Xu hướng tiêu dùng bền vững với những sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng được quan tâm
Thời gian gần đây ở Việt Nam, xu hướng tiêu dùng bền vững với những sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng được quan tâm và có tầm ảnh hưởng đến hệ thống sản xuất, phân phối. Khảo sát năm 2023 của Tổ chức Nielsen IQ cho thấy, đã có 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường là hết sức quan trọng.
Tại Việt Nam, bên cạnh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thì nhiều hoạt động, chương trình cũng được tổ chức, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất bền vững, thực hành kinh doanh trách nhiệm, bền vững. Điển hình như: Lễ Công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam hàng năm được VCCI tổ chức. Các doanh nghiệp được đánh giá mức độ phát triển bền vững trên các khía cạnh: hiệu quả kinh kinh tế, quản trị doanh nghiệp, môi trường và lao động, xã hội.
Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, dự án nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới kinh tế tuần hoàn. Năm 2023, Bộ Công Thương đã tổ chức Cuộc thi “Sáng tạo logo và slogan về sản xuất và tiêu dùng bền vững”. Cuộc thi nhằm tìm kiếm một bộ biểu trưng độc đáo, sáng tạo, thể hiện được thông điệp của chương trình; góp phần nâng cao nhận thức của nhóm đối tượng tham gia cuộc thi và của cộng đồng xã hội về sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến sự phát triển bền vững trong cộng đồng xã hội.
Việc tổ chức Cuộc thi một trong những phương thức tuyên truyền hiện đại, hấp dẫn, hiệu quả cao nhằm nâng cao nhận thức, phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương, cũng như người dân về sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Xu hướng xanh hóa trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến |
Về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, họ cũng tự ý thức phải thay đổi tư duy, làm sao để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.
Để cạnh tranh, xu hướng xanh hóa trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm bảo đảm xanh và sạch; xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.
Nhiều doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng xanh, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi ni lông sinh thái, 3R (tiết giảm – tái sử dụng – tái chế).
Tại hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội, các sản phẩm dùng một lần, như khay, hộp, đĩa, tô… được sản xuất từ bã mía thay thế túi ni lông và đồ nhựa được sử dụng phổ biến. Ngoài ra, rau, củ, quả được gói bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên; ống hút nhựa được thay bằng ống hút sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên (giấy, gạo, tre nứa…).
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng đã áp dụng các chương trình khuyến mại tặng quà đối với các khách hàng đến mua sắm mang theo túi sử dụng nhiều lần, nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông khi mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Điển hình là AEON Việt Nam khi trở thành nhà bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam triển khai sáng kiến “rent a bag”, khách hàng có thể mượn túi môi trường trực tiếp tại các quầy thu ngân với chi phí 5.000 đồng/túi và được hoàn lại phí thuê khi trả túi tại quầy dịch vụ.
Hệ thống WinCommerce cũng đã và đang chung tay bảo vệ môi trường bằng việc triển khai loạt giải pháp “xanh” tại hệ thống siêu thị và siêu thị mini WinMart/WinMart +. Cụ thể, WinCommerce sử dụng 100% túi ni lông tự hủy sinh học; đồng loạt giảm hoặc thay thế các vật liệu nhựa sử dụng 1 lần bằng các vật phẩm thân thiện với môi trường trong hoạt động vận hành.
Việc thay thế túi ni lông khó phân hủy trong hoạt động kinh doanh cũng được các hệ thống siêu thị, như Co.opmart, MM Mega Market, Vincom… triển khai đồng loạt.
Vẫn còn những rào cản
Song khó khăn chính trong thực hiện “xanh” là cần vốn đầu tư ban đầu lớn, cũng như tìm được công nghệ phù hợp. Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực ứng dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến còn hạn chế, dẫn đến trong quá trình hoạt động sản xuất gây ra sự hao phí lớn về năng lượng.
Hơn nữa quy mô sản xuất nhỏ lẻ, kèm theo khó khăn về tài chính cũng không cho phép những doanh nghiệp này đầu tư trang thiết bị hiện đại để có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, trình độ tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại thân thiện với môi trường còn hạn chế.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn nhầm lẫn giữa hoạt động hỗ trợ, giám sát kỹ thuật áp dụng sản xuất sạch hơn với các hoạt động thanh, kiểm tra về môi trường.
Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất là thay đổi hành vi của khách hàng. Hiện nay ở Việt Nam, người tiêu dùng đã dành ra sự quan tâm nhất định tới các sản phẩm thân thiện với môi trường, nhưng nhu cầu sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường của khách hàng chưa phải quá lớn.
Cùng với đó, giá cả vẫn là yếu tố chi phối hàng đầu, với mức giá thành phẩm các nguyên liệu thân thiện môi trường hiện đang chênh lệch tới 30% so với bao bì thông thường, sẽ là rào cản lớn trong việc thay đổi hành vi và đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Cần trợ lực từ các chính sách
Vấn đề được đặt ra lúc này là cần thêm những trợ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong việc chung tay thúc đẩy việc sản xuất và tiêu dùng bền vững. Cụ thể là những giải pháp về cơ chế, chính sách; ưu tiên, khuyến khích việc nghiên cứu khoa học, phát triển các công nghệ hiện đại để áp dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, việc sản xuất xanh và sạch cần một nguồn vốn dài hạn và ổn định. Vì vậy, rất cần những cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
Theo đó, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích và ưu tiên những đơn vị sản xuất xanh, sạch hơn; hoàn thiện khung cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang nền sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững; đồng bộ hóa những chính sách ưu tiên.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, các nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững (từ sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng, tái sử dụng); huy động sự tham gia, đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm…/.