Tôm xuất khẩu trên đà phục hồi

Tôm xuất khẩu trên đà phục hồi

Hiện nay thị trường xuất khẩu tôm trên đà hồi phục. Giai đoạn khó khăn giảm dần, thách thức phía trước là thiếu nguồn tôm nguyên liệu để nâng chất, tăng sức cạnh tranh.

Thu hoạch tôm ở vùng nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng.

Hy vọng chợ tôm

Từ tháng 7 đến nay diễn tiến tôm xuất khẩu sang một số thị trường trọng điểm có dấu hiệu tốt dần lên. Ðà phục hồi tuy chậm nhưng hy vọng giá bán tôm sáng hơn từ nay đến cuối năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên do thị trường chuyển động tích cực khi lượng hàng tồn kho được giải quyết. Các doanh nghiệp (DN) bắt đầu nhận được các hợp đồng xuất khẩu tôm chuẩn bị cho nhu cầu vào mùa lễ hội và cuối năm.

Tại Sóc Trăng, các đại lý thu mua tôm nguyên liệu cung cho nhà chế biến xuất khẩu đã tăng giá thu mua tôm các cỡ. Tăng giá nhanh loại tôm cỡ (size) lớn từ 20-50 con/kg, giá thu mua 170.000-180.000 đồng/kg, tăng hơn so thời điểm cuối tháng 7 khoảng 20.000 đồng/kg và tôm cỡ 60-100 con/kg giá tăng lên khoảng 5.000-8.000 đồng/kg. Trong khi người nuôi tôm tốt chỉ trong khoảng 60 ngày đạt cỡ nhỏ 100 con/kg nhóm hy vọng khi giá vượt trên 80.000 đồng/kg. Các nhà máy chế biến tôm bắt đầu hoạt động trở lại, thu mua nguyên liệu, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng xuất khẩu. Cùng giữ nhịp thị trường tôm ôxy tươi sống bán tốt trên thị trường nội địa góp phần cân đối cán cân tiêu thụ ở vùng nuôi.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Thực phẩm SAO TA – một trong những doanh nghiệp có thế mạnh trên cả hai lĩnh vực chế biến xuất khẩu và nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nhận xét: Thế giới tuy có từng bước hồi phục tiêu thụ, nhưng vì sức cung quá lớn, giá cả hoàn toàn chưa cải thiện nên giá tôm nguyên liệu trong nước hiện còn thấp. Tuy nhiên, trong nửa tháng qua, giá tôm đã bắt đầu tăng trở lại, tùy theo cỡ tăng từ 7.000-25.000 đồng/kg.

Ông Lực cho rằng, thách thức phía trước tôm xuất khẩu vẫn còn hai nỗi lo. Về khách quan, lạm phát, suy thoái kinh tế còn tồn tại và chưa rõ điểm phục hồi trong khi sức cung trên thế giới còn mạnh. Về chủ quan, giá tôm Việt Nam cao và sắp tới sẽ thiếu tôm thương phẩm nguyên liệu do người nuôi thua lỗ, không đủ sức tiếp tục thả giống nuôi. Thiếu nguyên liệu từ nay đến cuối năm 2023 là điều lo lắng nhất ngành tôm hiện nay.

Như vậy muốn tạo chuyển biến trong tình hình chưa đủ các điều kiện thuận lợi để tạo lợi thế, tăng sức cạnh tranh, nhất là trong giai đoạn cơ hội thị trường phục hồi? Ông Lực phân tích: Trong kinh doanh, cạnh tranh để vượt lên cần có yếu tố trội, nổi bật trong sản phẩm. Với thực phẩm tôm, đó là tích hợp sự tiện ích, ngon, bổ và giá mềm. Tôm Việt Nam đạt rất nhiều điểm, chỉ trừ điểm “giá”. Nguyên nhân là tỷ lệ nuôi thành công thấp cộng với giá đầu vào nuôi tôm khá cao nên giá thành tôm nuôi Việt Nam còn cao, đội giá thế giới. Thí dụ tôm nguyên con thương phẩm cỡ 50 con/kg của Ecuador là 75.000 đồng, của ta là 103.000 đồng (giá ngày 4-8-2023).

Tôm cuối năm và năng lực cạnh tranh

Thị trường luôn chuyển động và cạnh tranh là tất yếu. Trong hàng chục năm qua tôm xuất khẩu Việt Nam đạt mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có những lúc khó khăn như năm 2018 xuất khẩu tôm giảm. Trước đó giai đoạn năm 2010-2015 có năm dịch bệnh EMS hoành hành vùng nuôi tôm gặp nhiều khó khăn.

Thế nhưng năm nay có nhiều nhận định trước khó khăn bất thường. Tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới, nhu cầu giảm trong khi một vài nước nuôi tôm như Ấn Ðộ, Ecuador… có mức cung tăng. Vào lúc này ở vùng nuôi tôm nước ta dịch bệnh có dấu hiệu tăng, tỷ lệ nuôi thành công không nhiều, giá thành cao.

Ở ÐBSCL có nhiều tỉnh ven biển cung cấp nguồn tôm thương phẩm chủ lực. Theo đánh giá của một số chủ trại nuôi tôm ao lót bạt ứng dụng công nghệ cao qua vụ nuôi tôm đầu năm trúng khá nhưng không lời, vì giá bán tôm thấp. Chính vì giá tôm thương phẩm thấp kéo dài trong những tháng đầu năm, cùng với một số yếu tố khách quan về chất lượng tôm giống, giá thức ăn thủy sản tăng… đã tác động đến số đông hộ nuôi tôm quy mô nhỏ, vốn yếu thế về vốn khó vào vụ 2. Hơn nữa hiện thời vào tháng mưa già, nước sông không đủ độ mặn nuôi thả tôm rủi ro, dễ nhiễm bệnh.

Hiện đã có ý kiến dự báo của các công ty xuất khẩu lo ngại sản lượng tôm nuôi không đủ cung ứng trong những tháng cuối năm, dù thị trường tiêu thụ đang sáng dần lên. Vào lúc này một số người nuôi tôm còn chờ hy vọng như dự báo mùa mưa kết thúc sớm, mặn lên sớm để vào vụ thả tôm sớm nên khả năng có thể thiếu tôm nguyên liệu đến quý I-2024.

Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm thừa nhận, nhiều năm qua năng lực người nuôi tôm Việt Nam tự tin giỏi nuôi tôm cỡ lớn. Tuy vậy, đến năm 2023 nguồn cung tôm cỡ lớn từ một vài nước khác cũng đã có nhiều.

Trong số 6 cường quốc nuôi và xuất khẩu tôm, tôm Việt Nam đạt trình độ chế biến cao nhất và chiếm tỷ lệ cao ở phân khúc thị trường này. Lẽ tất nhiên các nước đối thủ cùng ngành hàng sẽ không ngừng tìm cách nâng cao trình độ chế biến. Ðó là những thách thức ngoài dự kiến cần có sự đánh giá đối với những tác nhân tham gia chuỗi để ngăn chặn đà đi xuống của ngành hàng tôm vốn còn nhiều tiềm lực phục hồi phát triển. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải tiếp tục đi trước, tìm cách nâng cao trình độ chế biến hơn nữa.

Theo ông Lực, để chủ động vượt khó, phát triển chiều sâu phải tính kế lâu dài, thí dụ như xem xét thực thi các tiêu chí phát triển bền vững để thu hút khách hàng và đi đúng xu thế thế giới. Thí dụ phổ biến hiện nay là thực thi bộ tiêu chí ESG (Environmental – Social – Governance – một bộ tiêu chuẩn đo lường những yếu tố về hoạt động phát triển mang tính lâu dài, bền vững của một doanh nghiệp), trong đó chú trọng phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên tiến tới NET ZERO năm 2050 mà COP26 đã triển khai.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/tom-xuat-khau-tren-da-phuc-hoi-a163664.html