Tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu tại TP.HCM

Tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu tại TP.HCM

(VietQ.vn) – Đội Quản lý thị trường số 12, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức giám sát, tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm hàng hóa nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu.

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, ngày 22/12/2023, tại Nhà máy Công ty Cổ phần Môi Trường Việt Úc, địa chỉ Lô B4-B21, B5-B20, đường số 9, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, Đội Quản lý thị trường số 12 đã phối hợp các phòng thuộc Cục giám sát việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các sản phẩm hàng hoá vi phạm.

Hàng hóa vi phạm trong đợt tiêu hủy lần này là quần áo, vớ, dép, ví, phụ tùng xe gắn máy, bộ cáp sạc điện thoại giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Chanel, Hermes, Gucci, Apple, Adidas, Givenchy, Yamaha, Honda, Nike…; mỹ phẩm, thực phẩm (khô gà lá chanh, khô bò, mít sấy), cao dán sử dụng ngoài da nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Tổng số lượng hàng hoá vi phạm buộc tiêu huỷ là 3.450 sản phẩm, tổng trị giá gần 260 triệu đồng, thuộc 19 quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh và Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 12 ban hành.

Phương thức tiêu hủy được áp dụng là xay nhuyễn, hủy hình dạng ban đầu hoặc đốt hủy trực tiếp trong lò đốt ở nhiệt độ cao. Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, toàn bộ quá trình tiêu hủy hàng hóa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về môi trường, có sự giám sát chặt chẽ của Cục và lực lượng chức năng theo đúng quy định.

Tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu tại TP.HCM

Theo Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 có quy định; về hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ. Theo đó, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa; bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng; hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu; chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu; hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa. Mọi hình vi xâm phạm làm tổn hại đến nhãn hiệu; đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Như vậy quần áo giả nhãn hiệu chính là hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ; các hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về sản xuất; nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; chỉ dẫn địa lý như sau: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng: Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả với hành vi bán quần áo giả mạo nhãn hiệu: Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP cũng quy định về biện pháp khắc phục hậu quả; với hành vi bán quần áo giả mạo nhãn hiệu:

Buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; hoặc chỉ dẫn địa lý với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp; đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 11 Điều này;

Buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa; đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 10 Điều này;

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được; do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 11 Điều này.

 An Nguyên

Nguồn: https://vietq.vn/tieu-huy-hang-nghin-san-pham-nhap-lau-gia-mao-nhan-hieu-tai-tphcm-d217406.html