chịu chênh lệch tới 1,5 triệu đồng/chỉ, chưa kể tiền lãi hằng tháng” – chị Hoa buồn rầu chia sẻ.
Nếu giá vàng cứ tiếp diễn đà tăng như thế này, chị Hoa lo lắng đến lúc trả hết số vàng vay, tổng số tiền gốc và lãi phải trả cao ngang ngửa, không khác gì đi vay tín dụng đen.
Méo mặt vì vay vàng để mua nhà lúc giá chỉ 36 triệu đồng/lượng, vợ chồng chị Tú Trân (quận 2, TP.HCM) đã phải nhanh chóng gom tiền mặt để mua vàng trả nợ sớm. Chị Trân cho biết vào thời điểm tháng 4 năm ngoái, vợ chồng chị mua một căn hộ chung cư với giá 3,3 tỉ đồng nhưng còn thiếu 300 triệu đồng. Tính vay ngân hàng nhưng biết người thân có vàng để dành nên vợ chồng chị quyết định vay 8 lượng vàng SJC để khỏi phải chịu áp lực trả lãi hằng tháng cũng như không cần trả nợ gấp rút.
Theo chị Trân, nếu chị vay ngân hàng khoản tiền trên ở thời điểm đó để mua nhà thì lãi suất năm đầu tiên sẽ rơi vào khoảng 9%/năm, lãi suất các năm tiếp được thả nổi nhưng dự đoán khoảng 12%-13%/năm. Với mức lãi suất như vậy, trung bình mỗi tháng chị chỉ phải trả khoảng 5 triệu đồng gồm cả gốc và lãi. Tính đến nay, nếu vay ngân hàng thì chị chỉ phải trả khoảng 30 triệu đồng tiền lãi.
Thế nhưng lúc đó thấy giá vàng chỉ có hơn 36 triệu đồng/lượng và giá vàng trong suốt nhiều năm khá ổn định nên vợ chồng chị Trân chủ quan tích góp tiền mặt chứ không tích lũy vàng để trả nợ.
Một năm sau, giá vàng liên tục tăng phi mã từ 47 lên 48, rồi vượt mốc 50 triệu đồng/lượng trong thời gian quá ngắn. Lo vàng tăng giá nữa, vợ chồng chị Trân quyết định nhanh chóng rút toàn bộ số tiền tích góp vừa đủ 400 triệu đồng để mua 8 lượng vàng trả nợ vì sợ giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa.
“Tính ra với cách thức vay vàng thì sau một năm tôi đã bị lỗ gần 120 triệu đồng. Cũng may là vợ chồng đã trả sớm, chứ chậm một chút đến thời điểm này vàng lên tới 58 triệu đồng/lượng thì không biết tính sao” – chị Trân nói.
Giá vàng miếng đã sát ngưỡng 58 triệu đồng/lượng. Ảnh: THÙY LINH
Chết vì non kinh nghiệm
Chứng kiến những biến động của thị trường vàng nhiều năm qua, ông Nguyễn Hiếu, chủ tiệm vàng lớn tại chợ An Đông (quận 5, TP.HCM), cho biết khi vàng chạm đỉnh 50 triệu đồng/lượng vào tháng 9-2011 đã khiến tất cả những ai vay vàng của người thân, bạn bè… để làm ăn, đầu tư đều “dính chưởng” hết.
Vì vậy, sau cơn chấn động của giá vàng vào năm 2009, theo ông Hiếu, tư duy của những người kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực bất động sản đã thay đổi. Thay vì tính căn nhà này hay lô đất kia… bao nhiêu lượng vàng thì nay họ tính cụ thể là bao nhiêu tiền. “Giờ đây, khi giá vàng liên tiếp tăng cao, xô đổ mọi kỷ lục về giá chỉ trong thời gian ngắn thì bài học về việc vay vàng để làm ăn, đầu tư… vẫn còn nguyên giá trị về rủi ro” – ông Hiếu chia sẻ.
Theo phân tích của ông Hiếu, khi giá vàng bình lặng thì chuyện vay vàng không có gì đáng nói. Nhưng vào những thời điểm nền kinh tế thế giới đối diện nhiều bất ổn như hiện tại thì những người vay vàng non kinh nghiệm lại lao đầu đi vay vàng chẳng khác nào đẩy mình vào cảnh ôm bom.
“Bút sa gà chết, một khi người đi vay chọn lựa hình thức vay vàng để lấy vốn đầu tư, làm ăn thì đến kỳ hạn trả nợ họ buộc phải trả gốc và lãi bằng vàng, đó là luật bất thành văn. Do đó, nếu đang có khả năng để trả nợ vàng thì nên trả ngay, đừng ngồi ngóng giá vàng mà chần chừ đáo hạn thì thiệt hại sẽ còn nặng nề hơn nữa” – ông Hiếu nói.
TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách kiểm soát tiền tệ, lãi suất cho vay, vì thế người dân đủ điều kiện vay được ngân hàng thì đây là lựa chọn tốt nhất. Người dân không nên đi vay vàng vì rủi ro rất cao nếu giá vàng tăng.
“Kênh đầu tư, kênh dẫn vốn nào mà có sự điều tiết của các cơ quan quản lý, hoạt động cho vay minh bạch thì nên đi theo. Còn cái gì mà hoạt động theo cơ chế thị trường, chìm nổi bất thường thì người dân nên tránh xa” – TS Minh cảnh báo.
Giá vàng miếng đã tăng 8 triệu đồng/lượng Kể từ đầu tháng 7 tới nay, giá vàng thế giới đã tăng 200 USD/ounce, tăng khoảng 5,6 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC tại thị trường trong nước tăng tới 8 triệu đồng/lượng, xô đổ mọi kỷ lục về giá. Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, giá vàng thế giới giao dịch quanh ngưỡng 1.972 USD/ounce, tương đương tăng hơn 400.000 đồng/lượng. Quy đổi theo tỉ giá của các ngân hàng thương mại, hiện giá vàng thế giới tương đương khoảng 55,3 triệu đồng/lượng. Còn tại thị trường trong nước, giá vàng miếng mấp mé mức 58 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và 56,6 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào. Dòng tiền đổ vào vàng của các quỹ đầu tư ETF trên toàn cầu vẫn tiếp tục tăng mạnh, tính đến hết tháng 6, lượng vàng do các quỹ này nắm giữ là 734 tấn. Lần đầu tiên dòng vốn đầu tư vàng của quỹ ETF đã vượt qua kỷ lục 646 tấn của năm 2009 và nâng tỉ lệ nắm giữ vàng của các quỹ ETF trên toàn cầu hiện lên 3.621 tấn. |