EFR – Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định điều tra rà soát cuối kỳ chống bán phá giá (CBPG) đối với nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc. Hiện nay, việc nhập khẩu nhôm từ Trung Quốc với giá rẻ đã ảnh hưởng đến sản xuất nhôm trong nước và gây ra sự cạnh tranh khốc liệt tại Việt Nam.
Điều tra rà soát cuối kỳ CBPG đối với nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 2537/QĐ-BCT về việc điều tra rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm nhôm từ Trung Quốc được phân loại theo mã HS 7604.10.10, 7604.10.90, 7604.21.90, 7604.29.10 và 7604.29.90 (mã số vụ việc: ER01.AD05).
Quyết định tiến hành điều tra rà soát cuối kỳ được ban hành căn cứ theo quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại nhằm xác định sự cần thiết, tính hợp lý và tác động kinh tế – xã hội của việc tiếp tục áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm nhôm nhập khẩu, đánh giá khả năng tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá gây thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước trong trường hợp chấm dứt biện pháp CBPG.
Theo quy định pháp luật, sau khi khởi xướng điều tra, Cơ quan điều tra sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá các nội dung sau: (i) khả năng hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá nếu chấm dứt biện pháp CBPG; (ii) khả năng ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể nếu chấm dứt việc áp dụng biện pháp CBPG; và (iii) mối quan hệ nhân quả giữa khả năng bán phá giá với khả năng thiệt hại mà ngành sản xuất trong nước phải chịu.
Nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc đang chiếm tỷ lệ lớn trong thị trường nhôm Việt Nam |
Bộ Công Thương sẽ thực hiện việc thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức tham vấn công khai để các bên liên quan trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm về vụ việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.
Bộ Công Thương khuyến nghị tất cả các tổ chức, cá nhân đang xuất nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan và cung cấp các thông tin cần thiết tới Bộ Công Thương để đảm bảo quyền và lợi ích của mình theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân có thể đăng ký làm bên liên quan trong vụ việc với Cơ quan điều tra theo mẫu Đơn đăng ký bên liên quan ban hành tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại và gửi tới Cơ quan điều tra theo địa chỉ dưới đây theo các phương thức sau: (i) công văn chính thức hoặc (ii) thư điện tử.
Hạn cuối để đăng ký bên liên quan là ngày 18/12/2023.
Nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc đang chiếm tỷ lệ lớn trong thị trường nhôm Việt Nam
Theo Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA), nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc đang chiếm tỷ lệ lớn trong thị trường nhôm Việt Nam. Việc nhập khẩu nhôm từ Trung Quốc với giá rẻ đã ảnh hưởng đến sản xuất nhôm trong nước và gây ra sự cạnh tranh khốc liệt tại Việt Nam.
Nhằm bảo vệ sản xuất nhôm trong nước khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh từ các sản phẩm nhập khẩu, Việt Nam đã áp thuế CBPG với nhôm Trung Quốc từ năm 2019 với mức thuế tạm thời từ 2,49% đến 35,58%, hiệu lực 5 năm. Tuy nhiên, quyết định này sẽ hết hiệu lực từ tháng 10/2024.
Đặc biệt, VAA cũng nêu lên thách thức hiện nay khi có xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp sang Việt Nam những năm gần đây rất rõ nét, chủ yếu là dòng vốn đến từ các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc. Điển hình là việc Công ty Xingfa Quảng Đông đang chuyển hướng đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Theo VAA, giai đoạn 2016-2018, nhôm Trung Quốc dư thừa sản lượng, tràn vào bán phá giá khiến doanh nghiệp nhôm nội địa phương đã lâm vào cảnh ngừng hoạt động, công nhân mất việc.
Năm 2019, khi Bộ Công Thương áp thuế CBPG đối với nhôm định hình có xuất xứ từ Trung Quốc, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chống buôn lậu và gian lận thương mại, đã ngăn chặn được nhôm Trung Quốc bán phá giá vào Việt Nam.
Vấn đề là sau khi bị áp thuế, các nhà sản xuất Trung Quốc đã tìm cách chuyển hướng đầu tư trực tiếp sang Việt Nam để tránh bị áp thuế. Đồng thời, việc chuyển cứ điểm sản xuất có thể giúp nhôm Trung Quốc tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại mà nhôm Việt Nam đang được hưởng, nhằm tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước như Mỹ, EU, Anh…
Điều này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu của các nhà máy nhôm Việt Nam./.