Tóm tắt

Những năm qua, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, hoạt động xuất khẩu (XK) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kim ngạch XK liên tục tăng cao, cán cân thương mại tích cực, duy trì xuất siêu liên tục và tăng dần trong nhiều năm, góp phần ổn định cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ thực hiện chính sách tỷ giá, ngoại hối, tạo việc làm, nâng cao năng lực sản xuất, trình độ quản lý của doanh nghiệp (DN). Bài viết khái quát thực trạng XK của Việt Nam trong thời gian qua, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy XK, nâng cao giá trị kim ngạch XK trong bối cảnh thị trường quốc tế đang chuyển biến mạnh mẽ và khó lường.

Từ khóa: xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp

THỰC TRẠNG XK CỦA VIỆT NAM

Thành tựu đạt được

Về tốc độ và kim ngạch XK

Trong giai đoạn 2019-2023, XK của Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều biến động và thách thức do tác động của nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả đại dịch Covid-19 và bối cảnh diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, tổng giá trị xuất siêu của Việt Nam trong khoảng thời gian này đã đạt 75,2 tỷ USD, với giá trị kim ngạch XK tăng liên tục từ năm 2019 đến năm 2022 (Bảng).

Bảng: Tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2019-2023

Đơn vị: Tỷ USD

Xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay: Thách thức đặt ra và đề xuất giải pháp
Nguồn: Tổng cục Thống kê (2019-2024)

Số liệu ở Bảng cho thấy, năm 2019, trước đại dịch Covid-19, XK của Việt Nam đã có sự tăng trưởng ổn định và ấn tượng, giá trị xuất siêu đạt 10,9 tỷ USD. Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm nhu cầu tiêu thụ từ các đối tác quốc tế và hạn chế vận chuyển hàng hóa. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động XK của Việt Nam, đặt ra nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, nhờ vào chính sách quyết liệt và linh hoạt của Chính phủ cùng với sự nỗ lực của DN, ngành XK đã duy trì tăng trưởng ổn định. Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép” khi vừa đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, tổng kim ngạch XK đạt 282,6 tỷ USD, tăng 6,96% so với năm 2019.

Trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục đối diện với những thách thức từ đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế toàn cầu biến động khi thương mại toàn cầu giảm sút, bảo hộ mậu dịch gia tăng, XK của nhiều quốc gia giảm đi. Tuy nhiên, XK hàng hóa của Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ, với kim ngạch XK đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. Trong năm 2022, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn do cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga gây ra sự đứt gãy nguồn cung cho nhiều mặt hàng; Trung Quốc tiếp tục áp dụng biện pháp phong tỏa kéo dài; lạm phát tăng cao ở hầu hết các nền kinh tế và lãi suất được tăng mạnh để kiềm chế lạm phát. Trước tình hình này, Việt Nam tiếp tục tăng cường hoạt động XK và tìm kiếm cơ hội mới trên thị trường quốc tế. Các biện pháp hỗ trợ và khuyến khích XK được triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành XK. Nhờ đó, tổng kim ngạch XK đạt 371,7 tỷ USD, tăng 10,52% so với cùng kỳ năm 2021.

Đến năm 2023, giá trị XK hàng hóa đã giảm 4,35% so với năm trước, nhưng cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn đạt mức xuất siêu cao 28 tỷ USD, tăng 129,5% so với năm 2022. Riêng 10 tháng năm 2024, kim ngạch XK đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 23,31 tỷ USD. Trong cả năm 2024, dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ chạm mốc 800 tỷ USD, vượt kỷ lục xuất nhập khẩu 732 tỷ USD vào năm 2022 và cũng là năm tiếp tục xuất siêu.

Với tốc độ tăng trưởng XK nói trên, nền kinh tế Việt Nam liên tục xuất siêu liên tục. Đối với một nước đang phát triển (nhu cầu nhập khẩu lớn, năng lực cạnh tranh sản phẩm chế biến ở thị trường quốc tế còn hạn chế), thì đạt được kim ngạch ngoại thương xuất siêu, là thành tích đáng ghi nhận, phản ánh nỗ lực và bước phát triển về chất của nền kinh tế.

Về thị trường XK chính

Nhìn chung, các mặt hàng XK của Việt Nam ngày càng đa dạng và doanh thu XK ngày càng cao. Việc mở rộng thị trường XK đã giúp đưa sản phẩm của Việt Nam đến nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Theo đó, hàng hóa XK của Việt Nam đã có mặt tại gần 200 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn và khó tính, như: Mỹ, Nhật Bản và EU. Hình 1 cho thấy, một số thị trường XK chính của Việt Nam bao gồm:

– Hoa Kỳ: Là một trong những thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, mối quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển. Tốc độ tăng trưởng XK từ năm 2019 đến năm 2023 đạt mức bình quân 27,16% mỗi năm.

– Trung Quốc: Với dân số đông và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ lớn và quan trọng cho các mặt hàng XK của Việt Nam. Giá trị trung bình kim ngạch XK hàng năm vào thị trường Trung Quốc đạt 50,779 tỷ USD.

– Liên minh châu Âu (EU): với Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) tạo ra cơ hội mở rộng XK sang thị trường này.

– ASEAN: Các quốc gia trong khu vực này là thị trường XK lớn của Việt Nam, mối quan hệ thương mại giữa hai bên đang được củng cố.

Hàn Quốc và Nhật Bản cũng là 2 thị trường trọng điểm với các mặt hàng chủ yếu như máy tính, điện thoại, linh kiện công nghệ, máy móc, thiết bị, dệt may và sản phẩm điện tử.

Hình: Thị trường XK chính của Việt Nam giai đoạn 2019-2023

Xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay: Thách thức đặt ra và đề xuất giải pháp
Nguồn: Tổng cục Hải quan (2024)

Ngoài các thị trường chính nói trên, Việt Nam cũng XK sang một số thị trường khác, như: Úc, Ấn Độ, Ukraina và nhiều quốc gia khác. Đại dịch Covid-19 đã bùng phát từ đầu năm 2020 và gây tác động tiêu cực chưa từng có đến nền kinh tế thế giới, bao gồm cả XK của Việt Nam. Tỷ trọng XK của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đã giảm mạnh, ví dụ như: EU giảm 1,1%, ASEAN giảm 1,38%, Nhật Bản giảm 0,9%, Hàn Quốc giảm 0,74% và các thị trường khác giảm 1,58%. Tuy nhiên, đến năm 2022, tỷ trọng kim ngạch XK hàng hóa sang các quốc gia đã khôi phục và tăng trưởng ổn định (Hình).

Trong 10 tháng năm 2024, nhiều thị trường/khu vực thị trường XK có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 24,2%; xuất khẩu sang EU tăng 16,4%. Kèm theo đó là xuất siêu sang nhiều nước cũng tăng cao như xuất siêu sang Hoa Kỳ tăng 26,9%, xuất siêu sang EU tăng 18,6%, xuất siêu sang Nhật Bản tăng 56,9%. Riêng Trung Quốc có kim ngạch xuất khẩu đạt 50,8 tỷ USD, tăng 2,1% (1,1 tỷ USD).

Về các mặt hàng XK chính của Việt Nam

Nhìn chung, các mặt hàng XK của Việt Nam ngày càng đa dạng và doanh thu XK ngày càng cao. Các mặt hàng đóng góp lớn vào tăng trưởng kim ngạch XK bao gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; nông sản, thủy sản; dệt may và giày dép các loại. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2019, cả nước ghi nhận 37 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Thì đến năm 2022, nhóm hàng XK đạt trên 1 tỷ USD đã tăng lên 48 mặt hàng. Trong năm 2023 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch XK (có 7 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD, chiếm 66%. Trong 10 tháng năm 2024, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 92,6% tổng kim ngạch XK (có 7 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%).

Về khai thác thế mạnh từ các FTA

Việc khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần phát triển XK nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường. Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) năm 2023 đạt 86,1 tỷ USD, chiếm 37,35% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 230,5 tỷ USD của Việt Nam sang các thị trường ký FTA. Kết quả này phản ánh DN và hàng hóa XK từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam.

Một số khó khăn, thách thức

Về khách quan

Xung đột quân sự Nga – Ukraine và Israel – Hamas trực tiếp tác động đến dòng chảy thương mại toàn cầu, tạo nên nguy cơ đứt gãy các tuyến đường vận tải trọng yếu của thế giới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ, mà còn làm phát sinh thêm chi phí logistics cho các DN XK của Việt Nam.

Hơn nữa, việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường khiến DN XK hàng hóa vào nước này tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Bởi chi phí sản xuất thực tế của DN Việt Nam không được dùng để tính toán biên độ phá giá mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba. Đây là một trong những khó khăn, trở ngại rất lớn đối với DN XK Việt Nam.

Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Việc các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Theo đó, Việt Nam còn chịu sự phụ thuộc quá mức vào các thị trường XK chính, khiến cho ngành XK dễ bị tác động bởi biến động của thị trường quốc tế. Các thị trường lớn bị co lại do khủng hoảng kinh tế, trong khi các thị trường nhỏ mới mở rộng không đủ để cân bằng tác động.

Các yếu tố như: tỷ giá hối đoái, năng lực sản xuất của DN trong nước, sự ưu ái hàng hóa nội hoặc ngoại của người dân, cùng với tác động của khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, đều góp phần vào việc giảm giá trị kim ngạch XK của Việt Nam.

Sự suy giảm trong kinh tế thế giới đang ảnh hưởng rõ rệt đến kim ngạch XK của Việt Nam. Nhu cầu trên thế giới giảm đã gây khó khăn cho các ngành công nghiệp, như: dệt may, điện tử, gỗ… trong việc ký kết hợp đồng. Ngành nông sản của Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Dầu thô, mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong XK của Việt Nam, cũng gặp khó khăn khi giá dầu thô thế giới giảm và thị trường biến động. Nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng hoá tiêu dùng và XK cũng giảm do nhu cầu giảm, khó ký kết hợp đồng mới và sản xuất chững lại.

Về chủ quan

Thứ nhất, mặc dù XK tăng mạnh, nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) của nền kinh tế lại đang có xu hướng tăng lên so với những năm gần đây. Đây là một mối quan ngại đối với Việt Nam, đặc biệt là nếu xét đến các gián đoạn trong thương mại quốc tế cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của đại dịch, xung đột Nga – Ukraine, kinh tế Trung Quốc… Theo Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 10/2024 đạt 13,83 tỷ USD, tăng 21,2% (tương ứng tăng 2,42 tỷ USD) so với kỳ trước, qua đó nâng tổng trị giá XK hàng hóa trong 10 tháng/2024 của nhóm các DN này lên 240,13 tỷ USD, tăng 12,9% (tương ứng tăng 27,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm tới 71,5% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước. Như vậy, cho đến nay, DN FDI vẫn lấn át khối nội, chiếm thế thượng phong về XK. Đặc biệt, DN FDI góp mặt trong hầu hết các nhóm hàng xuất – nhập khẩu chủ lực của nước ta. Trong đó, có ưu thế lớn ở các nhóm hàng chục tỷ USD, như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phù tùng…

Thứ hai, sự đa dạng hóa thị trường XK còn hạn chế. Nhìn chung, hoạt động XK của Việt Nam còn phụ thuộc một số thị trường lớn, vì dù chúng ta đã rất cố gắng thời gian qua, nhưng việc cạnh tranh, từng bước chiếm lĩnh thị phần của các đối thủ khác để khai mở thị trường vẫn cần có thời gian, nỗ lực vượt bậc của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh các nước trên thế giới đều dành nguồn lực lớn hỗ trợ XK.

Thứ ba, cam kết của các FTA tương đối phức tạp, trong khi mức độ quan tâm, nguồn lực đầu tư cho việc nghiên cứu, khai thác ưu đãi của một bộ phận DN còn hạn chế, đặc biệt các DN nhỏ và vừa. Chính vì thế, một số mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn, như: EU, Hoa Kỳ… phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh (Định Trần, 2024).

Thứ tư, chất lượng sản phẩm XK còn hạn chế. Điển hình như với mặt hàng rau quả, nhìn chung, tiêu chuẩn chất lượng của rau quả còn chưa được duy trì ổn định. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, chất lượng rau quả XK còn chưa đồng đều. Nhiều sản phẩm vẫn còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý. Thời gian qua, hầu hết các thị trường đều đang siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu. Chẳng hạn, sầu riêng bị các nhà nhập khẩu tại thị trường Nhật Bản phản ánh về chất lượng; ớt bị tăng kiểm tra tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Cụ thể, theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Thương vụ đã nhận được thư của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) thông báo về việc tái chỉ định các thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra khi vào Hàn Quốc. Đây là rào cản khiến rau quả XK vào thị trường này khó khăn hơn (Hà Anh, 2024).

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Về phía Nhà nước

Xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách kinh tế, thương mại cần thực hiện đồng bộ và thường xuyên. Rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách hiện hành để làm rõ những nội dung không phù hợp với quy định quốc tế và cam kết trong các FTA, từ đó, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp quy cho phù hợp. Kiện toàn các tổ chức pháp chế của ngành, địa phương và DN, củng cố hệ thống tòa án kinh tế, lao động, hành chính và các tổ chức trọng tài.

Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích, bảo đảm thực thi để XK chuyển mạnh từ tăng về lượng sang tăng về chất, tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Muốn vậy, yếu tố đầu tiên là phải phát triển được công nghiệp hỗ trợ nhằm tận dụng tốt ưu đãi của các FTA. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các DN sản xuất tạo nguồn hàng chất lượng cao, ổn định, giá cả cạnh tranh, thúc đẩy các DN FDI – đặc biệt là những DN lớn kết nối chuyển giao công nghệ, năng lực quản trị cho DN trong nước. Đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN khai thác các ưu đãi từ các FTA và đẩy mạnh XK hàng hóa qua kênh thương mại điện tử, tiếp tục đàm phán các hiệp định FTA mới nhằm khai mở thị trường cho các DN. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí, thời gian cho DN, giúp DN tập trung vào sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ thông tin cảnh báo và hướng dẫn DN ứng phó, bảo vệ lợi ích trong các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài.

Về phía DN XK

Cần tận dụng tốt các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước; có chiến lược phát triển phù hợp khi Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; cần đổi mới sáng tạo, hạ giá thành sản phẩm, chuyển đổi số, đổi mới quy trình công nghệ, đổi mới nguồn nhân lực… Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng, tay nghề của đội ngũ lao động phải được nâng lên. Đặc biệt, cần tập trung phát triển dòng nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững để bắt kịp với xu hướng của thế giới, vừa bảo đảm ổn định cho ngành sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng một cách bền vững.

Ngoài ra, các DN XK cần chủ động và mạnh dạn hơn trong khai thác thị trường. Đồng thời, cần thận trọng hơn trong giao thương quốc tế, nhất là trước những biện pháp phòng vệ thương mại mà nhiều nước áp đặt cho hàng hóa nhập khẩu, trong đó có các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, kể cả những nguy cơ rủi ro đến từ việc lừa đảo…/.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Công Thương (2023), Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023, Nxb Công Thương.

2. Định Trần (2024), Xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đơn hàng từ nước ngoài, truy cập từ https://www.congluan.vn/xuat-khau-cua-viet-nam-phu-thuoc-nhieu-vao-don-hang-tu-nuoc-ngoai-post297908.html.

3. Hà Anh (2023), Cần kiểm soát chặt chất lượng rau quả XK, truy cập từ https://nhandan.vn/can-kiem-soat-chat-chat-luong-rau-qua-xuat-khau-post812402.html.

4. Hải Yến (2024), Kim ngạch xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA tăng nhanh, truy cập từ https://baodautu.vn/kim-ngach-xuat-khau-su-dung-uu-dai-thue-quan-theo-cac-fta-tang-nhanh-d216185.htm.

5. Thế Vinh (2023), Vì sao hàng Việt vẫn khó thâm nhập sâu thị trường ASEAN?, truy cập từ https://vnbusiness.vn/viet-nam/vi-sao-hang-viet-van-kho-tham-nhap-sau-thi-truong-asean-1092923.html.

6. Tổng cục Hải quan (2023), Số liệu thống kê năm 2023, truy cập từ https://www.customs.gov.vn/.

7. Tổng cục Hải quan (2024), Số liệu thống kê xuất – nhập khẩu hàng hóa tháng 10 và 10 tháng năm 2024, truy cập từ https://www.customs.gov.vn/.

8. Tổng cục Thống kê (2019-2023), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội các năm, từ năm 2019 đến năm 2023, truy cập từ https://www.gso.gov.vn/.

9. Tổng cục Thống kê (2024), Xuất, nhập khẩu hàng hóa duy trì mức tăng cao, điểm sáng khu vực kinh tế trong nước, truy cập từ https://www.gso.gov.vn/tin-tuc-thong-ke/2024/11/xuat-nhap-khau-hang-hoa-duy-tri-muc-tang-cao-diem-sang-khu-vuc-kinh-te-trong-nuoc/.