Nhằm ghi nhận và vinh danh những thành tích xuất sắc, cũng như nỗ lực đáng kể của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian đầy biến động vừa qua, đồng thời tạo động lực phát triển cho giai đoạn mới, Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietNamNet tổ chức Lễ công bố Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500), Top 10 & Top 5 Công ty Bất động sản – Xây dựng – Vật liệu xây dựng năm 2024.
Lễ công bố Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) |
Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, Top 10 & Top 5 Công ty Bất động sản – Xây dựng – Vật liệu xây dựng được Vietnam Report công bố vào tháng 3/2024. Đây là năm thứ 14 liên tiếp danh sách FAST500 được công bố nhằm tìm kiếm, ghi nhận và vinh danh những doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam – những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt, dựa trên tiêu chí chính là tốc độ tăng trưởng doanh thu kép và có trách nhiệm với xã hội. Góp mặt trong danh sách Top 10 và Top 5 năm nay đều là các doanh nghiệp trụ cột trong ngành đã đạt nhiều thành tựu trong việc cung cấp sản phẩm cho khách hàng, tạo dựng được hình ảnh ấn tượng trong mắt công chúng và nhà đầu tư, thể hiện bản lĩnh vững vàng với năng lực tài chính ổn định, sức chống chịu tốt khi phải đối mặt với bối cảnh thị trường khó khăn.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức cũng vinh danh Top 50 Doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc Việt Nam, nhằm ghi nhận và tôn vinh những doanh nghiệp tiêu biểu trong FAST500 vừa giữ vững tốc độ tăng trưởng ấn tượng giai đoạn 2015-2023, vừa có đóng góp đáng kể cho cộng đồng, cho xã hội và cho ngân sách quốc gia trong thời kỳ hội nhập.
Top 10 Công ty Bất động sản năm 2024 |
Trong khuôn khổ Lễ công bố, Vietnam Report nghiên cứu và xuất bản Báo cáo song ngữ Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Tái thiết năng lực cạnh tranh để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng”. Bên cạnh những đánh giá về triển vọng của nền kinh tế vĩ mô và doanh nghiệp trong năm nay, Báo cáo cập nhật về các thách thức, động lực chi phối sức tăng trưởng và những ngành hàng triển vọng trong thời gian tới. Ngoài ra, Báo cáo cũng làm rõ các xu hướng và vai trò của các đòn bẩy khác nhau đến doanh nghiệp trong quá trình hoạch định chiến lược phù hợp, tái khẳng định vị thế trên thị trường, cũng như chuyển mình bứt tốc, sẵn sàng tái thiết một quỹ đạo tăng trưởng mới.
Doanh nghiệp FAST 500 lạc quan với kịch bản phục hồi tăng trưởng năm 2024
Đứng trước sự càn quét của “những cơn gió ngược”, thời gian qua, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam có phần ảm đạm trước sự suy yếu của tổng cầu ở cả trong nước lẫn thế giới. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, có tới 51,7% số doanh nghiệp FAST500 cho biết không hoàn thành kế hoạch doanh thu, trong khi 46,7% số doanh nghiệp không đạt mức lợi nhuận đề ra trong năm 2023. Ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp hoàn thành và vượt kế hoạch ở hai chỉ tiêu đều thấp hơn giai đoạn 2021-2022. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận giảm sút tăng gần gấp đôi và gấp rưỡi so với cùng kỳ.
Cũng theo số liệu nghiên cứu của Vietnam Report, Chỉ số Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trung bình của Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam giai đoạn 2019-2022 đạt 25,3%, trong đó, khu vực tư nhân đạt 26,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 22,4% và khu vực Nhà nước đạt 17,7%. Như vậy, có thể thấy, năm nay, khu vực tư nhân vẫn dẫn đầu và có mức tăng (+1,1%) so với giai đoạn trước. Trong khi đó, so với giai đoạn trước, ở khu vực Nhà nước và FDI, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép lại chưa có nhiều sự cải thiện. Tuy nhiên, xét về số lượng doanh nghiệp, tỷ trọng doanh nghiệp nằm trong hai khu vực này lại có sự gia tăng lần lượt (+3,6%) và (+0,4%) so với năm trước.
Mặc dù vậy, mức độ lạc quan của các doanh nghiệp đã được cải thiện với triển vọng nền kinh tế trong năm 2024 được các doanh nghiệp đánh giá ở mức 3,5/5 – mức khả quan so với năm 2023. Trong khi đó, triển vọng của chính bản thân doanh nghiệp được đánh giá khởi sắc hơn ở mức 3,8/5. Các chuyên gia nhận định rằng, sự lạc quan của doanh nghiệp có thể tạo ra một chu trình tích cực, đi kèm với một tinh thần sẵn lòng đối mặt với thách thức và tìm kiếm cơ hội trong mọi tình huống, thể hiện sự tự tin và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh khó khăn. Hơn nữa, dấu hiệu phục hồi dù chậm và không đồng đều, song cơ bản đã, đang dần xuất hiện ở một số lĩnh vực và ngành nghề. Tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng dần qua các quý, trong khi xuất khẩu dù giảm 4,6% trong năm qua, nhưng xét riêng quý cuối cùng của năm 2023, lĩnh vực này đã hồi phục gần 8,8% so với cùng kỳ.
Trong xu hướng này phục hồi này, kịch bản tăng trưởng từ 5,0-5,5% là kịch bản có số doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất với tỷ lệ bình chọn là 31,6%. Kịch bản này thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn trước dịch Covid-19, song cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2024 theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF – tháng 1/2024) là 3,1% và của Ngân hàng Thế giới (WB – tháng 1/2024) là 2,4%.
Doanh nghiệp Bất động sản – Xây dựng – Vật liệu xây dựng trên đà khởi sắc
Trong khi đó, trải qua năm 2023 nhiều thăng trầm, tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng thị trường Bất động sản – Xây dựng – Vật liệu xây dựng đang dần khởi sắc. Khảo sát doanh nghiệp Bất động sản của Vietnam Report cho thấy, năm 2023, 3 động lực lớn nhất đóng góp vào kết quả kinh doanh là: Uy tín, thương hiệu của công ty trên thị trường (83,3%); Đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm, kỷ luật cao (63,9%); Rà soát, cắt giảm và sử dụng chi phí hiệu quả (63,9%). Triển vọng tăng trưởng ở mỗi phân khúc cũng có sự phân hóa: các phân khúc phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, nhu cầu ở thực, phù hợp với điều kiện tài chính của người dân sẽ phục hồi trước; các phân khúc nhà ở, chung cư cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi chậm hơn. Đối với ngành Xây dựng, sự phân hóa về tâm lý lạc quan đối với các phân khúc tiếp tục được duy trì trong năm nay với thứ tự lần lượt là: (1) Xây dựng hạ tầng, (2) Xây dựng công nghiệp, (3) Xây dựng năng và tiện ích, (4) Xây dựng nhà ở và (5) Xây dựng thương mại.
Tình hình khó có thể chuyển biến một sớm một chiều song năm 2024 được kỳ vọng là “vùng đệm” cho thị trường từng bước khôi phục niềm tin, các doanh nghiệp dần chinh phục các thách thức, những động lực dẫn dắt sự phục hồi rõ ràng hơn và các cơ hội được tái tạo, trong đó nhấn mạnh vai trò của Chính phủ và khả năng thích ứng linh hoạt của bản thân các doanh nghiệp. Theo các doanh nghiệp, năm 2024, tăng trưởng kinh tế chủ yếu sẽ dựa vào “cỗ xe tứ mã”: Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế; Kích cầu tiêu dùng thị trường trong nước; Tăng cường đầu tư công – thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư công, tạo lan toả tới đầu tư ngoài nhà nước; Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ./.
Danh sách Top 10 của Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhất Việt Nam năm 2024
Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Bình Thuận
Công ty Cổ phần Chứng khoán HD
Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong
Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Imedia
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng SOL E&C
Công ty Cổ phần Sữa Vitadairy Việt Nam
Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco
Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm
Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ CNC
Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong (Bee Logistics)
DANH SÁCH TOP 10 CÔNG TY BẤT ĐỘNG SẢN NĂM 2024
Danh sách 1: Top 10 Chủ đầu tư Bất động sản năm 2024
Công ty Cổ phần Vinhomes
Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long
Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecopark
Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền
Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô
Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng
Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng
Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia
Danh sách 2: Top 10 Công ty Bất động sản Công nghiệp năm 2024
Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP
Công ty LD TNHH KCN Việt Nam – Singapore
Tổng Công ty Viglacera – CTCP
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP
Tổng Công ty Cổ phần Phát triển Khu Công Nghiệp
Tổng Công ty Idico – CTCP
Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG
Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên
Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Tân Bình
Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2
DANH SÁCH TOP 10 CÔNG TY XÂY DỰNG NĂM 2024
Danh sách 1: Top 10 Nhà thầu Xây dựng năm 2024
Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons
Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons
Công ty TNHH Tập đoàn Xây Dựng Delta
Công ty Cổ Phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons
Công ty Cổ phần Fecon
Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC
Công Ty Cổ phần Ecoba Việt Nam
Danh sách 2: Top 10 Nhà thầu Xây dựng Hạ tầng – Công nghiệp năm 2024
Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel
Tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng SOL E&C
Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả
Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4
Công ty Cổ phần Xây dựng Central
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Rox Cons Việt Nam
Công ty Cổ phần Xây lắp Hải Long
Công ty Cổ phần kỹ thuật Xây dựng Dinco
Danh sách 3: Top 10 Nhà thầu Cơ điện năm 2024
Công ty Cổ phần Dịch vụ & Kỹ thuật Cơ điện lạnh R.E.E
Công ty Cổ phần Hawee Cơ điện
Công ty Cổ phần Searefico
Công ty Cổ phần Kỹ thuật Sigma
Công ty Cổ phần Cơ điện Đoàn Nhất
Công ty Cổ phần Alphanam E&C
Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh Nam Thịnh
Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư – Thương mại và Xây dựng Vân Khánh
Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ HVC
Công ty Cổ phần Chế tạo điện cơ Hà Nội