Phổ biến nhất là hành vi không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, lực lượng chức năng đã phát hiện ra nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, phổ biến nhất là hành vi không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Điển hình mới đây nhất của hành vi này là vụ việc đầu tháng 8/2023, Hải quan Tây Ninh phối hợp phát hiện lô hàng nhập khẩu gần 100 tấn hạt điều không đúng khai báo. Trong tờ khai ghi 100 tấn hạt điều thô chưa bóc vỏ, nhưng thực tế chỉ có 83.560 kg hạt điều thô chưa bóc vỏ, còn 15.300 kg hạt điều đã bóc vỏ chưa qua chế biến, trị giá trên 1,4 tỷ đồng.
Một số đối tượng gia cố hầm chứa, khoang chứa bên trong các phương tiện vận tải hàng hóa, trà trộn, cất giấu hàng lậu vào hàng hóa nhập khẩu chính ngạch để lọt qua sự kiểm soát của các lực lượng chức năng. Số khác lợi dụng thời tiết, địa hình trên các tuyến biên giới, tuyến biển, đường mòn, lối mở, sông, suối trên biên giới…, đối tượng thuê người dân ở khu vực biên giới vận chuyển trái phép hàng hóa; sử dụng trang thiết bị hiện đại hoặc trang bị vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng khi bị bắt giữ.
Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 |
Trên môi trường điện tử, hiện nay, nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm qua sàn thương mại điện tử, thông qua các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng.
Các đối tượng còn lợi dụng các chợ truyền thống, hộ kinh doanh để trà trộn, bày bán công khai cả hàng thật, hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng…
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng thành viên của Ban Chỉ đạo 389 đã bắt giữ xử lý tới 2.773 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Điểm đặc biệt trong một vài năm trở lại đây, thông qua các dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, hàng hóa quà biếu, hàng phi mậu dịch, các đối tượng cất giấu, ngụy trang, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu.
Cụ thể là nhiều đối tượng lợi dụng thực hiện nhiệm vụ trên các chuyến bay quốc tế để nhận, vận chuyển hàng cấm; thông qua hoạt động tạm nhập, tái xuất để vận chuyển hàng hóa có giá trị cao từ nước ngoài vào Việt Nam; lợi dụng thời gian chờ tái xuất hàng hóa đi nước thứ ba để tráo đổi các loại hàng hóa có giá trị thấp hơn nhằm trục lợi.
Đối với tình hình buôn lậu, gian lận thương mại ở khu vực biên giới trong năm 2023, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, thì việc vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới trong năm 2023 diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường.
Theo cơ quan Hải quan, các vụ việc vi phạm tập trung vào việc không khai báo hoặc khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa. Các đối tượng che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng, vận chuyển trái phép hàng cấm, ma túy, động vật hoang dã, tiền tệ qua biên giới, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan đã triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán…
Kết quả, tính đến thời điểm báo cáo là ngày 18/12/2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 14.600 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 11.520 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 474 tỷ đồng.
Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại
Trên cơ sở đánh giá thủ đoạn, phương thức hoạt động của các đối tượng vi phạm, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, kiến nghị xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tổng hợp phương thức, thủ đoạn mới, nhận diện những vấn đề phức tạp, nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo xử lý; đồng thời, tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố thực hiện Kế hoạch cao điểm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các đơn vị phải tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực của các cán bộ.
Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các lực lượng, nhất là trong việc trao đổi thông tin vừa đảm bảo kịp thời vừa đảm bảo bí mật./.