Hầu hết nguyên liệu phải nhập khẩu nên lợi nhuận không cao. Việc hoàn thiện quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ người nông dân đến các doanh nghiệp (DN) đang trở nên cấp bách.
Bình Phước có 134.000ha trồng điều với năng suất 1,5 tấn/ha và hơn 1.400 cơ sở chế biến, xuất khẩu đi nhiều nước như Mỹ, Australia, Trung Quốc… Vùng nguyên liệu bấp bênh do các DN chế biến cần 600.000 – 800.000 tấn điều tươi nhưng sản lượng điều trong tỉnh chỉ đáp ứng 200.000 tấn. Do đó, ngành chế biến điều của tỉnh phải nhập khẩu điều thô từ các nước châu Phi, Indonesia, Campuchia… Đơn cử như năm 2019, ngành điều Bình Phước phải nhập khẩu 495.000 tấn với trị giá 814 triệu USD. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu điều nhân đạt 770 triệu USD, sản lượng 98.000 tấn, giá xuất khẩu dao động 7.800USD – 8.300USD/tấn. Còn 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu điều chỉ đạt 61,7 triệu USD, sản lượng 9.500 tấn và giá xuất khẩu tiếp tục giảm – chỉ còn 6.500USD/tấn (giảm 23,1%).
Theo kỹ sư Vũ Mạnh Tùng (chủ cơ sở chế biến hạt điều tại Phú Riềng), ngành chế biến đói nguyên liệu do các cơ sở chế biến điều chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; chưa hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với cơ sở sản xuất. Liên kết giữa DN và nông dân còn lỏng lẻo.
Chưa hết, nhiều DN còn rất thiếu vốn cho sản xuất. Doanh số cho vay ngành điều trong năm 2019 lên tới 26.000 tỷ đồng với 33.921 khách hàng còn dư nợ và nợ xấu hơn 271 tỷ đồng, chiếm 2,37% dư nợ cho vay điều. Một ví dụ điển hình là Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phúc An, một DN nhiều năm liên tiếp nằm trong tốp đầu của Việt Nam về sản xuất, chế biến hạt điều và có khách hàng từ Mỹ, Canada, châu Âu, Australia, Trung Quốc, Trung Đông… Nhà máy có dây chuyền chế biến hiện đại, sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất của Mỹ và châu Âu; mỗi năm sản xuất bình quân 30.000 tấn điều nguyên liệu, thu về hàng chục triệu USD. Thế nhưng, kinh doanh ngày càng khó nên DN này đã buộc phải phá sản.
Theo Sở Công thương tỉnh Bình Phước, phần lớn điều phục vụ sản xuất của tỉnh là nhập khẩu và ngay từ cuối năm 2019, các DN đã ký hợp đồng nhập khẩu với một số nước xuất khẩu điều mức giá 1.500USD – 1.600USD/tấn (hiện tại còn khoảng 1.200USD – 1.300USD/tấn). Các DN ký hợp đồng xuất khẩu nhân điều khoảng 8.300USD/tấn, nhưng hiện nay giá giảm mạnh còn 6.500USD/tấn nên các nhà nhập khẩu ép phải giảm giá nếu không sẽ bỏ cọc, gây khó khăn cho DN trong tỉnh.
Toàn tỉnh có hơn 1.400 cơ sở chế biến nhưng chỉ có 30 DN đủ năng lực thực sự để nhập khẩu điều thô về chế biến, số còn lại gồm 110 DN nhỏ, hơn 1.200 DN siêu nhỏ, nên sau vụ thu hoạch thường xảy ra tình trang đói nguyên liệu để gia công, chế biến. Do chi phí cao nên việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về, sau khi chế biến, lợi nhuận còn rất ít, thậm chí không có. Không ít DN rơi vào tình huống này đã phải tạm dừng sản xuất.
Tỉnh Bình Phước đang tiến hành rà soát, hoàn thiện quy hoạch vùng nguyên liệu điều theo hướng tập trung, từ đó liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ nông dân đến doanh nghiệp sản xuất – chế biến – xuất khẩu. Đặc biệt, chú trọng đầu tư thiết bị, công nghệ, tăng cường áp dụng công nghệ cao vào quản trị sản xuất, truy xuất nguồn gốc, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm điều, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới như HACCP, ISO 22000, BRC…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển các loại cây công nghiệp, đặc biệt là cây điều, nhưng giá trị đạt được vẫn chưa tương xứng. Để tháo gỡ, tỉnh Bình Phước đang xây dựng và phát triển ngành điều bền vững bằng việc khuyến khích các DN chủ động đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, quảng bá sản phẩm, kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. |
Theo sggp.org.vn