Kinh doanh & pháp luật, Làm đẹp, Sức khỏe, Thông tin
TikTok – Tràn lan thực phẩm chức năng và mỹ phẩm quảng cáo gây hiểu lầm cho người dùng
TikTok – Tràn lan thực phẩm chức năng và mỹ phẩm quảng cáo gây hiểu lầm cho người dùng
Thực phẩm chức năng/mỹ phẩm tung hoành công dụng giả mạo trên TikTok
Chỉ cần tìm kiếm trên TikTok với các từ khóa giảm cân, giảm béo, trắng da, trị thâm, trị nám… sẽ xuất hiện hàng loạt quảng cáo, giới thiệu về các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, mỹ phẩm. Những sản phẩm này được đăng tải dưới dạng video ngắn cùng các ngôn từ quảng cáo thổi phồng công dụng, giả mạo chất lượng trở thành những loại thuốc điều trị, đặc trị với những từ ngữ khẳng định như: hết, khỏi hẳn, xử lý mụn/nám sau 7 ngày,…
Qua tìm hiểu trên TikTok thấy rằng nhãn mỹ phẩm Seajin white sử dụng hình ảnh nghệ sĩ nổi tiếng với những lời khẳng định hết nám, tàn nhang vô cùng thần thánh, nội dung có tại địa chỉ https://vt.tiktok.com/ZSLCjewju/
Nhãn hàng này còn sử dụng hình ảnh như bác sĩ, chuyên gia để giới thiệu sản phẩm, dễ dàng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Sản phẩm mờ nám Seajin white được biết là do Công ty TNHH SX & TM Xuất Nhập Khẩu FOREWIN (Số 14, ngõ 93, phố Tây Trà, Phường Trần Phú, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm, nội dung có tại địa chít: https://vt.tiktok.com/ZSLC625kN/
Cũng như sản phẩm nói trên, người giới thiệu sữa canxi GoldenGout trên TikTok cũng quảng cáo sản phẩm có thể làm hết đau xương khớp, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm,… Những công dụng, chất lượng như vậy là không có thật, giả mạo và lừa dối người tiêu dùng bởi đó chỉ các các sản phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng chứ không phải là thuốc và không có tác dụng để thay thế thuốc chữa bệnh.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, có khoảng 60% quảng cáo thực phẩm chức năng trên các mạng xã hội là gian lận.
Theo các quy định của pháp luật cho thấy, các quảng cáo như vậy đã vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”. Bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời còn vi phạm các quy định khác tại Luật Quảng cáo số: 16/2012/QH13.
Cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ, xử lý các hành vi vi phạm
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng trên nền tảng công nghệ số, đặc biệt là mạng xã hội đang ở mức đáng báo động. Không chỉ thổi phồng công dụng, vượt quá nội dung quảng cáo đã thẩm định, hình thức vi phạm quảng cáo đang ngày càng tinh vi, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh, rất dễ bị mắc bẫy.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm
Ông Phong nhấn mạnh, các sản phẩm thực phẩm chức năng, trong đó có sản phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã đăng ký với cơ quan quản lý và chỉ được quảng cáo 4 nội dung đã được thẩm định.
“Thời gian qua, tình trạng quảng cáo không đúng sự thật, quảng cáo sai nội dung mà cơ quan chuyên môn đã thẩm định, sử dụng hình ảnh y, bác sĩ, cắt ghép hình ảnh của đài truyền hình, lực lượng quân đội công an… diễn ra phức tạp trên mạng xã hội”, ông Phong chỉ rõ.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), công tác quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng) hiện gặp khó khăn do các vi phạm về quảng cáo các sản phẩm này, đặc biệt trong môi trường mạng, trên các website, trang thương mại điện tử, TikTok, Facebook, Youtube có chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài khó kiểm soát, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm nên khó xử lý vi phạm.
Một số cơ quan phát hành quảng cáo chưa thực hiện đúng quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thường phát hành các nội dung quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo, gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh…
Ngoài ra, một số công ty thuê địa điểm, tổ chức đào tạo nhân viên gọi điện thoại, tư vấn, giả danh bác sĩ, dược sĩ tư vấn bệnh, dọa dẫm khách hàng để tư vấn liệu trình điều trị bệnh, thực tế là bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Làm gì để có thể mua được sản phẩm chất lượng trên TikTok?
Theo Cục An toàn thực phẩm, để mua được các sản phẩm mỹ phẩm/thực phẩm chức năng đảm bảo an toàn người tiêu dùng, cần: Lựa chọn và mua sản phẩm đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành (sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản phẩm đã được cấp công bố phù hợp quy định, an toàn thực phẩm); Mua các sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, mua tại các cửa hàng có uy tín; Kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng của sản phẩm.
Người tiêu dùng tránh mua sản phẩm mỹ phẩm/thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát, quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội hoặc được tư vấn qua điện thoại, sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo về tác dụng chữa được bệnh, điều trị bệnh.
Duy Trinh
Nguồn: https://vietq.vn/tiktok–tran-lan-thuc-pham-chuc-nang-va-my-pham-quang-cao-gay-hieu-lam-cho-nguoi-dung-d212957.html |