Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, trả lời báo chí về đề xuất của của Bộ Kế hoạch Đầu tư về xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ đang đề xuất xây dựng luật, tên gọi dự kiến là Luật Khu công nghiệp và khu kinh tế.

Xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế: Đề xuất 6 nhóm chính sách hỗ trợ
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ đang đề xuất xây dựng luật, tên gọi dự kiến là Luật Khu công nghiệp và khu kinh tế. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, Dự thảo đã gửi Bộ Tư pháp để có ý kiến thẩm định, sau đó sẽ tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp để hoàn thiện đề xuất đối với việc xây dựng dự thảo luật này.

6 nhóm chính sách hỗ trợ trong Luật

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện đang đề xuất 6 nhóm chính sách trong nội dung của luật, để đảm bảo làm sao thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng được các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, nhưng đồng thời, cũng đáp ứng được xu thế vận động mới trên thế giới như kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn, năng lượng xanh…

“Thứ nhất là nhóm chính sách hỗ trợ cho các dự án để thực hiện được việc liên kết ngành, cụm liên kết ngành trong phạm vi của các khu công nghiệp, khu kinh tế. Chúng ta đã có kinh nghiệm và đã triển khai một số dự án như thế này ở một số khu, tuy nhiên chưa triển khai trên phạm vi rộng”, Thứ trưởng thống kê.

Nhóm chính sách thứ hai là nhóm chính sách hỗ trợ các loại hình khu công nghiệp có tính chuyên môn, tính chuyên biệt, tính đặc thù cao. Ví dụ những loại hình khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, rồi khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái…

“Các khu này có tính chất đặc thù và có những chính sách ưu việt hơn, thì chúng ta cũng phải có những tiêu chí, quy định để lựa chọn đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp này, để đảm bảo việc phát triển mục tiêu của khu công nghiệp chuyên biệt”, Thứ trưởng giải thích thêm.

Nhóm chính sách thứ ba là nhóm chính sách phát triển các khu công nghiệp hiện đại, thông minh và thu hút được các lĩnh vực đầu tư mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chip, bán dẫn, công nghiệp vật liệu, đổi mới sáng tạo… Đồng thời phải gắn với xu thế mới sử dụng năng lượng, đặc biệt năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại các khu vực này.

Nhóm thứ tư là phát triển các khu đô thị có tính chất tổ hợp, ở đây là các khu công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ.

“Chúng ta lấy công nghiệp là mục tiêu chính, vừa tạo ra việc làm, vừa thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Đô thị và dịch vụ là nơi vừa cung cấp các dịch vụ gia tăng, vừa là nơi sinh sống cho các chuyên gia, người lao động, tạo ra dịch vụ công cộng xã hội, cho cộng đồng, cho cả doanh nghiệp ở trong các khu công nghiệp này”, Thứ trưởng Trung nói.

Thứ năm là các chính sách, các quy định bổ sung ưu đãi liên quan đến thuế, phí, chính sách tài chính, vốn… đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái hoạt động trong các khu công nghiệp chuyên biệt, để đảm bảo khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào đây, khuyến khích phát triển khu công nghiệp này.

“Cuối cùng, thông qua các chính sách này, chúng tôi nhắm đến việc điều chỉnh, thay đổi, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính. Đây là một trong những biện pháp mà chúng ta vừa thử nghiệm, vừa có quy định mới để làm sao vừa tạo được thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư cho khu vực này vừa là nơi đúc rút các bài học và kinh nghiệm, để giúp cho vấn đề lớn hơn là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên cả nước”, Thứ trưởng Trung kết luận.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ đã đánh giá, tổng kết quá trình phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế từ năm 1991 đến nay và chia thành bốn giai đoạn theo các thời kỳ, làm căn cứ hướng đến xây dựng, hoàn chỉnh khung pháp lý.

Việc xây dựng luật riêng là yêu cầu cấp thiết đang đặt ra, không chỉ với đối tượng điều chỉnh là khu công nghiệp, khu kinh tế mà còn bao gồm cả các khu công nghệ cao để điều chỉnh và áp dụng thống nhất trong cả nước về cách tiếp cận, trình tự thủ tục, ưu đãi, đặc biệt là mô hình quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế ở địa phương.

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác quy hoạch, bởi đây là nền tảng của sự phát triển bền vững và bảo đảm các chính sách pháp luật được thực thi tốt, đem lại hiệu quả cao.

Việc xây dựng luật riêng là yêu cầu cấp thiết đang đặt ra

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 12/2022, cả nước có 407 khu công nghiệp thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 128.684 ha, tổng diện tích đất công nghiệp 86.208 ha. Trong đó, 292 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích cho thuê 45.323 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 72% và 115 khu công nghiệp đang đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản. Cùng với đó là 26 khu kinh tế cửa khẩu thành lập tại 21 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 766.000 ha; 18 khu kinh tế ven biển thành lập tại 17 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 871.523 ha.

Ngoài ra, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư tương ứng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 221,33 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế 9,33 tỷ USD và vốn đầu tư của dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế 212 tỷ USD.

Mặt khác, tỷ trọng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng nhanh qua các năm, từ 6% năm 1995 lên 19% năm 2005, đạt 50% năm 2015 và từ năm 2016 đến nay luôn chiếm trung bình trên 55%. Giai đoạn 1996-2000, các khu công nghiệp, khu kinh tế đóng góp trung bình khoảng 900 tỷ đồng/năm cho ngân sách nhà nước; giai đoạn 2011-2015 đóng góp 72,4 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 12,7% tổng thu ngân sách nhà nước trong nước (không kể dầu thô); giai đoạn 2016-2020 đóng góp 363.141 tỷ đồng, chiếm 11,7%.

Không những thế, các khu công nghiệp, khu kinh tế còn giải quyết việc làm cho hơn 3,9 triệu lao động trực tiếp, chiếm 8,3% lực lượng lao động cả nước.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ đã đánh giá, tổng kết quá trình phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế từ năm 1991 đến nay và chia thành bốn giai đoạn theo các thời kỳ, làm căn cứ hướng đến xây dựng, hoàn chỉnh khung pháp lý.

Việc xây dựng luật riêng là yêu cầu cấp thiết đang đặt ra, không chỉ với đối tượng điều chỉnh là khu công nghiệp, khu kinh tế, mà còn bao gồm cả các khu công nghệ cao để điều chỉnh và áp dụng thống nhất trong cả nước về cách tiếp cận, trình tự thủ tục, ưu đãi, đặc biệt là mô hình quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế ở địa phương.

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác quy hoạch, bởi đây là nền tảng của sự phát triển bền vững và bảo đảm các chính sách pháp luật được thực thi tốt, đem lại hiệu quả cao.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về khu công nghiệp, khu kinh tế; quy hoạch và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế phải bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với khả năng thu hút đầu tư, liên kết vùng, hình thành các vùng công nghiệp trọng điểm, bảo tồn hệ sinh thái, phát triển bền vững.

Quan điểm xây dựng Luật là bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và đổi mới cơ chế quản lý, mô hình phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế./.