Giá cả thị trường, Thị trường và giá cả, Thông tin
Thị trường ngày 21/4: Giá dầu tăng nhẹ, kim loại công nghiệp, quặng sắt giảm, đường thấp nhất hai tuần
Thị trường ngày 21/4: Giá dầu tăng nhẹ, kim loại công nghiệp, quặng sắt giảm, đường thấp nhất hai tuần
Minh Quân |
(Tổ Quốc) – Chốt phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu tăng nhẹ, vàng diễn biến trái chiều, kim loại công nghiệp, quặng sắt, cao su, đường sụt giảm, trong khi giá ngô, đậu tương tăng.
Dầu tăng nhẹ
Giá dầu đóng cửa phiên gần như không đổi do lo ngại về tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu trì trệ nhưng đối mặt với nguồn cung lại đang thắt chặt.
Chốt phiên 20/4, dầu thô Brent tăng 45 US cent hay 0,4% lên 106,8 USD/thùng. Dầu WTI giao tháng 5, hết hạn trong phiên này tăng 19 US cent lên 102,75 USD.
Giá dầu được hỗ trợ bởi triển vọng nguồn cung thắt chặt sau các lệnh trừng phạt chống lại Nga – nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới và là một nhà cung cấp quan trọng của Châu Âu.
Thị trường cũng được hỗ trợ bởi một báo cáo của Cơ quan Thông Tin Năng lượng Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 8 triệu thùng trong tuần trước do xuất khẩu tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn hai năm.
Tuy nhiên, cả hai loại dầu trên đã giảm khoảng 5% trong phiên trước đó, sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu gần 1 điểm phần trăm.
Việc tiếp tục phong tỏa ở Trung Quốc do Covid cũng gây thiệt hại cho nhu cầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới này và gây áp lực lên giá.
Ủy ban Châu Âu đang làm việc để tăng cường các nguồn cung cấp năng lượng thay thế sẵn có nhằm giảm ảnh hưởng của lệnh cấm dầu mỏ Nga và thuyết phục Đức cùng các quốc gia EU chấp thuận biện pháp này.
Trong khi đó, nhiều đợt ngừng hoạt động đã bổ sung lo ngại về nguồn cung. Libya thành viên của OPEC đã buộc phải dừng sản xuất 550.000 thùng/ngày vì một làn sóng phong tỏa các mỏ dầu lớn và kho cảng xuất khẩu.
Tổ chức OPEC trong tháng 3 đã sản xuất dầu ít hơn mục tiêu 1,45 triệu thùng/ngày do sản lượng của Nga bắt đầu sụt giảm sau khi các nước Phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt.
Vàng trái chiều
Giá vàng giao ngay tăng do USD thoái lui cũng như lo lắng về lạm phát và tăng trưởng kinh tế chậm lại bởi xung đột ở Ukraine, trong khi Mỹ dự kiến tăng lãi suất đã hạn chế đà tăng.
Vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.952,09 USD/ounce, khôi phục từ mức thấp nhất gần hai tuần trước đó. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa giảm 0,2% xuống 1.955,6 USD/ounce.
Ngày 20/4, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang San Francisco bà Mary Daly cho biết dự kiến lạm phát sẽ bắt đầu giảm và ở mức mục tiêu 2% của Fed trong 5 năm. Vàng diễn biến khá tốt tăng khoảng 7% trong năm nay bất chấp lợi suất thực tăng và USD mạnh lên.
Lo ngại về tăng trưởng và lạm phát được gia tăng bởi xung đột ở Ukraine kết hợp với biến động trong thị trường chứng khoán và trái phiếu, khiến các nhà đầu tư ngày càng tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn.
Các kim loại công nghiệp thoái lui
Giá các kim loại công nghiệp giảm sau khi Trung Quốc tiếp tục phong tỏa có thể làm giảm nhu cầu, trong khi dự trữ đồng tăng.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,9% xuống 10.209 USD/tấn, trong khi kẽm giảm 1,9% xuống 4.415 USD/tấn.
Lo ngại về nhu cầu kim loại công nghiệp do chính sách tiếp cận zero Covid của Trung Quốc cung như nhận ra rằng chi phí đang tăng phải có ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Đồng sử dụng trong ngành điện và xây dựng, được xem như một thước đo sức khỏe nền kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc bất ngờ giữ lãi suất cho vay ổn định, trong khi ngân hàng trung ương Trung Quốc kêu gọi các tổ chức tăng cường hỗ trợ cho các lĩnh vực dịch vụ và các công ty nhỏ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng Covid-19.
Sản lượng nhôm toàn cầu trong tháng 3 giảm 1,55% so với năm trước, xuống 5,693 triệu tấn, theo Viện Nhôm Quốc tế.
Dự trữ đồng của sàn LME tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2021, tăng 12.275 tấn lên 128.775 tấn. Trong 4 tuần qua dự trữ này tăng 60%.
Quặng sắt giảm
Giá quặng sắt giảm do lo lắng về nhu cầu thành phần sản xuất thép này tại Trung Quốc bất chấp các báo cáo hạn chế Covid-19 đang được nới lỏng tại một số khu vực ở quốc gia này.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 1,8% xuống 898 CNY (140,07 USD)/tấn.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 5 tại Singapore trong phiên cũng biến động giữa tăng và giảm.
Trong ngày 20/4, Trung Quốc bất ngờ giữ ổn định lãi suất cho vay, do cách tiếp cận thận trọng của Bắc Kinh nhằm tung thêm các biện pháp nới lỏng khi nền kinh tế này chậm lại bởi phong tỏa vì Covid.
Tuy nhiên, tâm lý chung vẫn còn yếu do Trung Quốc đã tuyên bố sẽ giảm sản lượng thép trong năm nay so với năm 2021. Sản lượng năm ngoái thấp hơn so với năm 2020, phù hợp với mục tiêu giảm khí thải carbon.
Một số quận tại thành phố Đường Sơn – trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc – đã lại bị phong tỏa trong 3 ngày từ ngày 19/4.
Thép thanh tại Thượng Hải tăng 0,8%, thép cuộn cán nóng tăng 0,4%. Thép không gỉ giảm 1,7%.
Cao su Nhật Bản giảm
Giá cao su Nhật Bản giảm sau khi số liệu thương mại trong nước yếu kém gây lo lắng về tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và do tình trạng Covid-19 tại Thượng Hải tiếp tục gây sức ép lên tâm lý.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 4,3 JPY hay 1,6% xuống 260,8 JPY (2,03 USD), đánh dấu mức giảm theo phần trăm một ngày lớn nhất kể từ ngày 7/4.
Nhật Bản đã ghi nhận thâm hụt thương mại trong tháng 3, cao hơn 4 lần so với các dự báo của thị trường, do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh trong khi giá năng lượng tăng cao làm tăng chi phí nhập khẩu, bổ sung những thách thức cho nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Ukraine.
Giá cao su ở Thượng Hải giao tháng 9 giảm 115 CNY xuống 13.400 CNY (2.090,48 USD)/tấn, giảm một ngày mạnh nhất tính theo phần trăm kể từ ngày 7/4.
Giá đường thấp nhất hai tuần
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 0,12 US cent hay 0,6% xuống 19,62 US cent/lb sau khi giảm xuống mức thấp nhất hai tuần tại 19,61 US cent.
Các đại lý cho biết triển vọng xuất khẩu từ Ấn Độ đang cải thiện gây sức ép lên thị trường này trong khi biểu đồ giá cũng cho thấy xu hướng giảm.
Đồng real của Brazil tăng gần 1% so với USD, đã bổ sung thêm yếu tố giảm giá.
Diện tích trồng mía tại Brazil giảm 300.000 ha trong niên vụ này theo cơ quan Conab.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 1 USD hay 0,2% xuống 537 USD/tấn.
Cà phê trái chiều
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 2,25 US cent hay 1% xuống 2,1945 USD/lb, mất ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng 2,2 USD.
Các thương nhân vẫn đang tiếp nhận tin dự trữ cà phê của Mỹ tăng trong tuần này, tăng lần đầu tiên trong 6 tháng tại nước tiêu thụ lớn nhất thế giới này.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 tăng 0,1% lên 2.090 USD/tấn.
Ngô, đậu tương tăng, lúa mì giảm
Giá ngô trên sàn giao dịch Chicago gần mức cao nhất trong 10 năm do thời tiết lạnh, ẩm gây lo ngại về việc gieo trồng chậm tại vùng Midwest của Mỹ.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 10-1/4 US cent lên 8,1 USD/bushel.
Đậu tương đóng cửa cũng tăng do lạc quan về nhu cầu xuất khẩu của Mỹ.
Giá đậu tương giao tháng 7 trên sàn giao dịch CBOT đóng cửa tăng 25-1/4 US cent lên 17,17 USD/bushel và đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 24/2. Dầu đậu tương cùng kỳ hạn chốt phiên tăng 0,55 US cent/lb và đã thiết lập một mức cao tại 79,26 US cent trong phiên này.
Trung Quốc nhà nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới đã giảm mua của Mỹ trong tháng 3 so với một năm trước. Sản lượng đậu tương của Trung Quốc có thể tăng 25,8% trong năm 2022, theo quan chức Bộ Nông nghiệp.
Lúa mì giảm do chốt lời và việc bán ra kỹ thuật, một ngày sau khi hợp đồng kỳ hạn tháng 7 thiết lập mức đỉnh trong 6 tuần.
Lúa mì đỏ mềm vụ đông kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 11-1/2 US cent xuống 10,97-1/2 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 21/4