Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm nghiêm trọng về môi trường
Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm nghiêm trọng về môi trường
Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên. Tùy từng mức độ ảnh hưởng mà người gây ô nhiễm môi trường có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp.
Vừa qua, UBND TP Cần Thơ thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý môi trường trên địa bàn thành phố. Đối với dự án xử lý chất thải rắn khu xử lý rác thải số 2 ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, Sở Xây dựng đã ký hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó thỏa thuận địa phương phải chịu trách nhiệm xử lý và chịu chi phí liên quan đến chôn lấp tro bay sinh ra trong quá trình đốt chất thải tại nhà máy và xử lý xỉ lò là chưa đúng quy định. Tro bay và tro xỉ là chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình xử lý chất thải, nên Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB – chủ Dự án “Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác thải sinh hoạt) Cần Thơ” – phải thực hiện trách nhiệm chủ nguồn thải nguy hại theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bên cạnh đó, kết quả thanh tra cũng cho thấy, công tác quản lý nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại Khu công nghiệp Trà Nóc vẫn còn những hạn chế chưa khắc phục. Cụ thể, vẫn còn 3/18 cơ sở tiếp tục xả thải vượt tải, còn một số cơ sở xả nước thải trực tiếp trái phép vào hệ thống thoát nước mưa. Một số doanh nghiệp chưa đấu nối toàn bộ hệ thống nước thải về nhà máy xử lý nước tập trung. Để xảy ra những hạn chế, thiếu sót nêu trên, trách nhiệm chính thuộc về Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cần Thơ. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cũng có trách nhiệm đối với những hạn chế, thiếu sót về xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Trà Nóc, như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp, UBND quận Bình Thủy, UBND quận Ô Môn.
Luật Bảo vệ môi trường hiện hành quy định: tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tội gây ô nhiễm môi trường theo Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 có khung hình phạt như sau:
– Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 50-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 1.000kg đến dưới 3.000kg chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 3.000kg đến dưới 10.000kg chất thải nguy hại khác; xả thải ra môi trường từ 500m3/ngày đến dưới 5.000m3/ngày, nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 5 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 300m3/ngày đến dưới 500m3/ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên…
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm: chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 3.000kg đến dưới 5.000kg chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 10.000kg đến dưới 50.000kg chất thải nguy hại khác; gây hậu quả nghiêm trọng…
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm: chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật 5.000kg trở lên chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc 50.000kg trở lên chất thải nguy hại khác; xả thải ra môi trường 10.000m3/ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 5 lần đến dưới 10 lần hoặc 5.000m3/ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên… gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Nguồn: https://baocantho.com.vn/xu-ly-nghiem-nhung-hanh-vi-vi-pham-nghiem-trong-ve-moi-truong-a174427.html |