Giá cả thị trường, Thị trường và giá cả, Thông tin
Thị trường ngày 21/10: Giá dầu, vàng, đồng, sắt thép… tăng mạnh, riêng than giảm
Thị trường ngày 21/10: Giá dầu, vàng, đồng, sắt thép… tăng mạnh, riêng than giảm
Minh Quân |
(Tổ Quốc) – Thị trường hàng hóa nguyên liệu kết thúc phiên 20/10 với việc giá dầu hồi phục, vàng tăng mạnh; kim loại công nghiệp như đồng, thép tăng; nông sản như ngũ cốc, dầu cọ, cao su… nhất loạt hướng lên.
Dầu hồi phục do dự trữ của Mỹ giảm
Giá dầu tăng trong phiên vừa qua do dữ liệu cho thấy lượng dầu tồn trữ trong kho lớn nhất của Mỹ chạm mức thấp nhất 3 năm và tồn trữ nhiên liệu trên toàn nước Mỹ giảm mạnh, tín hiệu cho thấy nhu cầu tăng.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent tăng 0,9%, hay 74 US cent, lên 85,82 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018. Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 11, đáo hạn vào ngày 20/11, tăng 91 US cent (1,1%) lên 83,87 USD/thùng; dầu WTI kỳ hạn tháng 12 – hiện đang giao dịch nhiều nhất – tăng 98 cent lên 83,42 USD/thùng.
Trên toàn cầu, các nhà máy lọc dầu đã và đang tăng sản lượng nhờ tỷ suất lợi nhuận cao. Tỷ suất lợi nhuận của ngành lúc này chỉ bị hạn chế do hoạt động bảo trì. Tỷ lệ sử dụng công suất lọc dầu của Mỹ đã giảm trong tuần gần đây nhất, nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng nguồn cung có thể tiếp tục thắt chặt nếu các nhà máy lọc dầu của Mỹ cũng bắt đầu tăng hoạt động trở lại.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu thô của nước này giảm 431.000 thùng trong tuần gần đây, trái với dự đoán tăng, và dự trữ xăng giảm hơn 5 triệu thùng do các nhà máy lọc dầu cắt giảm công suất chế biến do bảo trì. Dự trữ tại trung tâm giao hàng Cushing, Oklahoma, đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018.
Vàng tăng vọt do USD yếu đi
Giá vàng tăng khá mạnh do gia tăng lo sợ về lạm phát và các vấn đề trong chuỗi cung ứng, thu hút nhà đầu tư đến với tài sản trú ẩn an toàn.
Giá vàng giao ngay cuối phiên này tăng 0,9% lên 1.785,25 USD/ounce. Tương tự, vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,8% lên 1.784,90 USD/ounce.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao thuộc RJO Futures, cho biết: “Có một mối quan ngại trên toàn cầu về những gì đang diễn ra, với sự suy giảm nguồn cung và thiếu hành động từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ”.
Ông Haberkorn nói thêm: “Với các vấn đề về chuỗi cung ứng và lạm phát, làm thế nào để chứng khoán tiếp tục đạt mức cao mới? Trong vài tháng tới sẽ có sự chuyển dịch dòng tiền đến nơi an toàn là vàng”.
Thống đốc Fed Christopher, ông Waller, hôm thứ Ba (19/10) cho biết nếu lạm phát tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại trong vài tháng tới, các nhà hoạch định chính sách có thể cần phải áp dụng “một phản ứng chính sách tích cực hơn” trong năm tới.
Đồng tăng vọt do dự trữ thấp
Giá đồng tăng trong phiên vừa qua do USD yếu đi và lo ngại rằng cuộc khủng hoảng điện trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến lượng đồng tồn trữ – vốn đã còn rất ít.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng kỳ hạn tham chiếu trên sàn London tăng 0,5% lên 10.193 USD/tấn, trong phiên có lúc giá xuống 9.908,50 USD sau khi cơ quan hoạch định chính sách Trung Quốc cho biết họ đang tìm cách hạ nhiệt giá than khỏi mức cao kỷ lục.
Lượng đồng lưu kho trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ 1998, là 17.875 tấn, sau đó nhích tăng thêm 2.650 tấn, nhưng vẫn là mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Lượng đồng lưu kho trên sàn ShFE cũng đang ở mức thấp nhất kể từ 2009 là 41.668 tấn.
Ngô, lúa mì, đậu tương tăng do nhu cầu mạnh
Giá ngô Mỹ đạt mức cao nhất trong 2 tuần, giá đậu tương cũng tăng do nhu cầu tăng nhanh trên toàn thế giới và giá dầu thực vật tăng.
Trên Sàn thương mại Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 12 tăng 9 cent lên 5,39-1/4 USD/bushel vào cuối phiên, sau khi có thời điểm trong cùng phiên đạt 5,40 USD, mức cao nhất kể từ ngày 6 tháng 10. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 17-1/2 cent lên 12,45-1/2 USD/bushel.
Giá lúa mì cũng đi lên trong phiên này, với lúa mì vụ xuân trên sàn Minneapolis đạt mức cao nhất 9 năm do nguồn cung lúa mì xay xát chất lượng cao trên toàn cầu bị thắt chặt.
Giá lúa mì kỳ hạn tháng 12 trên sàn Chicago tăng 13-1/4 cent lên 7,49-1/4 USD/bushel, trong khi lúa mì trên sàn Minneapolis đạt 9,94-1/2 USD, cao nhất kể từ tháng 7/2012.
Đồng USD yếu đi càng khiến giá ngũ cốc Mỹ trở nên hấp dẫn hơn trên thị trường thế giới.
Đường hồi phục
Giá đường hồi phục khi tâm lý nhà đầu tư trên toàn thị trường được cải thiện. Theo đó, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 0,1 cent, tương đương 0,5%, lên 18,97 cent/lb.
Giá đường trắng giao tháng 12 phiên này cũng tăng 1,70 USD, hay 0,3%, lên 502,20 USD/tấn.
Cà phê tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 1,3%, tương đương 0,6%, lên 2,0555 USD/lb.
Các đại lý cho biết thị trường dường như đang củng cố quanh mức 2 USD/lb sau khi tăng mạnh vào tuần trước.
Cà phê robusta giao tháng 1 phiên này cũng tăng 11 USD, tương đương 0,5%, lên 2.131 USD/tấn.
Than giảm
Giá than tại Trung Quốc giảm kịch trần giới hạn của sàn giao dịch sau khi Chính phủ nước này tuyên bố can thiệp vào thị trường than. Cuối phiên 20/10, giá than hồi phục nhẹ so với trong phiên, nhưng vẫn giảm so với phiên trước.
Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên sau khi giảm 9% lúc đầu phiên đã kết thúc ở mức 3.442 CNY (538,58 USD)/tấn, than cốc kết thúc phiên cũng giảm xuống 4.039 CNY/tấn.
Giá than cốc và than cốc đã giảm lần lượt 89% và 70% kể từ cuối tháng 6.
Giá than nhiệt giao sau trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu trong phiên vừa qua cũng quay đầu giảm.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc hôm 19/10 cho biết họ sẽ đưa giá than trở lại mức hợp lý và xử lý bất kỳ sự bất thường nào làm xáo trộn trật tự thị trường hoặc đầu than nhiệt với mục đích xấu.
Sắt tăng, thép giảm
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên kết thúc phiên tăng 0,5% lên 710 CNY/tấn, quặng sắt nhập khẩu hàm lượng 62% vững ở 123 USD/tấn.
Trong khi đó giá thép trên sàn Thượng Hải giảm. Thép cây giảm 2,9% xuống 5.304 CNY/tấn vào lúc đóng cửa phiên giao dịch, thép cuộn cán nóng kết thúc phiên giảm 2,5% xuống 5.550 CNY/tấn.
Cao su tăng
Giá cao su tại Nhật Bản tăng sau khi dữ liệu chính thức cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng Chín tăng với tốc độ cao hơn dự kiến.
Hợp đồng cao su giao tháng 3 tại Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 0,4 yên lên 233,5 yên/kg.
Xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng 13% trong tháng vừa qua, cao hơn mức dự báo 11%, mặc dù đây là tốc độ chậm nhất trong bảy tháng do nhập khẩu tăng mạnh cộng thêm lo ngại sự cố chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra có thể làm mất khả năng phục hồi kinh tế mong manh.
Hợp đồng cao su giao dịch trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải kỳ hạn tháng 1 phiên vừa qua tăng tăng 1,1% lên 15,265 CNY/tấn cũng góp phần hỗ trợ giá ở Osaka tăng.
Dầu cọ cao kỷ lục
Giá dầu cọ kỳ hạn tương lai trên sàn Malaysia tăng hơn 2% trong phiên vừa qua, lên mức cao kỷ lục do xuất khẩu dầu cọ từ đầu tháng 10 đến nay của nước này được cải thiện, trong bối cảnh sản lượng không tăng và giá các loại dầu thực vật khác đang tăng mạnh.
Trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa, Malaysia, giá dầu cọ kỳ hạn tham chiếu kết thúc phiên tăng 122 ringgit, tương đương 2,47%, lên 5.066 ringgit (1.217,79 USD)/tấn, trong phiên có lúc giá tăng 2,95% đạt 5,090 ringgit.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 21/10