Hoa Kỳ là một trong hai thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, cùng với Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8-2,1 tỷ USD/năm trong ba năm qua, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Đây là thị trường lớn, quan trọng và có tính định hướng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đặc biệt là thị trường nhập khẩu số 1 của tôm và cá ngừ, và lớn thứ hai của cá tra. Sau hơn 20 năm mở rộng và phát triển, thủy sản Việt Nam đã trở thành thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng Mỹ, đưa Việt Nam vào top các nước cung cấp thủy sản hàng đầu cho Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, kể từ ngày 9/4/2025, Hoa Kỳ đã bắt đầu áp dụng mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam. Điều này sẽ tác động rất lớn đến ngành thủy sản Việt Nam, gây ra nguy cơ mất đi thị trường quan trọng nhất và làm suy giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ do mức thuế quá cao so với các đối thủ như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia …. Trong tình huống xấu nhất, nếu mức thuế cao 46% không được điều chỉnh, xuất khẩu sang Mỹ có nguy cơ bị đình trệ, dẫn đến hàng loạt khó khăn cho doanh nghiệp như tồn kho lớn, dòng tiền bị gián đoạn, gánh nặng lãi suất ngân hàng, ngưng trệ sản xuất nguyên liệu, ảnh hưởng đến việc làm và sinh kế của nông-ngư dân và người lao động, cũng như gia tăng áp lực cạnh tranh quốc tế ở các thị trường khác.
Trong một diễn biến mới nhất vào rạng sáng ngày 10/4/2025, Hoa Kỳ đã công bố hoãn áp dụng thuế đối ứng trong 90 ngày đối với Việt Nam và 74 quốc gia khác, đồng thời áp dụng mức thuế 10% trong thời gian này. Riêng Trung Quốc chịu mức thuế 125%. Kịch bản này giúp các doanh nghiệp “dễ thở” hơn và vẫn duy trì được năng lực xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong 90 ngày tới, đồng thời mong đợi vào kết quả đàm phán tốt để có mức thuế cạnh tranh hơn sau khi thời hạn trên kết thúc….
Tuy nhiên, Hiệp hội cũng lo ngại về áp lực giảm nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam và tăng cường xuất khẩu vào các thị trường khác của Trung Quốc, gây thêm cạnh tranh.
VASEP và cộng đồng doanh nghiệp thủy sản tin tưởng vào các quyết sách của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là Đoàn đàm phán đang công tác tại Hoa Kỳ từ ngày 6-14/4/2025. Tuy nhiên, để chủ động đối phó với những bất ổn và tác động tiêu cực từ chính sách thuế của Hoa Kỳ, VASEP đã tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp và đề xuất với Chính phủ và các Bộ “02 gói” hỗ trợ cần thiết để duy trì sản xuất, củng cố năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường ….
GÓI HỖ TRỢ THỨ NHẤT: DUY TRÌ SẢN XUẤT, CỦNG CỐ CHUỖI CUNG ỨNG VÀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH
VASEP kiến nghị Chính phủ và các Bộ xem xét các giải pháp sau:
• Khơi thông sản xuất và tiêu thụ liên quan đến công nghệ, IUU, ATTP và kiểm dịch:
◦ Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Bộ NNMT) hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định trong lĩnh vực thủy sản (trên cơ sở thẩm định của Bộ Tư pháp) và trình Chính phủ ký ban hành ngay trước ngày 15/4/2025 để giúp doanh nghiệp có chứng từ nguyên liệu hợp lệ cho xuất khẩu sang EU và các thị trường có FTA….
◦ Kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập “Quỹ phát triển công nghệ ngành Thủy sản” theo mô hình thành công ở một số nước, được trích theo tỷ lệ phần trăm trên số lượng xuất khẩu, nhằm hỗ trợ công nghệ, đổi mới sáng tạo và kết nối đầu tư….
◦ Đề xuất đưa bổ sung quy định về “ngưỡng phát hiện tối thiểu của thiết bị – MRPL” liên quan đến xét nghiệm kháng sinh cấm vào khung pháp lý của Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2018 do Bộ Y tế chủ trì, và giao Bộ NNMT hướng dẫn chi tiết tại Thông tư, nhằm khơi thông thị trường nội địa cho các sản phẩm thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu EU nhưng chưa thể vào siêu thị trong nước…
◦ Đề nghị Bộ Y tế bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành ATTP đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc từ nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu vào Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2018 ….
◦ Đề nghị Bộ NNMT xem xét đặc thù của nguyên liệu ruốc khai thác gần bờ để có công thư đề nghị EU miễn trừ các quy định về IUU khi xuất khẩu sản phẩm ruốc sang EU .
◦ Đề nghị Cục NAFIQPM và Bộ NNMT tiếp tục xem xét, hướng dẫn về điều kiện vùng nuôi nhuyễn thể và bổ sung vùng thu hoạch sò điệp vào Chương trình Giám sát NT2MV, đồng thời đề nghị Cục hỗ trợ đề xuất EU phê duyệt cồi điệp vào danh mục sản phẩm xuất khẩu.
◦ Kiến nghị Bộ NNMT và Cục Chăn nuôi – Thú y xem xét lại quy định kiểm tra ADN của cừu, dê và ngựa trong bột cá sản xuất tại Việt Nam, đề nghị giảm chỉ tiêu này nếu không phải là quy định chung của nước nhập khẩu, hoặc sửa đổi quy định nếu nước nhập khẩu không yêu cầu.
• Các đề xuất về thuế, phí, tín dụng, hải quan và điện:
◦ Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp ít nhất đến hết năm 2025.
◦ Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan thuế địa phương đẩy nhanh việc hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp.
◦ Đề nghị Chính phủ tiếp tục có quyết sách giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng trong nước, ít nhất đến hết năm 2026.
◦ Kiến nghị Bộ Tài chính đưa nội dung xác nhận chế biến thủy sản là “hoạt động chế biến” (đã được Bộ xác nhận tại CV 2550/BTC-TCT ngày 12/3/2021) vào văn bản quy phạm pháp luật để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế TNDN.
◦ Kiến nghị Bộ Tài chính và Cục Thuế có văn bản hướng dẫn thống nhất về thuế suất thuế GTGT cho sản phẩm thủy sản đông lạnh, đảm bảo thực hiện đúng Thông tư 219/2013/TT-BTC20.
◦ Đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì gói tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản ở mức 100 nghìn tỷ đồng hoặc hơn theo nhu cầu đến hết năm 2026.
◦ Đề nghị Chính phủ có chính sách giảm lãi vay, cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ cho hàng tồn kho đã mua để sản xuất xuất khẩu sang Mỹ.
◦ Đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng chỉ đạo giảm giá điện cho các container lạnh tại cảng đối với hàng tồn kho do không xuất khẩu được sang Mỹ.
◦ Đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo chủ trương cho phép doanh nghiệp đầu tư điện áp mái lên 2MW (hiện tại chỉ 1MW) và Điện lực có chính sách tạm thời chấp nhận mua điện vượt ngưỡng thêm 30% để giảm chi phí lưu trữ hàng tồn kho và sản xuất.
◦ Đề nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn về mức thuế GTGT đối với phế phẩm, phụ phẩm thủy hải sản để không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mại nếu chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.
• Các đề xuất về lao động, thị trường và FTA:
◦ Kiến nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho phép doanh nghiệp được giãn thời gian đóng BHXH và hỗ trợ tiền trợ cấp thất nghiệp cho người lao động do giảm sản lượng và tìm kiếm thị trường mới.
◦ Kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo đàm phán với cơ quan có thẩm quyền Hàn Quốc bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA.
◦ Kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu đàm phán thêm quy tắc xuất xứ cộng gộp giữa các nước có FTA với EU.
◦ Đề nghị Bộ KHCN, Bộ Công Thương hướng dẫn thống nhất về ghi nhãn sản phẩm thủy sản xuất khẩu chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu là “Sản xuất tại Việt Nam” hoặc “Sản phẩm của Việt Nam” và giải phóng các lô hàng đang bị “treo” do quy định tại Nghị định 111.
◦ Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra (thuộc các Bộ, Tỉnh) không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2025-2026 đối với doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm.
GÓI HỖ TRỢ THỨ HAI: MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG, GIA TĂNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI NĂM 2025-2026
Để cân bằng phần nào thâm hụt từ thị trường Mỹ, VASEP đề xuất duy trì và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường khác:
• Duy trì tốt các chương trình đã được phê duyệt trong năm 2025:
◦ Hội chợ thủy sản Bắc Mỹ (Boston): Đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ toàn bộ chi phí mặt bằng và dàn dựng gian hàng Việt Nam trong trường hợp doanh nghiệp không thể đóng góp đủ chi phí.
◦ Triển lãm Thủy sản Toàn cầu tại Barcelona, Tây Ban Nha: Đề xuất Bộ Công Thương, Bộ NNMT tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp và Hiệp hội triển khai các hoạt động bên lề triển lãm như tiệc chiêu đãi giới thiệu cá tra, cooking show, networking.
◦ Hội chợ Thủy sản Châu Á (Singapore): Xin hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước (NSNN) cho gian hàng VASEP do đa phần doanh nghiệp tham gia là vừa và nhỏ.
◦ Hội chợ Thủy sản và Nghề cá Trung Quốc (Thanh Đảo): Đề xuất NSNN tài trợ cho hoạt động quảng bá gian hàng quốc gia và “Tiệc chiêu đãi thủy sản Việt Nam & networking”
◦ Hội chợ Thủy sản và Nghề cá Hàn Quốc (Busan): Đề xuất đại diện Bộ Ngoại giao/Bộ Công Thương kết nối Ban tổ chức tặng gian hàng theo quy định ngoại giao và hỗ trợ kinh phí tổ chức kết nối B2B.
• Các hội chợ, triển lãm mới đề xuất vào Chương trình XTTM Quốc gia: VASEP mong muốn NSNN hỗ trợ 100% chi phí gian hàng (mặt bằng, thiết kế, trang thiết bị) trong thời gian đầu để thu hút doanh nghiệp tham gia các thị trường mới. Các hội chợ đề xuất bao gồm:
◦ Hội chợ Gulfood (Dubai): Đánh giá là thị trường tiềm năng với thuế nhập khẩu thấp và nhu cầu đa dạng.
◦ Hội chợ Thực phẩm Finefood Australia (Sydney): Cơ hội tốt để mở rộng và phát triển thị trường Úc và các khu vực lân cận.
◦ Hội chợ Thực phẩm Food Expo Pro (Hongkong): Thị trường quan trọng với xu hướng tiêu thụ sản phẩm an toàn, chất lượng cao.
◦ Triển lãm Thủy sản Châu Mỹ La tinh (Sao Paolo – Brazil): Cơ hội lớn sau khi Brazil mở cửa cho tôm và cá tra Việt Nam, Brazil đang trở thành nhà cung cấp thủy sản lớn thứ hai cho nước này.
VASEP kính đề nghị Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng xem xét, chỉ đạo hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp sản xuất – xuất khẩu thủy sản để duy trì chuỗi sản xuất, xuất khẩu và tiếp tục tạo sinh kế cho nông – ngư dân và người lao động. Hiệp hội tin rằng sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Chính phủ sẽ giúp ngành thủy sản Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này và tiếp tục phát triển bền vững.
Công văn số 50/CV-VASEP ngày 10/4/2025
Nguồn: https://vasep.com.vn/tieu-diem/vasep-kien-nghi-chinh-phu-ho-tro-doanh-nghiep-thuy-san-viet-nam-sau-don-thue-tu-my-33304.html |