Giá cả thị trường, Thị trường và giá cả, Thông tin
Thị trường ngày 25/7: Giá vàng vượt 1.900 USD/ounce, dầu tăng trở lại, bạc tăng mạnh nhất 33 năm
Thị trường ngày 25/7: Giá vàng vượt 1.900 USD/ounce, dầu tăng trở lại, bạc tăng mạnh nhất 33 năm
Minh Quân |
(Tổ Quốc) – Giá vàng đã vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce lần đầu tiên kể từ năm 2011, do quan hệ Mỹ – Trung ngày càng trở nên tồi tệ, làm gia tăng mối lo ngại về nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng từ đại dịch virus corona.
Chốt phiên giao dịch ngày 24/7, giá dầu và khí tự nhiên tại Mỹ tăng, vàng vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce, giá bạc có tuần tăng mạnh nhất 33 năm, trong khi giá quặng sắt, thép, đồng và đường đồng loạt giảm.
Giá dầu tăng trở lại
Số liệu kinh tế lạc quan ở hầu hết các nước, cụ thể nền kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng 2,2% trong năm nay, sản xuất của Đức duy trì vững, hoạt động kinh doanh khu vực euro zone hồi phục trở lại và hoạt động kinh doanh tại Mỹ cao nhất 6 tháng trong tháng 7/2020, thúc đẩy giá dầu tăng. Song căng thẳng giữa Mỹ – Trung Quốc đã hạn chế đà tăng.
Chốt phiên giao dịch ngày 24/7, dầu thô Brent tăng 3 US cent lên 43,34 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 22 US cent lên 41,29 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 0,5% và dầu thô Mỹ tăng 1,7%.
Giá dầu tăng được hỗ trợ bởi hoạt động kinh doanh khu vực Euro zone trong tháng 7/2020 tăng – lần đầu tiên kể từ đại dịch virus corona bùng phát, chỉ số quản lý sức mua (PMI) của HIS Markit cho biết. Chỉ số này được coi là chỉ số tốt đo sức khỏe nền kinh tế của khối. Đồng thời, hoạt động kinh doanh tại Mỹ tăng lên mức cao nhất 6 tháng trong tháng 7/2020.
Ngoài ra, giá dầu tăng do số giàn khoan dầu và khí của Mỹ – chỉ số về sản lượng trong tương lai – giảm xuống mức thấp kỷ lục (251) trong tuần tính đến ngày 24/7/2020, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co BKR.N cho biết.
Tuy nhiên, mức tăng giá dầu bị hạn chế bởi Trung Quốc yêu cầu Mỹ đóng cửa lãnh sự quán tại thành phố Thành Đô, đáp trả yêu cầu của Mỹ đóng cửa lãnh sự quán tại Houston. Căng thẳng giữa 2 nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới tăng làm dấy lên mối lo ngại về nhu cầu nhiên liệu.
Giá khí tự nhiên cao nhất 2 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng lên mức cao nhất 2 tuần do xuất khẩu tăng, dự báo thời tiết nóng hơn và nhu cầu điều hòa nhiệt độ trong 2 tuần tới cao hơn so với dự kiến.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn New York tăng 2,3 US cent tương đương 1,3% lên 1,808 USD/mmBTU, cao nhất kể từ ngày 8/7/2020. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên tăng 5% sau khi giảm gần 5% trong tuần trước đó.
Refinitiv dự báo nhu cầu của Mỹ bao gồm xuất khẩu sẽ giảm từ 92,7 tỉ feet khối (bcfd) trong tuần này xuống 91,4 bcfd trong tuần tới, trước khi tăng lên 93,4 bcfd trong 2 tuần tới do thời tiết nóng trở lại.
Giá vàng vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce, giá bạc có tuần tăng mạnh nhất 33 năm
Giá vàng đã vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce – lần đầu tiên kể từ năm 2011, do quan hệ Mỹ – Trung ngày càng trở nên tồi tệ, làm gia tăng mối lo ngại về nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng từ đại dịch virus corona.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,7% lên 1.899,68 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2011 (1.905,99 USD/ounce). Tính chung cả tuần, giá vàng tăng 5% – tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 27/3/2020. Vàng kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn New York tăng 0,4% lên 1.897,5 USD/ounce.
Trong khi đó, giá bạc giảm 0,2% xuống 22,67 USD/ounce, song tính chung cả tuần tăng hơn 17% – tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 1987, được thúc đẩy bởi kỳ vọng hoạt động công nghiệp hồi phục trở lại.
Giá đồng giảm
Giá đồng có tuần giảm đầu tiên kể từ giữa tháng 5/2020, song dự báo nhu cầu hồi phục và tồn trữ ở mức thấp đã hạn chế đà suy giảm.
Giá đồng trên sàn London giảm 2% xuống 6.413 USD/tấn, song vẫn gần mức cao nhất 2 năm (6.633 USD/tấn) trong ngày 13/7/2020. Tính chung cả tuần, giá đồng giảm 0,5%.
Giá đồng tăng trở lại từ mức 4.371 USD/tấn trong tháng 3/2020, khi Trung Quốc – nước tiêu thụ lớn nhất – kiểm soát được virus corona bùng phát, mở lại ngành công nghiệp và khởi động các dự án cơ sở hạ tầng.
Tồn trữ đồng tại Thượng Hải giảm 963 tấn xuống 157.684 tấn trong tuần.
Giá quặng sắt và thép giảm
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm mạnh 3,6%, giảm phiên thứ 2 liên tiếp do nhu cầu sản phẩm thép trong tuần này giảm.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên giảm 2,1% xuống 828 CNY (117,93 USD)/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá quặng sắt tăng 0,2%. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc giảm 0,5 USD xuống 113 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2020 giảm 1,1% xuống 3.747 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 1,1% xuống 3.767 CNY/tấn. Trong khi đó, giá thép không gỉ tăng 2,1% lên 13.690 CNY/tấn.
Nhu cầu sản phẩm thép của Trung Quốc trong tuần này giảm 1,3% so với tuần trước đó, Reuters tính toán dựa vào số liệu sản lượng và tồn trữ thép của công ty tư vấn Mysteel cho biết.
Tổng tồn trữ 5 sản phẩm thép chủ yếu trong tuần tính đến ngày 22/7/2020 đạt 22 triệu tấn, tăng 1,7% so với tuần trước đó – tuần tăng thứ 5 liên tiếp. Tồn trữ thép cây trong 5 tuần qua tăng 13% do nhu cầu giảm bởi hoạt động xây dựng chậm lại vì lũ lụt và nắng nóng.
Giá đường giảm hơn 2%
Giá đường giảm hơn 2% do sản lượng của Brazil trong tháng 7/2020 tăng 55%.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn ICE giảm 0,28 US cent tương đương 2,4% xuống 11,49 US cent/lb, sau khi tăng 1,6% trong phiên trước đó.
Đồng thời, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 6,7 USD tương đương 1,9% xuống 350,3 USD/tấn.
Giá cà phê tăng
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn ICE tăng 0,9 US cent tương đương 0,8% lên 1,084 USD/lb.
Đồng thời, giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 8 USD tương đương 0,6% lên 1.358 USD/tấn.
Giá đậu tương và ngô giảm, lúa mì tăng
Giá đậu tương tại Chicago giảm, do căng thẳng chính trị giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới lấn át lạc quan về hoạt động mua nông sản Mỹ của Trung Quốc.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 8/2020 giảm 3/4 US cent xuống 8,99-1/4 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 1/2 US cent xuống 3,35 USD/bushel, trong khi giá lúa mì kỳ hạn tháng 9/2020 tăng 10 US cent lên 5,39-1/2 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá ngô giảm 1,4% – tuần giảm thứ 3 liên tiếp, trong khi giá đậu tương tăng 5% và giá lúa mì tăng 9% – tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Giá dầu cọ cao nhất hơn 5 tháng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng lên mức cao nhất hơn 5 tháng, được thúc đẩy bởi dự kiến sản lượng giảm do mưa lớn, trong khi giá dầu thực vật khác tăng đã hỗ trợ thị trường.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 1,18% lên 2.740 ringgit (643,19 USD)/tấn, trong đầu phiên giao dịch giá dầu cọ tăng 1,5% – tăng phiên thứ 3 liên tiếp và có tuần tăng.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 25/7
Theo ttvn.toquoc.vn