Thủ đoạn tinh vi của bà chủ 9x buôn bán hơn 3.000 hộp thuốc điều trị Covid-19 ‘dởm’

Thủ đoạn tinh vi của bà chủ 9x buôn bán hơn 3.000 hộp thuốc điều trị Covid-19 ‘dởm’

(VietQ.vn) – 3.030 hộp thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid (theo lời chủ cơ sở) được mua trôi nổi trên mạng xã hội về kinh doanh kiếm lời vừa bị lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện và thu giữ tại cơ sở kinh doanh số 115 Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội.

Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều loại thuốc điều trị và kít xét nghiệm Covid-19 trôi nổi cũng từ đó mà “nảy nở”. Chỉ trong khoảng nửa tháng trở lại đây, người dân liên tục nghe những tin tức liên quan đến việc bắt giữ, thu giữ, tiêu hủy các sản phẩm phục vụ phòng chống Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Liên tiếp thu giữ

Ngay chiều nay (28/2), Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17, Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ 115 Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội do bà Nguyễn Thị Ngân Hà (sinh năm 1992) làm chủ. 

Bước đầu kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang kinh doanh các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có 3.030 sản phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19 – theo lời chủ cơ sở.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa vi phạm. 

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận, bao bì hàng hóa ghi chữ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt. Chủ cơ sở kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên. Đáng chú ý, chủ cơ sở này khai nhận thu mua hơn 3.000 sản phẩm “hỗ trợ điều trị Covid-19” trôi nổi trên mạng về bán kiếm lời. 

Theo Đội QLTT số  17 – đơn vị trực tiếp thực hiện vụ kiểm tra, lợi dụng tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều đối tượng đã thu mua các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch như kit test nhanh Covid-19, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 trôi nổi, không nguồn gốc trên mạng xã hội rồi về bán kiếm lời.

Thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, thường không có địa điểm kinh doanh cố định. Phương thức giao hàng, nhận hàng ở những nơi khuất dân cư hoặc gọi giao hàng qua các ứng dụng công nghệ. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình nắm bắt, kiểm soát và phát hiện. Hiện, Đội QLTT số 17 tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, căn cứ đề xuất phối hợp kiểm tra của Công an quận Thanh Xuân, Đội QLTT số 12 (Cục QLTT Hà Nội) cũng tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải đối với 2 đối tượng có dấu hiệu khả nghi.

Cụ thể, lực lượng chức năng đã kiểm tra xe máy mang BKS 29V1-55xxx do ông Bùi Đức Toàn là người điều khiển đang dừng đỗ trước cửa số nhà 612 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). Quá trình kiểm tra phát hiện ông Toàn đang vận chuyển 2 thùng carton chứa hàng hoá là 240 hộp thuốc tân dược mang nhãn hiệu Arbidol (loại 10 viên/vỉ/hộp), hàng do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp.

Ngay sau đó, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra xe máy mang BKS 18Y2-xxxx do ông Đinh Văn Hiểu là người điều khiển đang dừng đỗ tại địa chỉ ngõ 477 đường Nguyễn Trãi.

Qua kiểm tra phát hiện ông Hiểu đang vận chuyển 1 thùng các tông chứa hàng hoá là 240 hộp thuốc tân dược mang nhãn hiệu Arbidol (loại 10 viên/vỉ/hộp) do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp. Đội QLTT số 12 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số tang vật để xác minh, làm rõ.

Tránh “mất tiền thật, nhận hàng giả”

Thực tế còn rất nhiều vụ vi phạm liên quan đến các thiết bị phòng chống dịch bị lực lượng chức năng liên tục phát hiện và thu giữ, dấy lên lo ngại trong dư luận. Không chỉ dừng lại ở việc hàng trôi nổi có thể trà trộn vào các hiệu thuốc hoặc “tuồn” thông qua mạng xã hội, mà tình trạng đẩy giá các sản phẩm này cũng gây bức xúc cho người dùng.

Chia sẻ với phóng viên, một người tiêu dùng bức xúc: “Cách đây khoảng 1 tuần, tôi có mua 1 hộp kít xét nghiệm Covid-19 trên mạng xã hội, vấn đề là thay vì lên 1 vạch hay 2 vạch thì kít xét nghiệm lại lên đến 3, 4 vạch, không biết đường nào mà lần nên lại phải chạy ra hiệu thuốc uy tín mua loại khác.

Hôm qua, tôi cũng ra hiệu thuốc đó, kít xét nghiệm Covid-19 từ 65.000 VNĐ nay “nhảy” lên 90.000 VNĐ mà dược sĩ còn bảo không có hàng bán”.

Một người dùng khác chia sẻ: “Không riêng kít xét nghiệm mà thuốc điều trị Covid-19 cũng có giá bán rất khác nhau, chênh lệch cao hơn nhiều so với công bố của Bộ Y tế. Vừa qua, cũng do tâm lý lo sợ, tôi cũng mua phải loại thuốc điều trị nhưng giá rất rẻ, mở hàng ra thì không thấy ghi thông tin gì nên chưa dám uống”.

Trước tình hình trên, giới chuyên gia khuyến cáo người dân không nên mua các sản phẩm phòng chống Covid-19 mà chưa xem xét kĩ để rồi gặp phải hàng trôi nổi. Người dân nên đến hiệu thuốc uy tín hoặc các tổ chức có website chính thống để mua hàng, tránh việc “mất tiền thật, nhận hàng giả”.

Về phía Quản lý thị trường Hà Nội cũng cho biết sẽ tiếp tục nắm bắt địa bàn, bám sát diễn biến dịch bệnh để kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.

Thanh Tùng

Nguồn: https://vietq.vn/Thu-doan-tinh-vi-cua-ba-chu-9x-buon-ban-hon-3000-hop-thuoc-dieu-tri-covid-19-dom-d197654.html