Giá cả thị trường, Thị trường và giá cả, Thông tin
Thị trường tuần qua: Tàu Cát Linh – Hà Đông đón khách, tiền đổ vào chứng khoán
Thị trường tuần qua: Tàu Cát Linh – Hà Đông đón khách, tiền đổ vào chứng khoán
(VTC News) – Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bắt đầu hoạt động sau 10 năm xây dựng, thanh khoản chứng khoán cao nhất lịch sử…là tin thị trường nổi bật tuần qua 29/10 – 6/11.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông bắt đầu đón khách
Sáng 6/11, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông bắt đầu đón khách, sau suốt một thập kỷ xây dựng. Trong 15 ngày đầu, Thành phố Hà Nội sẽ miễn phí vé tàu để người dân làm quen, trải nghiệm.
Hành khách có thể lựa chọn vé tháng, vé ngày và vé lượt. Vé lượt có giá tối thiểu là 7.000 đồng (di chuyển qua một ga) và tăng thêm 600 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá vé đi trọn tuyến (12 ga) là 15.000 đồng. Vé ngày giá 30.000 đồng, hành khách có thể di chuyển không giới hạn số lượt trong ngày.
Trong 6 tháng đầu, tàu Cát Linh – Hà Đông sẽ chạy theo tần suất từ thấp tới cao để vừa phù hợp với thông lệ chung và mức độ sử dụng dịch vụ của người dân. Các đoàn tàu khởi động từ 5h30, kết thúc lúc 23h hằng ngày, tần suất 10 phút/chuyến.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,05 km đi hoàn toàn trên cao, trên tuyến có 12 nhà ga. Điểm đầu và cuối tuyến ga Cát Linh (phố Cát Linh, quận Ba Đình) và ga Yên Nghĩa (bến xe Yên Nghĩa, quận Hà Đông).
52.000 tỷ đồng đổ vào một phiên chứng khoán
Phiên giao dịch ngày 3/11 ghi nhận tổng thanh khoản sàn TP.HCM và Hà Nội đạt hơn 52.000 tỷ đồng, tương đương hơn 2,2 tỷ USD, đánh dấu mức cao nhất trong hơn 21 năm hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Mức thanh khoản này đã xô đổ kỷ lục cũ 38.350 tỷ đồng từng được lập vào ngày 20/8.
Trong phiên, dòng tiền dịch chuyển mạnh từ nhóm bất động sản, xây dựng, đầu tư công sang ngân hàng với hàng loạt mã ngân hàng tăng trần. Tuy vậy, nhiều cảnh báo vẫn cho rằng nhà đầu tư cần cẩn trọng với nguy cơ đảo chiều của các mã ngân hàng. Cách đây chưa lâu, cổ phiếu nhà băng đã có phiên thăng hoa rực rỡ để rồi lại chìm xuồng ít tuần sau đó
Đúng như dự đoán này, phiên giao dịch 4/11 ngay sau đó chứng kiến sự đảo chiều chóng mặt của các mã ngân hàng khiến nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp.
Nhiều nhà đầu tư đua lệnh giá cao mua cổ phiếu ngân hàng trong phiên 3/11 đã chịu lỗ khi các mã chủ chốt nhóm này chìm trong sắc đỏ. Trong VN30, STB giảm 1,6%, CTG, VPB, ACB, TPB mất hơn 1%, MBB, TCB, VCB lùi dưới tham chiếu.
Đề xuất bay nội địa bình thường từ tháng 12/2021
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị tăng tần suất 3 đường bay trục Hà Nội – TP.HCM, Hà Nội – Đà Nẵng, Đà Nẵng – TP.HCM và bay bình thường từ tháng 12/2021.
Cụ thể, tăng tần suất 3 đường bay trục Hà Nội – TP.HCM, Hà Nội – Đà Nẵng và Đà Nẵng – TP.HCM lên tổng số không quá 19 chuyến khứ hồi/ngày trong tháng 11 (tương đương 30% tổng tần suất giai đoạn tháng 4).
Dự kiến, Vietnam Airlines bay 6 chuyến/ngày, Vietjet Air: 6 chuyến/ngày, Bamboo Airways: 3 chuyến/ngày, Pacific Airlines: 3 chuyến/ngày và Vietravel Airlines: 1 chuyến/ngày).
Với các đường bay khác, cơ quan này đề nghị tăng tần suất lên 9 chuyến/ngày (dự kiến Vietnam Airlines: 2 chuyến/ngày, Vietjet Air: 2 chuyến/ngày, Bamboo Airways: 2 chuyến/ngày, Pacific Airlines: 2 chuyến/ngày và Vietravel Airlines: 1 chuyến/ngày).
Cục Hàng không đề nghị bay nội địa bình thường từ tháng 12/2021.
Vietnam Airlines sắp bay thẳng Mỹ
Theo đại diện Vietnam Airlines (VNA), Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) đã xác nhận VNA đáp ứng toàn bộ yêu cầu về bảo đảm an ninh để khai thác đường bay thẳng thương mại thường lệ đến Mỹ. Theo kế hoạch được hãng đặt ra, chuyến bay lịch sử dự kiến cất cánh vào cuối tháng 11 năm nay.
Như vậy, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên nhận được sự chấp thuận của TSA để thực hiện các chuyến bay thẳng thương mại thường lệ đến Mỹ.
Đây là một trong những điều kiện phức tạp và quan trọng nhất mà hãng hàng không nước ngoài cần đạt được để Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp phép bay thường lệ đến quốc gia này.
Một số doanh nghiệp công bố lãi lớn
Mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn công bố lãi lớn trong báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2021.
Điển hình, Công ty FPT Retail đạt doanh thu thuần gần 5.000 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ và là mức doanh thu cao kỷ lục trong một quý. Lợi nhuận gộp theo đó tăng tương ứng lên 695 tỷ đồng. Lãi sau thuế của công ty này là hơn 47 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với con số lỗ gần 7 tỷ của cùng kỳ năm ngoái.
Hay như khoản lợi nhuận trước thuế quý III năm nay của ngân hàng Vietcombank đạt 4.599 tỷ đồng, tăng 16% so với quý liền trước và cao hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020. Thu nhập lãi thuần nhà băng này ghi nhận được trong quý III đạt 10.428 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (Novaland) cũng công bố doanh thu quý III 3.265 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước.
Ô tô điện được miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm
Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường… đồng thuận đề xuất không thu lệ phí trước bạ với ô tô điện chạy pin.
Theo lý giải của các bộ, ô tô điện ở Việt Nam đang trong giai đoạn đầu, chưa phát triển mạnh nên cần khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và người dân dùng loại xe này để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị miễn 3 năm đầu lệ phí trước bạ, giảm 30% cho ba năm tiếp theo. Lộ trình này có thể thay đổi hoặc điều chỉnh phù hợp với điều hành ngân sách quốc gia.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, Bộ Tài chính cho biết đã hoàn thiện dự thảo nghị định theo hướng mức lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô điện là 0% trong 3 năm từ khi nghị định có hiệu lực. Mức thu trong hai năm tiếp theo là 50% so với ô tô chạy xăng, dầu cùng loại.
Lâm Đồng quyết dừng dự án Ruby Madagui
UBND tỉnh Lâm Đồng không chấp thuận tiếp tục triển khai dự án Khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng cao cấp Ruby Madagui (dự án Ruby Madagui) của Công ty bất động sản Ruby (trụ sở tại quận 12, TP.HCM).
Dự án Ruby Madagui có vốn đầu tư 99 tỷ đồng trên diện tích 9,37 ha tại thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Kế hoạch – Đầu tư thực hiện các thủ tục để ngừng hoạt động của dự án Ruby Madagui theo quy định. Trường hợp Công ty Ruby không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động thì thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án theo Luật Đầu tư 2020.
Giá xăng, dầu sẽ được điều chỉnh 10 ngày/lần
Từ ngày 2/1/2022, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước mỗi tháng điều chỉnh ba lần, tức 10 ngày một lần thay vì 15 ngày như hiện nay.
Thay đổi này được nêu tại Nghị định 95/2021, sửa đổi bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu vừa được Chính phủ ban hành ngày 1/11.
Theo đó, thời gian điều hành giá xăng dầu tăng lên 3 lần/tháng (ngày 1, ngày 11 và 21 hàng tháng). Các kỳ điều hành trùng ngày nghỉ, ngày lễ thì thời gian điều chỉnh giá lùi sang ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.
VinFast nhận ưu đãi thuế “khủng” tại Mỹ
VinFast nhận được khoản ưu đãi thuế 20,5 triệu USD khi thiết lập trụ sở của chi nhánh Mỹ tại bang California, đồng thời cam kết đầu tư hơn 200 triệu USD trong giai đoạn đầu và tạo ra ít nhất 1.065 việc làm toàn thời gian tại địa phương.
Được biết, khoản ưu đãi thuế có tổng trị giá 150 triệu USD nhằm mục đích tạo ra hơn 7.600 việc làm toàn thời gian nằm trong Chương trình Ưu đãi thuế California Competes (CalCompetes), hứa hẹn thu hút đầu tư lên tới hơn 1,2 tỷ USD trên toàn bang trong 5 năm tới.
Sắp tới, VinFast cũng là hãng xe điện duy nhất của Việt Nam tham dự triển lãm Los Angeles Auto Show 2021, được tổ chức ở thành phố Los Angeles (bang California) từ ngày 19-28/11/2021. Hai mẫu xe điện VinFast giới thiệu tại sự kiện này là VF e35 và VF e36, được hãng định vị thuộc dòng xe SUV phân khúc D và E.
Tại triển lãm, VinFast sẽ công bố ra mắt thương hiệu xe điện thông minh toàn cầu với hệ sinh thái giao thông toàn diện, thân thiện với môi trường, dựa trên công nghệ thông minh được nghiên cứu và phát triển bởi hệ sinh thái công nghệ Vingroup.
TP.HCM muốn đón khách quốc tế từ tháng 12/2021
Theo đó, ngành du lịch TP.HCM dự kiến chia làm 3 giai đoạn đón khách quốc tế trở lại. Giai đoạn 1 ngay từ tháng 12/2021 thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, khép kín thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế, qua phương tiện du lịch đường thủy tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại TP.HCM. Doanh nghiệp lữ hành được phép hoạt động phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Giai đoạn 2 từ tháng 1/2022 sẽ mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, cho phép tất cả doanh nghiệp lữ hành quốc tế đủ điều kiện theo quy định được phép phục vụ khách du lịch quốc tế đến TP.HCM thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ, thông qua các phương tiện du lịch đường thủy.
Giai đoạn 3 sẽ mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.
Như vậy, TP.HCM đã xin xúc tiến nhanh việc đón khách quốc tế ngay trong năm nay, thay vì từ đầu năm 2022 như kế hoạch trước đó.
CÔNG HIẾU
Nguồn: https://vtc.vn/thi-truong-tuan-qua-tau-cat-linh-ha-dong-don-khach-tien-do-vao-chung-khoan-ar644969.html |