Thị trường ngày 22/10: Giá dầu, vàng, đồng, sắt thép, nông sản đồng loạt lao dốc

Thị trường ngày 22/10: Giá dầu, vàng, đồng, sắt thép, nông sản đồng loạt lao dốc

Minh Quân | 

(Tổ Quốc) – Giá các hàng hóa nguyên liệu, từ nguyên liệu công nghiệp đến nông sản đều đồng loạt giảm vào lúc kết thúc phiên 21/10 sau những giờ giao dịch đầy biến động. Đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng là một tronng những nguyên nhân dẫn tới xu hướng này.

Dầu giảm khỏi mức cao kỷ lục nhiều năm do dự báo mùa đông năm nay ở Mỹ không quá khắc nghiệt

Giá dầu giảm lúc kết thúc phiên vừa qua do dự báo mùa đông ở Mỹ năm nay sẽ ấm áp. Điều đó đã hạn chế đà tăng của giá dầu – mặt hàng đã tăng giá lên mức cao nhất trong vòng 3 năm, đạt trên 86 USD/thùng lúc đầu phiên, do nguồn cung trên toàn cầu thắt chặt.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ công bố sáng thứ Năm (21/10), thời tiết mùa đông ở phần lớn nước Mỹ dự kiến sẽ ấm hơn mức trung bình.

Bob Yawger, Giám đốc phụ trách về triển vọng năng lượng của Mizuho, cho biết: “Báo cáo cho thấy điều kiện khô hơn và ấm hơn trên khắp miền nam và miền đông nước Mỹ đang gây áp lực lên giá năng lượng”.

Kết thúc phiên này giá dầu thô Brent giảm 1,21 USD xuống 84,61 USD, trong phiên có lúc đạt 86,10 USD, cao nhất kể từ tháng 10 năm 2018. Dầu thô Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 92 cent xuống 82,50 USD.

Vàng giảm khi lợi tức trái phiếu Mỹ tăng

Giá vàng trải qua một phiên giao dịch nhiều biến động,  kết thúc phiên giảm do chịu áp lực bởi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, mặc dù vẫn còn đó lo ngại về lạm phát gia tăng và lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc gặp khó.

Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.780,61 USD/ounce; vàng giao tháng 12 giảm 0,2% xuống 1.781,9 USD/ounce.

Phillip Streible, chiến lược gia trưởng về thị trường thuộc công ty Blue Line cho biết: “Fed sẽ giảm dần kích thích kinh tế và lợi suất trái phiếu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại, vì vậy không có lý do gì để mọi người gửi tiền của họ vào một tài sản an toàn không mang lại lợi nhuận như vàng”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất 5 tháng khi nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng làm dấy lên câu hỏi về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang (Fes) sẽ tăng lãi suất.

Đồng giảm do lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc

Giá đồng giảm hơn 3% trong phiên vừa qua do thị trường tập trung sự chú ý vào nguy cơ nhu cầu sẽ giảm sút ở Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.

Các kim loại công nghiệp khác cũng giảm theo giá đồng, với nickel, nhôm và kẽm đều giảm khoảng 5%.

Kết thúc phiên này, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn LME giảm 3,3% xuống 9.852 USD/tấn, mức cộng giá hợp đồng giao ngay so với kỳ hạn 3 tháng giảm còn 211 USD/tấn.

Lượng đồng lưu trữ trong các kho của sàn London hiện ở mức 18.250 tấn, vẫn gần mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Lúa mì, đậu tương giảm

Giá đậu tương kỳ hạn tương lai trên sàn Chicago giảm trong phiên vừa qua do áp lực bán mang tính kỹ thuật và dự báo thời tiết sẽ có mưa ở Brazil – đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ và là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới trên thị trường đậu tương.

Lúa mì phiên này cũng giảm từ mức cao nhất trong hai tuần do giá dầu thô giảm và đồng đô la Mỹ mạnh lên, bù đắp cho nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.

Giá ngô kỳ hạn tham chiếu trên sàn Chicago giảm 21-1/4 cent xuống 12,24-1/4 USD/bushel; lúa mì phiên này giảm 8-1/4 cent xuống 7,41 USD sau khi chạm 7,52-1/2 lúc giao dịch qua đêm trước, mức cao nhất kể từ ngày 7 tháng 10.

Đường giảm phiên thứ 4

Giá đường thô giảm phiên thứ 4 liên tiếp do các nhà đầu tư tiếp tục cắt giảm vị thế mua đối với mặt hàng này.

Đường thô kỳ hạn tháng 3 kết thúc phiên giảm 0,03 cent, tương đương 0,2%, xuống 18,94 cent/lb, phiên giảm thứ tư liên tiếp.

Đường trắng giao tháng 12 giảm 1,40 USD, tương đương 0,3%, xuống 500,80 USD/tấn.

Cà phê giảm

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 2,25 US cent, tương đương 1,1%, xuống 2,033 USD/lb.

Các khu vực trồng cà phê của nhà sản xuất hàng đầu thế giới – Brazil -dự kiến sẽ tiếp tục hưởng lợi bởi thời tiết có mưa và nắng xen kẽ trong 2 tuần tới. Tuy nhiên, giá arabica vẫn tăng do cước vận chuyển trên toàn cầu cao kỷ lục, cản trở giá giảm.

Cà phê robusta giao tháng 1 phiên này tăng 4 USD, tương đương 0,2% lên 2.135 USD/tấn.

Tại Châu Á, giá cà phê robusta trên thị trường nội địa nội địa tại Việt Nam ổn định trong tuần này do cung và cầu đều giảm, trong bối cảnh các thương nhân theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và các chính sách phòng ngừa COVID-19 trước mùa thu hoạch chính, sẽ bắt đầu vào tháng tới.

Sắt thép giảm, trừ thép không gỉ

Giá kim loại đen tại Trung Quốc hầu hết lao dốc, với than luyện cốc, than cốc và thép cây đều giảm xuống mức giới hạn giao dịch hàng ngày do giá than giảm và tiêu thụ thép đình trệ.

Giá quặng trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) giảm mạnh 8,7% xuống 651 CNY/tấn; thép cây trên sàn Thượng Hải giảm 8% xuống 4.976 CNY/phiên; thép cuộn cán nóng giảm 6,2% xuống 5.268 CNY/tấn.

Dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel cho thấy mức tiêu thụ 5 sản phẩm thép chính ở Trung Quốc, bao gồm thép cây và thép cuộn cán nóng, đã giảm 7,5% xuống 9,26 triệu tấn vào thứ Năm (21/10)so với một tuần trước đó.

Riêng thép không gỉ kỳ hạn tương lai tăng trong phiên này, kết thúc 3 phiên giảm trước đó, do giá nickel tưng vọt, mặc dù các nhà phân tích cảnh báo rằng tiêu thụ ở các lĩnh vực hạ nguồn của Trung Quốc vẫn chậm chạp.

Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 11 trên sàn Thượng Hải tăng 1,1% lên 20.470 CNY/tấn. Đầu phiên, có lúc giá tăng 5,1% lên 21.280 CNY.

Dầu cọ tăng tiếp lên cao kỷ lục

Giá dầu cọ Malaysia kỳ hạn tương lai tăng phiên thứ 2 liên tiếp, lên mức cao kỷ lục do nhu cầu dầu ăn trên toàn cầu hồi phục và lo ngại nguồn cung bị thắt chặt.

Hợp đồng dầu cọ tham chiếu, giao tháng 1, trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa của Malaysia cuối ngày tăng 94 ringgit, tương đương 1,85%, lên 5.165 ringgit (1.242,48 USD)/tấn, trong phiên có lúc đạt mức kỷ lục cao, 5.220 ringgit/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 22/10: