Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Xử lý cơ sở xả hàng trăm tấn chất thải trái phép gây ô nhiễm môi trường
Xử lý cơ sở xả hàng trăm tấn chất thải trái phép gây ô nhiễm môi trường
(VietQ.vn) – Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) phát hiện, xử lý chủ cơ sở luyện nhôm tái chế ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh đổ hơn 100 tấn chất thải như tro, xỉ nhôm ra môi trường, gây ô nhiễm.
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Bình Chánh đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, ra lệnh bắt bị can Trần Vinh Dự (37 tuổi, huyện Bình Chánh) về tội gây ô nhiễm môi trường. Các quyết định này đã được Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp phê chuẩn, đánh dấu bước đi quyết liệt trong công tác xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Đối tượng Trần Vinh Dự chủ cơ sở luyện nhôm xả thải trái phép ra môi trường. Ảnh: Công an cung cấp
Theo chỉ đạo từ Ban Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh, cùng với sự phối hợp của Huyện ủy và UBND huyện Bình Chánh, vào ngày 05/07/2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra lò luyện nhôm tái chế tại ấp 58, xã Vĩnh Lộc B do bị can Dự làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, cảnh sát ghi nhận cơ sở của Dự đã đổ chất thải rắn công nghiệp (tro và xỉ nhôm) trực tiếp ra môi trường trên ba khu đất được sử dụng làm xưởng sản xuất. Theo số đo, tổng khối lượng chất thải rắn được xả ra vượt quá 100 tấn – một mức độ gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến môi trường sống của khu vực.
Hiện vụ án đang được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh tiếp tục điều tra mở rộng để làm rõ vai trò của những người có liên quan.
Khu vực bị xả thải tro, xỉ nhôm. Ảnh: Công an cung cấp
Việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn và quy chuẩn môi trường là bắt buộc. Theo quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, mọi cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có hệ thống xử lý chất thải công nghiệp đạt quy chuẩn, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và tiêu chuẩn ISO 14001 về quản lý môi trường cũng được áp dụng nhằm đảm bảo rằng mọi hoạt động sản xuất đều phải được kiểm soát chặt chẽ từ khâu phát sinh đến xử lý chất thải.
Trước đó, vào ngày 23/01/2025, trường hợp của và Nguyễn Ngọc Thương, 42 tuổi, cũng là một ví dụ điển hình. Bà Thương đã lập xưởng tái chế nhôm tại khu đất ở bìa rừng tràm, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh và xả trực tiếp ra môi trường gần 8.000 tấn chất thải rắn (tro, xỉ nhôm). Theo cơ quan điều tra, kể từ năm 2019, bà Thương thuê nhân công và thiết lập xưởng nấu, tái chế nhôm trên một khu đất rộng lớn. Tuy nhiên, suốt quá trình hoạt động, các chất thải này chưa qua xử lý tại chỗ, mà chỉ được đổ ra các khu vực ven rừng, gây ô nhiễm nghiêm trọng hệ sinh thái và ảnh hưởng xấu đến chất lượng đất, nước cũng như sức khỏe cộng đồng.
Kết luận giám định của giám định viên tư pháp lĩnh vực môi trường đã chỉ ra rằng, lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ hoạt động nấu, tái chế nhôm của bà Thương gần đạt 8.000 tấn và được xả trực tiếp ra khu đất xung quanh, gây ra ô nhiễm nghiêm trọng. Đây không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn vi phạm các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt được quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Nguồn: https://vietq.vn/xu-ly-co-so-xa-hang-tram-tan-chat-thai-trai-phep-gay-o-nhiem-moi-truong-d230499.html |