Quý I/2024, xuất khẩu gạo thu về 1,4 tỷ USD
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 8,1 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp…
Hiện, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là: Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore…; trong đó, Philippines chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững nói trên, thì một số khu vực thị trường cũng ghi nhận tăng trưởng tốt, điển hình là EU.
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gạo trên 8 triệu tấn với kỳ vọng đạt giá trị 5 tỷ USD |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý I/2024, xuất khẩu gạo đạt gần 2,2 triệu tấn với trị giá thu về 1,4 tỷ USD, tăng 17,8% về lượng và tăng đến 45,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường chính như: Philippines, Indonesia, Malaysia… đều tăng trưởng cao ở mức hai con số. Bình quân quý I năm nay, giá xuất khẩu đạt 654 USD/tấn, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, quý I/2024, lần đầu tiên Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore. Hiện chiếm hơn 32% thị phần, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt sang Singapore đạt cao hơn so với Ấn Độ (6,96%) và Thái Lan (8,28%). Các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng thành công danh mục sản phẩm xuất khẩu sang các mặt hàng khác như: gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ.
Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm
Theo nhiều dự báo, giá gạo thế giới có thể tiếp tục tăng trong năm 2024, do nguồn cung bị thắt chặt vì thời tiết diễn biến bất lợi ở không ít nước sản xuất lúa gạo hàng đầu, trong khi nhu cầu nhập khẩu từ các đối tác chính, như: Philippines, Indonesia, châu Phi… vẫn duy trì ở mức cao trong năm nay.
Đáng lưu ý, Ấn Độ – quốc gia vốn chiếm đến 40% thương mại về gạo toàn cầu – vẫn đang hạn chế xuất khẩu gạo. Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai cũng sẽ cắt giảm lượng gạo xuất khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Nếu Việt Nam vẫn đảm bảo giữ vững được sản lượng lương thực, thì sẽ ngày càng có nhiều hơn cơ hội chiếm lĩnh thị trường.
Theo báo cáo “Triển vọng hàng hóa toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới, giá gạo toàn cầu khó có thể giảm trước năm 2025. Còn theo dự đoán của BMI – một đơn vị nghiên cứu của Fitch Solutions – mối lo ngại về nguồn cung có thể giảm bớt vào năm 2025, khi hiện tượng thời tiết El Nino làm tăng nhiệt độ và giảm lượng mưa – chuyển sang La Nina, với lượng mưa cao hơn bình thường.
Bên cạnh những thuận lợi, năm 2024, thị trường thương mại gạo toàn cầu vẫn phải đối mặt với những thách thức. Theo đó, cuộc cạnh tranh thị phần giữa các nước xuất khẩu dự kiến sẽ gia tăng và tiếp tục gây áp lực lên giá gạo trên thị trường quốc tế. Trong khi Thái Lan và Việt Nam đang tích cực tìm kiếm các hợp đồng mới, thì Pakistan dự báo sẽ có vụ mùa bội thu trong năm nay.
Mặc khác, tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp (diễn biến tại Biển Đỏ ảnh hưởng tới các tuyến vận tải biển, căng thẳng Iran – Israel)… dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.
Ở trong nước, Việt Nam vừa trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh miền Bắc trong tháng 1/2024 và cảnh báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, thời kỳ cao điểm vào khoảng tháng 2/2024 đến tháng 4/2024. Những yếu tố thời tiết bất lợi này có khả năng ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo vụ Đông Xuân năm 2024.
Mặt khác, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến ngày 22/1/2024, cả nước có 161 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Con số này giảm đáng kể so với thời điểm giữa tháng 8/2023 (210 thương nhân) và thời điểm tháng 10/2023 (170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo).
Tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong dài hạn
Để bảo vệ thành quả của năm 2023, tận dụng cơ hội và tiếp tục xuất khẩu thành công trong năm 2024, bên cạnh những giải pháp căn cơ, cần kịp thời giải quyết những vướng mắc trước mắt và lâu dài, hướng đến phát triển bền vững.
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gạo trên 8 triệu tấn với kỳ vọng đạt giá trị 5 tỷ USD.
Để đồng hành cùng ngành lúa gạo Việt Nam, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương cho biết, sẽ triển khai tổng thể nhiều giải pháp, nhằm tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong dài hạn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 583/QĐ-TTg, ngày 26/5/2023.
Đồng thời, thực hiện tốt các mục tiêu, nguyên tắc điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 2/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới và triển khai Chỉ thị số 03/CT-BCT, ngày 25/3/2024 của Bộ Công Thương về đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và thương nhân tích cực phối hợp với Bộ Công Thương cùng triển khai để đảm bảo: tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường lương thực thế giới.
Để đồng hành cùng ngành lúa gạo Việt Nam nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới./.