TP.HCM: Karaoke ‘vùng cam’ dừng hoạt động, chủ quán xoay đủ kiểu để mưu sinh

TP.HCM: Karaoke ‘vùng cam’ dừng hoạt động, chủ quán xoay đủ kiểu để mưu sinh

(VTC News) – Dịch vụ karaoke ở vùng cam tại TP.HCM bị cấm hoạt động, chủ quán buộc phải tận dụng mặt bằng để làm nơi giữ xe, mở quán cà phê trong lúc chờ địa bàn “chuyển màu”.

TP.HCM yêu cầu siết chặt hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh ở 13 phường, xã ở vùng cam (dịch cấp độ 3). Loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke mới mở cửa trở lại chưa đầy 2 tháng lại phải tạm ngưng hoạt động khiến nhiều chủ quán phải xoay xở để kiếm thêm thu nhập.

Hay tin quán của mình thuộc vùng cam phải đóng cửa, anh Nguyễn Tuấn – chủ quán karaoke ở phường 5, quận 5 buồn bã nói: “Quán hoạt động trở lại từ ngày 10/1, tính đến nay chưa tròn 2 tháng đã lại phải đóng cửa tiếp“. Theo anh Tuấn, nhiều lượt khách gọi đến đặt phòng, dù rất tiếc nhưng quy định của thành phố nên phải chấp hành nghiêm chỉnh.

Nhiều quán karaoke ở TP.HCM phải đóng cửa sau 2 tháng được hoạt động trở lại.

Chỉ đạo của chính quyền thành phố đóng cửa thì bên tôi hoàn toàn chấp hành vì lợi ích sức khỏe của cộng đồng, nhưng chúng tôi khó khăn quá”, anh Tuấn tâm sự.

Anh Tuấn cho biết, hàng hóa nhập về số tiền khoảng gần 300.000 triệu đồng để phục vụ khách mà chưa biết phải làm sao. Trong khi đó, anh phải vay thêm ngân hàng để chuẩn bị cho việc mở lại sau thời gian đóng cửa vừa rồi.

Ngoài ra, bao nhiêu nhân viên tốn công sức đi từ quê để lên TP.HCM làm việc thì nay rơi vào cảnh “thất thần”. Nhiều nhân viên tạp vụ lớn tuổi mới xin nghỉ bên khác để qua đây làm thì giờ nghe tin mà… rớt nước mắt”, anh Tuấn nói.  

Tiền thuê mặt bằng, chi phí bảo quản máy móc không giảm khiến nhiều chủ quán lo lắng trước nguy cơ thua lỗ, có thể dẫn đến giải thể. 

Anh Phạm Ngọc Khang, chủ quán karaoke FYOU 4 (phường 12, quận 10) cho biết, mỗi tháng anh phải trả gần 200.000 triệu đồng tiền thuê mặt bằng. Ngoài ra, chi phí hỗ trợ lương 3 triệu đồng/nhân viên/tháng với gần 20 nhân viên là khoảng thêm 60.000 triệu đồng. 

TP.HCM: Karaoke 'vùng cam' dừng hoạt động, chủ quán xoay đủ kiểu để mưu sinh - 2

Nhân viên quán karaoke dán bảng nhận giữ xe để kiếm thêm chi phí trang trải cuộc sống.

Chúng tôi trụ hơn 5 tháng qua đã mất tiền tỷ rồi, mở ra doanh thu cũng chỉ bằng 1/2 của ngày trước thôi. Ban đầu tôi cũng suy nghĩ sẽ cố gắng cầm cự để tiếp tục kinh doanh, do cũng được chủ nhà hỗ trợ giảm giá thuê. Tuy nhiên, chúng tôi thuộc nhóm kinh doanh thường bị đóng sớm, mở muộn khi có dịch COVID-19 nên tôi đang suy nghĩ đến việc giải thể, bỏ kinh doanh karaoke, tìm cơ hội khác“, anh Khang than thở.

Anh Khang cũng cho hay, có rất nhiều khách hàng tới nhưng quán không nhận khách, với những khách đặt bàn trước, quán phải gọi điện xin lỗi khách hàng vì không thể phục vụ, tuân thủ theo đúng quy định của thành phố.

Ngoài thiệt hại về tiền mặt bằng, chi phí nhân viên… thì mỗi lần mở rồi đóng, các quán karaoke phải chịu lỗ về khoản thực phẩm. Bởi thông báo đóng cửa gấp gáp làm nhiều quán đã nhập thực phẩm về không kịp trở tay. 

Lo lắng việc phải đóng cửa trong thời gian dài, anh Nguyễn Tuấn mở thêm quán cà phê ở tầng trệt với mong muốn có thêm phần nào thu nhập, giúp nhân viên duy trì cuộc sống. “Hy vọng thời gian tới, tình hình dịch bệnh ở thành phố lắng xuống, chứ thời gian qua đã khổ quá rồi“, anh Tuấn nói. 

Anh Huỳnh Hữu Danh, Giám đốc nhà hàng Hoàng Phi nằm trên đường Bình Thới, quận 11 cho biết, lúc đầu chỉ là quán karaoke, bây giờ anh mở thêm dịch vụ ăn uống để có nguồn thu, chờ ngày karaoke hoạt động lại như cũ.

Đang khó khăn là nhân viên nghỉ rồi, vài bữa nữa trở lại vùng xanh, vùng vàng nhân viên phải quay lại làm nữa thì khó. Còn đủ thứ chi phí vẫn phải trả, dù tạm dừng nên phải tìm cách xoay xở”, anh Danh nói.

TP.HCM: Karaoke 'vùng cam' dừng hoạt động, chủ quán xoay đủ kiểu để mưu sinh - 3

Nhân viên thông báo cho khách hàng khi quán đang tạm thời đóng cửa.

Tương tự, ông Phạm Ngọc Khanh (chủ karaoke K&T trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10) chia sẻ, quán của ông với hơn 40 nhân viên, khi hoạt động trở lại, mặc dù lượng khách đông nhưng vẫn chưa thể bù được khoản lỗ trong thời gian đóng cửa vì dịch. Để tạo công ăn việc làm cho nhân viên, ông Khanh phải tận dụng mặt bằng quán karaoke của mình làm nơi giữ xe.

Với tình hình này, chưa biết lúc nào quán mới hoạt động lại được. Giải pháp tạm thời là tận dụng mặt bằng quán làm nơi giữ xe. Tiền thu được từ việc làm này sẽ trả lương cho nhân viên trong những ngày quán đóng cửa“, ông Khanh cho hay.

Tuần qua, TP.HCM có 222 phường, xã đạt cấp 1 (vùng xanh); 77 phường, xã cấp 2 (vùng vàng) và 13 địa phương tăng lên cấp độ 3 (vùng cam).

13 xã, phường ở vùng cam gồm: Phường 3 (quận 5); phường 5, 7, 11, 12 (quận 10); phường 11 (quận 11); xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh); xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn); phường Tam Phú, Tăng Nhơn Phú B, An Phú, An Lợi Đông (TP Thủ Đức).

Theo Quyết định 3900, 13 xã, phường vùng cam tại TP.HCM sẽ phải hạn chế một số hoạt động để phòng, chống dịch. Cụ thể như, cơ sở dịch vụ như massage, spa, làm đẹp hoạt động tối đa 25% công suất tại cùng một thời điểm. Dịch vụ bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke không được hoạt động.

Nguồn: https://vtc.vn/tp-hcm-karaoke-vung-cam-dung-hoat-dong-chu-quan-xoay-du-kieu-de-muu-sinh-ar664634.html