133 tổ chức, doanh nghiệp được trao tặng Giải thưởng năm 2024

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, Giải thưởng Chất lượng Việt Nam chính thức triển khai từ năm 1996, đến năm 2009 Giải thưởng Chất lượng đã được đưa vào Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Từ đây, Giải mang tên Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG), Giải thưởng về Chất lượng do Thủ tướng Chính phủ quyết định trao tặng hằng năm.

Qua 28 năm hình thành và phát triển, GTCLQG đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các tổ chức/doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong xã hội; tôn vinh xứng đáng những doanh nghiệp xuất sắc, duy trì ổn định một cách toàn diện và khẳng định được vị thế cạnh tranh không chỉ với thị trường trong nước mà đã vươn tầm quốc tế, nhờ quá trình nỗ lực cải tiến hệ thống quản trị theo hướng tối ưu và phát triển bền vững.

Tôn vinh các doanh nghiệp đạt giải thưởng Chất lượng quốc gia
Cuộc họp báo về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia

Cho đến nay đã có 2.163 lượt doanh nghiệp đạt GTCLQG. Trong đó, năm 2021, Thủ tướng đã tặng GTCLQG cho 61 doanh nghiệp, năm 2022 có 49 doanh nghiệp và năm 2023 có 23 doanh nghiệp. GTCLQG là Giải thưởng duy nhất về Chất lượng ở cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ xét tặng hằng năm. Giải thưởng được thực hiện theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, có lịch sử hình thành và phát triển từ Giải thưởng Chất lượng Việt Nam được triển khai từ năm 1995.

Giải thưởng này nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Chất lượng châu Á – Thái Bình Dương. GTCLQG được thiết lập, triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và các tiêu chí GTCLQG của Hoa Kỳ. Giải thưởng được xét tặng cho các tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới.

Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp của Việt Nam đứng trước những thách thức chưa từng có trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của chính mình cùng sự đồng hành của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp vẫn đứng vững và tạo đà phát triển. Các doanh nghiệp tiếp tục đạt được những thành công, không chỉ trong tổng thể các kết quả nói chung mà còn về cả năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong đó, có những doanh nghiệp tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng GTCLQG năm 2021, 2022 và 2023.

“Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đạt được sự thành công bền vững, được tôn vinh và ghi nhận một cách xứng đáng. Đồng thời, tôi cũng hy vọng rằng: cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp có đủ năng lực, kết quả hoạt động tiêu biểu đáp ứng các tiêu chí của GTCLQG, giúp cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh. Sự gia tăng của số lượng của doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí của GTCLQG chính là cơ sở để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế và cũng là niềm tự hào của cộng đồng doanh nghiệp Việt”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.

Tôn vinh các doanh nghiệp đạt giải thưởng Chất lượng quốc gia
Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu khai mạc

Thông tin cụ thể về Giải thưởng, ông Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, GTCLQG được xét tặng hàng năm cho những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Các doanh nghiệp tham dự GTCLQG được chia thành 4 loại hình: Doanh nghiệp sản xuất lớn; Doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ; Doanh nghiệp dịch vụ lớn và Doanh nghiệp dịch vụ vừa và nhỏ.

Các doanh nghiệp tham gia Giải được đánh giá dựa vào 7 tiêu chí của GTCLQG và theo phương pháp chuyên gia đánh giá cho điểm. GTCLQG gồm 2 loại: Giải Vàng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Việc đánh giá và tuyển chọn GTCLQG được tiến hành theo 2 cấp: Hội đồng sơ tuyển cấp tỉnh/thành phố và Hội đồng Quốc gia. Trên cơ sở danh sách các doanh nghiệp được Hội đồng sơ tuyển đề xuất, Hội đồng Quốc gia lựa chọn, đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ trao tặng GTCLQG hằng năm.

Đáng chú ý, theo ông Trường, mức độ ứng dụng chuyển đổi số là một thành phần trong bộ tiêu chí về đo lường, phân tích và quản lý tri thức của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. “Nếu như trước kia là ứng dụng công nghệ thông tin thì giờ đây doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động của chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp Việt Nam trước kia thường chú trọng vào thị trường, sản phẩm, khách hàng, ít chú trọng về ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, trong khoảng 3-4 năm trở lại đây thực tế đã thay đổi hoàn toàn”, ông Trường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trường, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 quyết định về việc trao GTCLQG với tổng cộng 133 tổ chức, doanh nghiệp được trao tặng. Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 18/12 tại Hà Nội.

Doanh nghiệp dẫn dắt lan tỏa giá trị tiên phong

Chia sẻ tại cuộc họp báo, bà Trần Thị Thao Giang, Trưởng phòng Đối ngoại & Truyền thông Nestlé Việt Nam, một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành trong lĩnh vực thực phẩm đạt giải cao năm nay, nhấn mạnh “Được dẫn dắt bởi các giá trị bắt nguồn từ sự “Tôn trọng” và lấy dinh dưỡng làm trọng tâm, chúng tôi đồng hành cùng các đối tác để tối ưu hóa vai trò của thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người, hôm nay và của những thế hệ mai sau. Trong suốt gần 160 năm qua, nguyên tắc kinh doanh của chúng tôi luôn dựa trên phương châm hoạt động rằng để có sự thành công lâu dài cho công ty và tất cả các đối tác liên quan, bên cạnh việc tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật liên quan, cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững, cần tạo ra những giá trị chung cho cộng đồng. Tại Nestlé, chúng tôi gọi đó là Tôn chỉ “Tạo giá trị chung” và chính tôn chỉ này đã giúp chúng tôi xây dựng Nestlé trở thành một công ty toàn cầu gắn kết với địa phương và tiên phong trong phát triển bền vững trong suốt hành trình gần 3 thập kỷ có mặt tại Việt Nam”.

Tôn vinh các doanh nghiệp đạt giải thưởng Chất lượng quốc gia
Bà Trần Thị Thao Giang, Trưởng phòng Đối ngoại & Truyền thông Nestlé Việt Nam chia sẻ tại họp báo

Theo đó, các dòng sản phẩm của Nestlé luôn được cải tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng gắn với trọng tâm vào việc bảo tồn tài nguyên cho hế hệ tương lại. “Cải tiến” cùng “niềm tin” và “sự phù hợp cho người tiêu dùng” là nền tảng tạo ra sự thành công và lợi thế cạnh tranh của công ty cũng như của tập đoàn thông qua việc đảm bảo cao nhất “chất lượng” và “sự an toàn” của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Để có được điều đó, Nestlé luôn đảm bảo việc tuân thủ nghiêm ngặt trong “quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm”, “quản lý chất lượng”, và “tuân thủ về an toàn trong lao động” tại mỗi và mọi khâu trong quy trình hoạt động và sản xuất của mình, từ nguyên liệu đầu vào đến khi thành phẩm đến tay người tiêu dùng trong suốt chuỗi cung ứng.

“Với sứ mệnh đó, chúng tôi tin rằng việc tham gia Chương trình GTCLQG sẽ giúp công ty tiếp tục có điều kiện học hỏi, đánh giá và cải tiến một cách toàn diện các hoạt động quản lý, chất lượng sản phẩm, dịch vụ dựa trên các nhóm tiêu chí chính mà Chương trình đưa ra. Song song với đó, chúng tôi cũng có cơ hội chia sẻ những bài học kinh nghiệm, tiến bộ kỹ thuật, những chương trình và sáng kiến vì cộng đồng … mà Nestlé đã và đang thực hiện. Qua đó, chúng tôi mong muốn sẽ tạo động lực giúp nhân rộng những sáng kiến hay và hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam”, đại diện Nestlé khẳng định./.