Giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Theo Công điện số 32/CĐ-TTg, ngày 5/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, để tiếp tục nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, điều hành chủ động, linh hoạt, hài hòa, kịp thời, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là lãi suất, tỷ giá, tín dụng để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 18/CĐ-TTg, ngày 5/3/2024 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng đến tháng 3 và quý I/2024 mới đạt khoảng 0,9%. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 18/CĐ-TTg, ngày 5/3/2024 và các văn bản liên quan, nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thứ hai, khẩn trương thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các giải pháp tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống như: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục có chính sách đột phá các gói tín dụng ưu đãi góp phần tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…, nỗ lực phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay |
Thứ ba, khẩn trương rà soát toàn diện, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện hạn mức tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực để theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có biện pháp điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 hiệu quả, khả thi, kịp thời hơn nữa, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, bảo đảm thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2024 và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phù hợp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng, phục vụ, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 18/CĐ-TTg, ngày 5/3/2024.
Thứ năm, chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng: (1) Thực hiện công khai mặt bằng lãi suất cho vay, việc triển khai các gói tín dụng trước ngày 10/4/2024 theo đúng chỉ đạo của Thường thực Chính phủ tại Thông báo số 134/TB-VPCP, ngày 2/4/2024; tổ chức nào không thực hiện thì Thống đốc NHNN xử lý nghiêm theo thẩm quyền và công khai theo quy định của pháp luật; (2) Tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…, nỗ lực phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, để góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân và không ngừng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; (3) Đẩy mạnh triển khai hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng đối với các lĩnh vực quan trọng góp phần thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; phát huy vai trò, tăng cường trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong việc thấu hiểu, chia sẻ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; trên tinh thần cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển bền vững, lâu dài.
Thứ sáu chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước nghiên cứu ngay việc xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội có thời hạn đến 15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn cho vay thương mại thông thường và cho các doanh nghiệp, các chủ đầu tư xây nhà ở xã hội vay với lãi suất ưu đãi hơn, để các đối tượng có thu nhập thấp có cơ hội, động lực để mua nhà hoặc thuận lợi trong việc thuê hoặc thuê mua; tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho việc vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp tình hình thực tiễn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 123/TB-VPCP, ngày 27/3/2024.
Thứ bảy, đẩy mạnh, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng và có giải pháp hiệu quả kịp thời xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tập trung chỉ đạo NHNN và các cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra…
Các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn
Trong một diễn biến có liên quan, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, để thúc đẩy tín dụng, ngay từ đầu năm, ngành Ngân hàng đã triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn. Đến nay, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Dư nợ tín dụng tăng trưởng trở lại các tháng gần đây cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất, kinh doanh. NHNN cũng đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ để hỗ trợ hoạt động cho vay tín dụng, vừa giúp các ngân hàng tiết kiệm thời gian làm thủ tục cho vay, đồng thời giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn nhanh chóng. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. NHNN đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đến hết năm 2024, thay vì kết thúc vào ngày 30/6, nhằm tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, việc tìm kiếm giải pháp khơi thông nguồn vốn là cần thiết, nhưng không thể hạ chuẩn quy định về điều kiện hỗ trợ tín dụng. Nguồn: SBV |
Cũng theo ông Tú, dù nguồn vốn dồi dào, lãi suất đặc biệt thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác từ NHNN, song các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn. Việc tìm kiếm giải pháp khơi thông nguồn vốn là cần thiết, nhưng không thể hạ chuẩn quy định về điều kiện hỗ trợ tín dụng; không vốn ồ ạt đẩy mạnh tín dụng, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế chung của đất nước. NHNN thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn yêu cầu giảm lãi suất, tuy nhiên, chính sách về lãi suất phải được tính toán hài hòa trên tinh thần tháo gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp và ngành ngân hàng.
NHNN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu, đề xuất những chính sách mới để ổn định kinh tế vĩ mô, sử dụng các công cụ của NHNN để ổn định tỷ giá, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo chất lượng và an toàn tín dụng.
Phó Thống đốc yêu cầu các NHTM cần có trách nhiệm chia sẻ với nền kinh tế, với khách hàng, doanh nghiệp, tiếp tục khắc phục các rào cản liên quan đến hành chính như: thủ tục, thời gian, quy trình…, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn tín dụng…/.