Xuất khẩu tôm tháng 4/2025: “Chạy nước rút” trước bão thuế, tìm bệ đỡ từ thị trường mới

Xuất khẩu tôm tháng 4/2025: “Chạy nước rút” trước bão thuế, tìm bệ đỡ từ thị trường mới

Chú thích ảnh

Kết quả này là nhờ sự tăng trưởng tích cực ở tất cả các thị trường NK tôm chính của Việt Nam. “Cơn bão thuế đối ứng” từ Mỹ cũng có tác động không nhỏ tới kim ngạch XK tôm của Việt Nam trong tháng 4 năm nay do DN gấp rút đẩy mạnh xuất hàng sang Mỹ, tận dụng thời gian tạm hoãn thuế của Mỹ. Sự tăng trưởng ghi nhận ở các thị trường Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Australia, Anh, Đài Loan, Thụy Sỹ cũng thể hiện phần nào sự chuyển hướng thị trường của các DN XK tôm trong bối cảnh lo ngại “bão thuế” từ Mỹ.

Trung Quốc – Cơ hội lớn, nhưng cần thận trọng

Với kim ngạch đạt 389 triệu USD (tăng 103%) trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc&HK là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam (chiếm gần 30% tổng XK tôm của Việt Nam). Mức tăng trưởng 3 con số tại thị trường này là nhờ doanh số bán tôm hùm của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh.

Mới đây, Trung Quốc đã công bố Hướng dẫn phát triển thực phẩm và dinh dưỡng giai đoạn 2025 – 2030, nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng khẩu phần ăn thông qua tiêu thụ thực phẩm giàu protein. Hướng dẫn mới không chỉ nhấn mạnh vai trò của protein, mà còn đề xuất các chính sách nhằm tăng tiêu dùng cá và thủy sản – bao gồm việc tích hợp các sản phẩm này vào chương trình bữa ăn học đường. Thay đổi này có thể thúc đẩy đáng kể nhhu cầu thủy sản trong đó có tôm tại thị trường này. Về lâu dài, các sản phẩm thủy sản có mức giá trung bình như cá tra, tôm cỡ trung bình và nhỏ sẽ được nước này tăng cường nhập khẩu.

Năm 2023, nước này nhập 4,67 triệu tấn thủy sản, con số cao nhất từ trước đến nay, và duy trì mức cao 4,5 triệu tấn vào năm 2024. Riêng mặt hàng tôm, Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới, với hơn 1,10 triệu tấn năm 2023 và hơn 1 triệu tấn vào năm 2024.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nhu cầu tiêu thụ tôm nước ấm đông lạnh của Trung Quốc có xu hướng chững lại, kể cả từ 2 nguồn cung lớn nhất cho thị trường này là Ecuador và Ấn Độ. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, tổng lượng nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh vào thị trường này đạt 70.067 tấn, trị giá 356 triệu USD trong tháng 4/2025, tăng 5% về khối lượng và 6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. 4 tháng đầu năm nay, nước này đã nhập khẩu 269.689 tấn với giá trị 1,45 tỷ USD, giảm 9% về khối lượng nhưng tăng 1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trung bình tăng 11% lên 5,36 USD/kg.

Nguyên nhân là do hiện nay nền kinh tế Trung Quốc trì trệ, sản lượng tôm nuôi trong nước tăng mạnh và sự cạnh tranh từ nhiều loại hải sản phổ biến khác trong ẩm thực Trung Quốc. Xu hướng của người tiêu dùng Trung Quốc cũng không ổn định và khá nhạy cảm với áp lực kinh tế vĩ mô.

Mỹ – Tăng nhờ “nước rút thuế”, nhưng chưa bền vững

Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm nay đạt 193 triệu USD (tăng 15%). Riêng trong tháng 4, XK tôm sang thị trường này ghi nhận tăng 25%. Đà tăng này chủ yếu đến từ việc DN đẩy mạnh giao hàng trong giai đoạn tạm hoãn thuế từ Mỹ. Tuy nhiên, đà tăng này liệu có duy trì được lâu hay không còn chưa rõ ràng và phải chờ đợi quyết định chính thức từ Mỹ về chính sách thuế của họ đối với các nước.

Hiện các DN XK sang Mỹ đang tập trung cho các đơn hàng đang ký trước đó, có đơn vị thì nằm chờ, có đơn vị vẫn ký hợp đồng mới nhưng có những điều khoản để giải quyết khi mức thuế đối ứng được xác định. Có đơn vị thì chủ động dịch chuyển xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Á, khôi phục quan hệ với khách hàng cũ và cắt giảm chi phí sản xuất.

Có nhiều kịch bản được đặt ra về mức thuế đối ứng Mỹ dành cho Việt Nam. Những đối thủ cạnh tranh với tôm Việt Nam như Ecuador, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan…, khả năng có mức thuế sau đàm phán thấp hơn Việt Nam. Bởi vì, thuế đối ứng của Bangladesh là 37%, Thái Lan 36%, Ấn Độ 26% và Ecuador chỉ 10%, tức thấp hơn mức 46% của Việt Nam. Điều này rất có thể những quốc gia này sẽ được áp mức thuế thấp hơn 20%. Nếu kịch bản này xảy ra, thị phần và khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ chắc chắn bị lung lay.

Tuy vậy, kỳ vọng, các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ sẽ đạt được các kết quả như kỳ vọng và tích cực nhất. Việt Nam vẫn đang từng bước đáp ứng các yêu cầu của Mỹ, bao gồm giảm mạnh hàng rào thuế quan và phi thuế quan cho hàng hoá Mỹ; kiểm soát được gian lận xuất xứ hàng hoá; điều hành tỷ giá linh hoạt; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…

EU – Thị trường ổn định, ít biến động giá

Với kim ngạch 152 triệu USD (tăng 28%), chiếm 11,7% tổng xuất khẩu, EU tiếp tục là thị trường quan trọng của tôm Việt Nam trong bối cảnh áp lực gia tăng từ “bão thuế Mỹ”.

Điều đáng chú ý là tính ổn định của thị trường này – phần lớn do xu hướng tiêu dùng tôm tại nhà, không phụ thuộc vào dịch vụ nhà hàng nên ít bị ảnh hưởng về giá và biến động thị trường.

Sự kiện Hội chợ thủy sản Barcelona diễn ra vào tháng 5 vừa qua cũng góp phần thúc đẩy tiêu thụ. VASEP cùng 28 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia gian hàng quốc gia để quảng bá sản phẩm, thúc đẩy xúc tiến thương mại. Đây là minh chứng rõ nét cho nỗ lực đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào các thị trường lớn đang có rào cản thuế quan. Nhìn chung, EU là điểm tựa cân bằng cho xuất khẩu tôm, dù không tăng trưởng quá mạnh.

Nhật Bản – Cần làm mới chiến lược tiếp cận

Xuất khẩu tôm sang Nhật đạt 169 triệu USD (tăng 20%). Đây là thị trường truyền thống và có xu hướng tăng từ đầu năm đến nay.

Người tiêu dùng Nhật chuộng chất lượng cao và ổn định, tuy nhiên cạnh tranh tại đây ngày càng gay gắt từ các nhà cung cấp khác.

Trong bối cảnh thuế Mỹ, thị trường Nhật nên được quan tâm hơn. Các DN Việt cũng cần thay đổi cách tiếp cận: tăng đầu tư vào sản phẩm chế biến sâu, phát triển dòng sản phẩm “chuẩn Nhật”, và cải thiện truyền thông thương hiệu.

Dù 4 tháng đầu năm, XK tôm ghi nhận phục hồi, nhưng triển vọng vẫn còn nhiều ẩn số. Tái cơ cấu chiến lược tiếp cận thị trường, trọng tâm là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro.

DN cần chủ động chuyển hướng sang các thị trường có tiềm năng và ưu đãi thuế quan, đặc biệt là tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, RCEP… để mở rộng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Doanh nghiệp cũng nên hướng tới khai thác thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ để phân tán rủi ro, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường và tính đến cả thị trường nội địa.

Động thái từ các nước đối thủ cũng có thể là gợi ý cho DN tôm Việt Nam. Ví dụ từ Ecuador, xu hướng tích hợp theo chiều dọc là một trong những yếu tố thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của Ecuador. Các công ty chế biến của nước này đang mua lại các trang trại nuôi tôm để đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định và tăng hiệu quả; đầu tư vào trang thiết bị sản xuất và quảng bá và xây dựng thương hiệu tôm Ecuador trên toàn cầu.

Nguồn: https://vasep.com.vn/san-pham-xuat-khau/tom/xuat-nhap-khau/xuat-khau-tom-thang-4-2025-chay-nuoc-rut-truoc-bao-thue-tim-be-do-tu-thi-truong-moi-33642.html