Xuất khẩu ớt trong các tháng đầu năm có nhiều triển vọng tích cực

Xuất khẩu ớt trong các tháng đầu năm có nhiều triển vọng tích cực

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 7/2024, sản lượng ớt xuất khẩu của cả nước đạt 697 tấn, kim ngạch đạt 1,6 triệu USD.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, tổng lượng ớt xuất khẩu của cả nước đạt 8,02 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ 2023; trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu ớt lớn nhất của Việt Nam, chiếm 85,2% tổng sản lượng xuất khẩu; xếp vị trí thứ hai là thị trường Lào với 810 tấn, chiếm 10%; tăng 44,6% so cùng kỳ; thị trường Hoa Kỳ xếp vị trí thứ ba, đạt 134 tấn, tăng 157,7% so cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, Đài Loan (Trung Quốc) là một trong những thị trường ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất, với 640%.


Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Ớt là một loại quả quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, mang lại nhiều lợi nhuận và dễ trồng vì đặc điểm sinh trưởng ngắn ngày, có thể trồng xen với cây ăn quả và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc; vì vậy phù hợp với điều kiện canh tác của người dân trên khắp cả nước. Thông thường, ớt sẽ được xuống giống cây vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hằng năm; cây ớt sau 2 tháng trồng bắt đầu cho thu hoạch từ 3 – 4 đợt trong khoảng 3 tháng, chất lượng quả cao nhất với trọng lượng lý tưởng có thể lên đến 4 kg/cây.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ớt được trồng nhiều nhất tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long với tổng diện tích trên 7.000ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Tại Tây Nguyên, diện tích trồng ớt đạt khoảng 4.000 – 5.000ha với sản lượng khoảng 60.000 tấn/năm.

Kể từ tháng 3/2022, Trung Quốc cho phép Việt Nam được xuất khẩu ớt chính ngạch sang thị trường nước này, đã tạo điều kiện gia tăng sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay xuất khẩu ớt phải đối mặt với không ít khó khăn; theo đó, tháng 6/2024, Ủy ban châu Âu đã đăng Công báo Quy định số 2024/1662 ký ngày 11/6/2024 về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước thứ 3 vào EU theo quy định 2019/1973. Cụ thể, các sản phẩm nông sản gồm ớt, thanh long, đậu bắp của Việt Nam tiếp tục bị EU tăng tần suất kiểm tra, siết chặt các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong đó, đối với sản phẩm ớt, EU áp dụng với tần suất kiểm tra 50%; đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm. Đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Do vậy, để tiếp tục xuất khẩu ổn định các mặt hàng nông sản vào thị trường EU, trong đó có ớt, Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản, lương thực thực phẩm cần nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường này.

 

Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp

Nguồn: https://thongtincongthuong.vn/xuat-khau-ot-trong-cac-thang-dau-nam-co-nhieu-trien-vong-tich-cuc/