Lộ diện doanh nhân tiền ảo
Sau 1 tháng điều tra và theo dõi, ngày 22/6, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) đã bắt giữ một băng nhóm dàn cảnh để bắt cóc một gia đình doanh nhân, cướp tài sản ước tính lên đến 35 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Ngày Nay, nạn nhân của vụ việc lần này là một doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực tiền ảo, người đàn ông này có tên là Lê Đức Nguyên.
Lật lại lịch sử về tiền ảo, chúng tôi không khó để nhận ra cái tên Lê Đức Nguyên này bởi gắn liền với cái tên “thủ lĩnh” và các buổi thuyết trình của sàn tiền ảo Bitkingdom từ những năm 2016 – 2018. Điều mà sàn ảo này để lại cho người chơi tới thời điểm hiện tại là “sập sàn” và mang trong người một đống nợ nần.
Hồ Xuân Văn chia sẻ trong một sự kiện kêu gọi đầu tư tiền ảo dưới tư cách thủ lĩnh Bitkingdom.
Vào năm 2016, Lê Đức Nguyên cùng với những người khác nổi lên là vai trò thủ lĩnh, kêu gọi đầu tư vào sàn tiền ảo mang tên Bitkingdom với phương châm giúp thoát nghèo.
Trong số đó, một “cộng sự” của Nguyên có tên Hồ Xuân Văn (sinh năm 1988). Vào thời điểm năm 2018, Văn đã đính lùm xùm khi bị người dân mang băng rôn, khẩu ngữ kéo ra phố đi bộ Nguyễn Huệ “tố” chiếm đoạt 15.000 tỷ đồng bằng hình thức huy động vốn thông qua phát hành tiền ảo, khiến 32.000 người mất trắng từ iFan.
Thủ đoạn gom tiền người dùng tinh vi của Bitkingdom
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã khuyến cáo về những rủi ro lớn liên quan tới đồng tiền ảo Bitcoin, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư đã bất chấp giao dịch, từ đó mô hình mua bán tiền ảo xuất hiện ngày càng bùng nổ. Ở thời điểm năm 2016, các sàn tiền ảo mọc lên như nấm sau mưa, rồi Bitkingdom cũng từ đó xuất hiện với những cái tên mang vai trò thủ lĩnh, trong đó có Lê Đức Nguyên.
Mập mờ từ địa chỉ công ty cho tới lãnh đạo, không được Nhà nước công nhận, một website sơ sài, sàn giao dịch mang tầm “quốc tế” nhưng điều hành bởi người Việt Nam,… là những gì Bitkingdom sở hữu, điều này cũng chính là rủi ro mà các báo đài, các kênh truyền thông đã liên tục nói đến, kể cả Đài truyền hình Quốc gia VTV cũng từng cảnh báo vào thời điểm đó.
Một buổi hội thảo của về Bitkingdom
Tuy nhiên, mặc cho những rủi ro và nguy cơ tay trắng, các nhà đầu tư tay mơ vẫn cố đấm ăn xôi, tin vào những lời mời có cánh của các thủ lĩnh, để rồi đổ hết tiền của vào sàn ảo này với ước mơ đổi đời. Để tạo lòng tin, sàn ảo bắt đầu dùng những buổi thuyết trình, mời người nổi tiếng, tặng các chuyến du lịch cho các người bắt đầu tham gia.
“Chỉ cần đầu tư số vốn khoảng 10 triệu đồng, bạn sẽ có cơ hội kiếm được 100 tỷ sau 3 năm”, “Bitkingdom là một trung tâm cộng đồng toàn cầu… có sứ mệnh “Trao quyền cho Cộng đồng – Kết thúc nghèo” – những lời quảng cáo hết sức hấp dẫn của tổ chức Bitkingdom trên một số trang mạng xã hội gần đây. Thậm chí, thành viên của cộng đồng Bitkingdom tại Việt Nam còn nhiệt tình tư vấn, chỉ cần đổi tiền thật lấy tiền ảo, tham gia vào hệ thống sẽ có ngay lợi nhuận.
Không khác gì mô hình đa cấp Ponzi, Bitkingdom lợi dụng việc lôi kéo những người thiếu hiểu biết. Bằng việc chia phần trăm hoa hồng cho những thành viên mới tham gia và kêu gọi được người tham gia, sàn tiền ảo này ngày càng đông người chơi hơn.
“Khi đầu tư 10 triệu tương ứng 1 bitcoin, sẽ được lợi nhuận 1%/ ngày, 30%/ tháng, sau 30 ngày, bạn có thể rút cả gốc lẫn lãi về”. Với siêu lợi nhuận này, quả thật ngay cả những tỷ phú như Bill Gate, Jack Ma hay Robert Kiyosaki cũng phải chào thua.
Với các chiêu trò “bùa phép”, sàn tiền ảo này dần lôi kéo được hàng nghìn người đổ tiền tham gia với số tiền thật lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Với tham vọng sẽ đổi đời nhanh hơn nữa, người chơi bắt đầu cắm đất, bán nhà, vay mượn khắp nơi, tìm mọi cách đổ hết tiền vào để chờ ngày đồng ảo tăng giá.
Sàn sập, sập luôn giấc mơ đổi đời
Tới một thời điểm không còn người tham gia, số tiền người bỏ vào nhỏ hơn số tiền bán ra, sàn sẽ sập. Các sàn giao dịch lúc đó chỉ còn là một website bị lỗi và không thể phục hồi, số tiền trong đó hoàn toàn bị mất mà người chơi chẳng biết tìm ai để đòi.
Nói thì mơ hồ, nhưng thực tế máy chủ website đã chủ động đóng sàn, biến mất bí ẩn đối với số tiền mà nhiều người đã đầu tư, hậu quả chỉ để lại cho những người chơi nhẹ dạ cả tin, vỡ mộng màu hồng của mơ ước và tỉnh dậy với một khung cảnh nợ nần và tan cửa nát nhà, đúng nghĩa tiền mất tật mang.
Trao đổi với phóng viên, chị N.L. sống tại Hà Nội cho biết mình cũng là một nạn nhân của sàn tiền Bitkingdom. Theo lời kể, chị đã bị bạn bè lôi kéo vào sàn này với những lời có cánh rằng sẽ giàu to. Sau đó chị giấu chồng con, đổ hết tiền của vào chơi. Chưa được 1 năm thì sàn sập, không những trong tay không còn một đồng mà còn thêm một đống nợ, gia đình ly tán, chồng con không còn nhìn mặt, những khoản vay liên tục tìm đến và xiết nợ.
VTV1 từng cảnh báo rủi ro về sàn tiền ảo Bitkingdom
Ngoài ra, một nạn nhân khác của sàn Bitkingdom là anh Đ.N.T. (hiện sống tại TPHCM) cũng liên hệ với chúng tôi. Anh cho biết mình bị những người bạn bên ngoài dụ dỗ chơi sàn tiền ảo, rồi cắm đất, bán nhà để mua coin rồi chờ đồng này tăng giá.
“Ban đầu những thủ lĩnh làm hội nghị, cho mình đi du lịch nước ngoài và còn tặng rất nhiều quà và tiền mặt để làm tin cho những người mới tham gia” – Anh T. cho biết.
Tiếp lời, anh T. ngậm ngùi chia sẻ: “Đang ở đỉnh cao danh vọng thì sàn sập trong đêm, anh mất gần 3 tỷ tiền thật, giờ nhà cũng không có, phải ở trọ, đi làm công nhân để trả cả nợ lẫn lãi. Nhiều lúc muốn buông xuôi nhưng nghĩ tới vợ con nên phải cố gắng”.
Đó chỉ là một trong số hàng chục nghìn nạn nhân mà sàn Bitkingdom tạo ra, hậu quả để lại cực kỳ lớn. Các đống nợ khổng lợ là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội và khiến nền kinh tế Đất Nước tổn thất nghiêm trọng.
Cho tới thời điểm hiện tại, Bitkingdom biến mất, Lê Đức Nguyên như một “bóng ma” thoắt ẩn, thoắt hiện. Để tránh bị phát hiện, Nguyên không bao giờ ra mặt và dần lột xác trở thành một “doanh nhân” như ở thời điểm hiện tại.
Lợi dụng đa cấp, tiền ảo và sự tín nhiệm, “thủ lĩnh” của các nhóm này đã và đang khiến nhiều người phải gặp rủi ro về những sàn tiền ảo.