Xây dựng chương trình tuân thủ tự nguyện: hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật thuế

Xây dựng chương trình tuân thủ tự nguyện: hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật thuế

(TCT online) – Để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tối đa cho các tổ chức chấp hành tốt pháp luật về thuế, Tổng cục Thuế đã xây dựng và đang lấy ý kiến các địa phương về Chương trình hỗ trợ, khuyến khích người nộp thuế tuân thủ tự nguyện pháp luật thuế (Chương trình).

Đại diện Ban Quản lý rủi ro cho biết, thông qua Chương trình, cơ quan thuế sẽ lựa chọn người nộp thuế (NNT) được đánh giá tuân thủ tốt pháp luật thuế để thực hiện ưu tiên giải quyết hoàn thuế nhanh cho NNT. Các đơn vị được lựa chọn tham gia Chương trình này cũng được ưu tiên giải quyết nhanh các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Thông qua Chương trình sẽ giúp nâng cao tính tuân thủ tự nguyện, đồng thời giảm chi phí tuân thủ cho NNT và giảm chi phí quản lý cho cơ quan thuế; thiết lập mối quan hệ đối tác tin cậy, bạn đồng hành giữa cơ quan thuế và NNT.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết: cơ quan thuế thực hiện hoạt động hỗ trợ tuân thủ pháp luật thuế đối với NNT tham gia Chương trình theo các nguyên tắc: các hoạt động của cơ quan thuế và thành viên tham gia Chương trình phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, không gây thiệt hại cho NNT. Sau khi tiếp nhận yêu cầu, vướng mắc của NNT, cơ quan thuế sẽ ưu tiên hỗ trợ NNT sớm nhất có thể. Trường hợp bất khả kháng không thể thực hiện được kịp thời thì công chức được phân công giải quyết phải thông báo, giải thích lý do cho NNT.

Về điều kiện để tham gia Chương trình đó là: NNT có thời gian hoạt động liên tục trên 2 năm, có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên và đáp ứng các tiêu chí của cơ quan thuế đặt ra. Để đảm bảo các điều kiện theo tiêu chí của Tổng cục Thuế, NNT cần thực hiện đầy đủ việc cung cấp và cập nhật thông tin hàng năm qua Phiếu khảo sát thông tin NNT và được đăng tải trên cổng tiếp nhận thông tin của Chương trình. Số lượng các thông tin NNT kê khai đúng với cơ quan thuế phải đảm bảo từ 95% trên tổng số lượng các thông tin mà cơ quan thuế đề ra trên Phiếu khảo sát.

Trên cơ sở xem xét NNT đảm bảo các điều kiện theo quy định, cơ quan thuế sẽ ký Biên bản ghi nhớ và công nhận NNT là thành viên tham gia Chương trình, đồng thời được hướng dẫn các ưu tiên, hỗ trợ của cơ quan thuế. Riêng đối với trường hợp NNT tham gia Chương trình được xem xét hàng năm để lựa chọn trường hợp ưu tiên hoàn thuế trước kiểm tra sau, cơ quan thuế sẽ kết hợp với đánh giá Hồ sơ (rủi ro) NNT để xác định trường hợp NNT là thành viên tham gia Chương trình được hưởng ưu đãi hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Thủ trưởng cơ quan thuế chịu trách nhiệm quyết định các trường hợp này.

NNT sẽ bị thu hồi lại tư cách thành viên trong trường hợp cơ quan thuế đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế dưới mức tuân thủ cao. Các trường hợp NNT giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký hoặc có văn bản không tiếp tục tham gia Chương trình.

Chia sẻ về quyền lợi của các đơn vị khi tham gia Chương trình, bà Ngô Thị Thùy Linh cho biết, khi có hồ sơ hoàn thuế, NNT sẽ được ưu tiên giải quyết trước, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế. DN cũng được ưu tiên trả lời, giải quyết trong thời gian ngắn nhất các vướng mắc, khiếu nại liên quan đến hồ sơ, thủ tục hành chính thuế. Cơ quan thuế trợ giúp các hoạt động hỗ trợ tuân thủ pháp luật thuế, thông qua tổ chức đối thoại với NNT; hội nghị tập huấn về thủ tục hành chính thuế; các hội thảo do cơ quan thuế phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để hỗ trợ, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh cho NNT; hỗ trợ cảnh báo các nguy cơ rủi ro giúp NNT thực hiện đúng quy định pháp luật thuế, tránh bị xử phạt vi phạm pháp luật thuế; tạo thuận lợi để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế. Đề xuất khen thưởng cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có thành tích tuân thủ thuế xuất sắc.

Được biết, Chương trình được thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn thí điểm được thực hiện trong thời gian 1 năm kể từ khi ban hành. Kết thúc giai đoạn thí điểm sẽ tổng kết, đánh giá hiệu quả của chương trình cũng như nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Giai đoạn triển khai chính thức sẽ triển khai thực hiện sau khi kết thúc và đánh giá giai đoạn thí điểm.

Sau khi Chương trình được triển khai khai chính thức, hàng năm, cơ quan quan thuế sẽ tổ chức sơ kết và sau 5 năm triển khai Chương trình tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu của Chương trình và xây dựng triển khai các nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo./.

                                                                          Trung Kiên

Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/thoi-su/tin-hot/99ad8ac0-930b-483b-86b0-60297959518a