Xu hướng thu hút FDI xanh tại Việt Nam

Hiện nay, FDI cùng với việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường (FDI xanh) đang là một xu hướng đầu tư tất yếu, đồng thời các quốc gia nhận đầu tư ngày càng chú trọng đến việc tăng cường các chính sách bảo vệ môi trường. Vì vậy, khi một nước nhận được các dự án đầu tư FDI sạch sẽ có cơ hội đón nhận các công nghệ xử lý, thân thiện với môi trường hiện đại, vừa tăng được các lợi ích về kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.

FDI có tác động tích cực tới môi trường thông qua việc ra đời những sản phẩm mới tiết kiệm năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào những nguyên liệu, hoặc nguồn năng lượng truyền thống và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất hoặc các kinh nghiệm tốt về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, sự có mặt của các công ty đa quốc gia cũng có tác động lan tỏa đối với các công ty trong nước thông qua việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, kỹ năng chuyên môn và những yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt. Nhìn chung, FDI sẽ góp phần giúp tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Những lợi ích kinh tế này sẽ được sử dụng một phần giúp giải quyết các vấn đề về môi trường theo các phương cách khác nhau.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Những mô hình kinh tế cụ thể có tính thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có kinh tế tuần hoàn, cũng đang được nghiên cứu, tạo thuận lợi, hướng tới thúc đẩy chuyển đổi xanh ngay trong quá trình phục hồi kinh tế.

Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao việc Việt Nam khẳng định và hoà nhập với xu hướng phát triển xanh của thế giới bằng cam kết mạnh mẽ và khẩn trương triển khai thực hiện các quy định của COP 26. Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, với phương pháp quản lý hiện đại và đóng góp tích cực vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Nhờ đó, trong giai đoạn gần đây, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Các dự án đầu tư đang dần đảm bảo các tiêu chuẩn để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững của Việt Nam. Một số dự án điển hình có thể kể đến như: Nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO tại Bình Dương, Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại Bình Thuận, Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Bạc Liêu, Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao T&J tại Bắc Ninh…

Xu hướng xanh hóa dòng vốn FDI
Các dự án FDI đang dần đảm bảo các tiêu chuẩn để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững của Việt Nam

Tuy vậy, cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng, đa phần dự án FDI ở Việt Nam (Bảng) vẫn tập trung vào những lĩnh vực ít thân thiện với môi trường, có mức độ phát thải lớn, giá trị gia tăng thấp, thiếu những ngành công nghiệp mang tính nền tảng. Các dự án FDI xanh ít được chú trọng. Hơn nữa, chất lượng vốn đầu tư nước ngoài chưa cao, các dự án đầu tư chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công, công nghiệp nhẹ, quy mô dự án trung bình và nhỏ.

Bảng: FDI được cấp phép phân theo ngành kinh tế của Việt Nam

(Lũy kế các dự án còn có hiệu lực đến ngày 31/11/2024)

Xu hướng xanh hóa dòng vốn FDI

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài

Mặc dù được kỳ vọng sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại hơn, nhưng thực tế cho thấy, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất sử dụng trong doanh nghiệp FDI không quá vượt trội so với doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, một số dự án FDI chưa tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nâng cao hiệu quả thu hút FDI xanh bằng nhiều giải pháp đồng bộ

Trước bối cảnh xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia đang có dấu hiệu chậm lại, đòi hỏi Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, nhất là FDI xanh trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan thu hút FDI, đặc biệt là về nhập khẩu công nghệ, chuyển giao công nghệ và môi trường

– Xây dựng và ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong thu hút và sử dụng FDI trên nguyên tắc không thu hút FDI bằng mọi giá; không thu hút các dự án có nguy cơ hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

– Rà soát, sửa đổi pháp luật về đăng ký chuyển giao công nghệ; nhập khẩu máy móc, thiết bị của doanh nghiệp FDI nhằm kiểm soát, thúc đẩy công nghệ và chuyển giao công nghệ; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng gian lận và tiếp nhận công nghệ không thân thiện với môi trường.

– Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao…, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.

– Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa FDI và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hai là, thực hiện sàng lọc các dự án FDI

– Cần thận trọng khi xem xét các đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức mua bán và sáp nhập, góp vốn, mua cổ phần (ngành công nghiệp trọng yếu, lĩnh vực an ninh – quốc phòng, có công nghệ, có sẵn chuỗi giá trị, có thương quyền cao…).

– Xây dựng và ban hành các tiêu chí sàng lọc đầu tư (suất đầu tư, lao động, công nghệ…) để làm cơ sở thu hút các dự án có hiệu quả.

– Nâng cấp tiêu chuẩn về môi trường để làm căn cứ không tiếp nhận các dự án không khuyến khích đầu tư (ví dụ: dệt nhuộm sử dụng công nghệ cũ…). Nghiêm cấm thu hút, chấp thuận các dự án không đáp ứng tiêu chuẩn.

– Không gia hạn, mở rộng hoạt động đối với các dự án sử dụng công nghệ thấp, không đáp ứng được tiêu chuẩn công nghệ, môi trường.

Ba là, chuẩn bị yếu tố đầu vào đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài tại các dự án FDI xanh

Thứ nhất, chuẩn bị đội ngũ lao động có tay nghề phù hợp

– Nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục, gắn đào tạo kiến thức với thực tập, thực hành nghề tại các cơ sở doanh nghiệp. Rà soát, kiện toàn chương trình đào tạo phù hợp với đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

– Tập trung đào tạo các ngành, nghề chất lượng cao, như: kỹ thuật số, công nghệ thông tin, ứng dụng tin học, điện tử viễn thông, công nghệ sinh học… Đổi mới và cập nhật những kiến thức mới, các tiêu chuẩn và kỹ năng nghề nghiệp mới phù hợp với bối cảnh quốc gia và xu thế phát triển của thế giới.

– Nghiên cứu nhu cầu, tiêu chuẩn về lao động trình độ cao của các tập đoàn và doanh nghiệp lớn để có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lao động trong nước.

Thứ hai, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng sản xuất

– Các địa phương rà soát các dự án chậm triển khai, hoạt động không hiệu quả để thu hồi, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư mới, có nhu cầu dịch chuyển sản xuất.

– Rà soát, xây dựng danh sách một số địa phương, khu công nghiệp, khu kinh tế đã có sự chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, nhân lực, năng lượng… để cung cấp cho các nhà đầu tư lựa chọn./.