Nông - Lâm - Thủy sản, Thị trường và giá cả, Thông tin
Trung Quốc mở cửa, doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì?
Trung Quốc mở cửa, doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì?
(VTC News) – Theo chuyên gia, khi thị trường rộng lớn Trung Quốc mở cửa, doanh nghiệp Việt sẽ đối diện nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc Trung Quốc mở rộng các cửa khẩu, xóa bỏ những hạn chế từng được thắt chặt suốt 3 năm vì đại dịch COVID-19 là thông tin tích cực, thuận lợi với doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Thịnh phân tích: Khi Trung Quốc mở cửa biên giới, việc nhập khẩu hàng hóa đối với doanh nghiệp Việt Nam sẽ dễ dàng hơn, chi phí tiết kiệm hơn. Điều này đặc biệt quan trọng vì nhiều ngành nghề ở Việt Nam hiện đang phải nhập 40 – 70% các nguyên vật liệu từ Trung Quốc, việc chi phí nhập khẩu giảm sẽ làm tăng cơ hội cạnh tranh cho hàng Việt.
Ở chiều xuất khẩu, rõ ràng Trung Quốc là một trong những thị trường cơ bản của một số loại hàng hóa Việt Nam, trong đó có nông, thủy sản vốn là thế mạnh của nền kinh tế. Vì thế, xuất khẩu sẽ đứng trước cơ hội tăng lên, thúc đẩy sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Tác động tích cực thứ ba theo ông Thịnh là du lịch chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể ở cả chiều đến và chiều đi. Doanh nghiệp lữ hành từ đó “dễ thở” hơn so với khi Trung Quốc đóng cửa.
Đồng quan điểm này, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh: Trong 3 năm Trung Quốc đóng cửa, thực hiện chính sách Zero COVID, muốn xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này, chúng ta phải đi đường biển, đường tiểu ngạch vừa chi phí cao vừa không bền vững do nhiều rủi ro. Do vậy, việc cửa khẩu được mở ra rõ ràng sẽ đem lại hiệu quả hơn từ việc giảm chi phí, thuận lợi hơn thông qua đường xuất khẩu chính ngạch.
“Trung Quốc là thị trường vô cùng tiềm năng với dân số hơn 1,4 tỷ người. Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn là một trong những thị trường xuất, nhập khẩu chính của nước ta”, ông Phú nói.
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, Trung Quốc và Việt Nam là thị trường đối tác lớn của nhau. Nếu không vì COVID-19 thì hàng năm kim ngạch xuất – nhập khẩu giữa hai nước sẽ lên đến hàng trăm tỷ USD.
“Kể cả trong thời gian đóng cửa vì đại dịch, hàng hóa của Việt Nam vẫn được xuất sang Trung Quốc và hàng của nước bạn cũng nhập về Việt Nam thông qua đường biển, đường tiểu ngạch với hiệu quả không cao. Do vậy, việc Trung Quốc mở cửa biên giới là tín hiệu rất đáng mừng cho hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời tháo gỡ về nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành nghề, chuỗi cung ứng sẽ được chấm dứt cảnh bị đứt gãy. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Không ít thách thức
Cùng với tác động tích cực, các chuyên gia cũng đưa ra những khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần cẩn trọng khi Trung Quốc mở cửa biên giới.
TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm: “Tôi xin cảnh báo rằng thị trường Trung Quốc khi mở cửa sẽ thu hút doanh nghiệp Việt xuất khẩu nông sản nhưng không nên nghĩ rằng Trung Quốc là thị trường dễ tính như trước đây. Bây giờ Trung Quốc đã nâng cấp tất cả các tiêu chí về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, cách thức, mẫu mã sản phẩm, truy xuất nguồn gốc theo quy chế quốc tế. Nếu doanh nghiệp của chúng ta không đáp ứng các yêu cầu đó thì không thể xuất khẩu được”.
Cũng theo ông Doanh, hàng hóa Trung Quốc đổ vào Việt Nam nhiều hơn sau khi mở cửa cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với hàng trong nước.
“Ngoài ra, cơ cấu kinh tế Trung Quốc rất giống cơ cấu kinh tế Việt Nam, chúng ta cần phải vừa hợp tác vừa cạnh tranh để phát triển bền vững. Do vậy, chúng ta cần phải có những tập đoàn lớn, liên kết lớn, những doanh nghiệp Việt cần kết nối với nhau thì mới cạnh tranh được”, ông Doanh nói thêm.
Ông Đinh Trọng Thịnh cũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến trên. Theo ông Thịnh, khi Trung Quốc mở cửa, chắc chắn xuất khẩu của nước này sẽ vươn mạnh ra thị trường thế giới. “Khi mà họ đẩy mạnh xuất khẩu, họ lại có những mặt hàng tương đồng với Việt Nam trong khi công nghệ tốt hơn, khả năng thực hiện những đơn hàng lớn tốt hơn thì rõ ràng ta phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với Trung Quốc nếu muốn chinh phục thị trường thế giới“, ông Thịnh nói.
Do đó, ông Thịnh đề xuất các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự kết nối lại, cùng nhau hợp tác để tạo thành sức mạnh tổng thể, nhằm cạnh tranh sòng phẳng, hiệu quả trên trường quốc tế. Đồng thời, phải tận dụng được nguyên vật liệu sẵn có trong nước cũng như nguồn đầu vào giá rẻ để giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh. Cuối cùng, cần tranh thủ đẩy mạnh lĩnh vực du lịch, khi thời điểm này, khách Trung Quốc chắc chắn đang rất muốn đi du lịch, sau thời gian dài bị hạn chế đi ra nước ngoài để phòng dịch.
Còn theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, muốn chiếm ưu thế, chúng ta phải cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm tốt hơn, bằng kiểu dáng khác hơn, bằng thời gian giao hàng nhanh hơn để đáp ứng được yêu cầu của cả thị trường này và quốc tế.
“Muốn làm được điều này thì chúng ta phải kiểm soát doanh nghiệp, kiểm soát hàng hóa, mã vùng trồng, dữ liệu vùng trồng, đồng thời phải quy hoạch vùng trồng lớn hơn. Vì ngoài cạnh tranh hàng hóa với Trung Quốc, chúng ta còn phải cạnh tranh với Thái Lan, Indonesia và những nước có hàng hóa nông sản xuất khẩu lớn”, ông Phú nói.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica lại khuyến cáo: Khi Trung Quốc mở cửa, có thể chưa tạo ra bước đột biến ngay lập tức đối với nhu cầu hàng của Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp cần hết sức tỉnh táo, phải đánh giá một cách thận trọng để tránh sản xuất ồ ạt, tràn lan, không hiệu quả.
“Khi Trung Quốc mở cửa thì rất mừng, nhưng vẫn phải chuẩn bị và chấp nhận rủi ro nếu có, chấp nhận sự cạnh tranh gay gắt hơn trước”, ông Bình nhấn mạnh.