Giá cả thị trường, Thị trường và giá cả, Thông tin
Thị trường ngày 20/7: Giá dầu lao dốc hơn 7%, vàng, đồng, cao su, đường và cà phê đồng loạt giảm
Thị trường ngày 20/7: Giá dầu lao dốc hơn 7%, vàng, đồng, cao su, đường và cà phê đồng loạt giảm
Minh Quân |
(Tổ Quốc) – Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/7 giá dầu giảm khoảng 5 USD/thùng khi OPEC+ đạt được thỏa thuận tăng nguồn cung từ tháng 8, vàng, đồng, cao su, đường và cà phê đều giảm.
Dầu giảm mạnh
Giá dầu giảm 5 USD/thùng, kết thúc một ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 3, sau thỏa thuận của OPEC nhằm tăng sản lượng làm dấy lên lo ngại dư thừa nguồn cung đồng thời số ca nhiễm Covid-19 gia tăng một lần nữa đe dọa nhu cầu.
Sự phục hồi kéo dài cả năm của dầu thô đã đình trệ trong hai tuần qua do triển vọng nguồn cung mới. Biến thể Delta của virua corona lan rộng trên thế giới, hiện vẫn chưa rõ biến thể này sẽ ảnh hưởng thế nào tới nhu cầu dầu mỏ. Tiêu thụ tại Mỹ, nước tiêu dùng nhiên liệu lớn nhất thế giới đã tăng ổn định trong những tuần gần đây, nhưng Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới đã cắt giảm nhập khẩu do dư cung và lo sợ nhu cầu giảm.
Chốt phiên 19/7, dầu thô Brent giảm 4,97 USD hay 6,8% xuống 68,62 USD/thùng. Dầu thô WTI giao tháng 8 hết hạn trong ngày 20/7 giảm 5,39 USD hay 7,5% xuống 66,42 USD/thùng. Dầu thô WTI giao tháng 9 giảm 5,21 USD xuống 66,35 USD/thùng.
Tổ chức OPEC đã đạt được một thỏa hiệp trong ngày 18/7 để tăng nguồn cung dầu từ tháng 8 nhằm hạ nhiệt giá đã đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm vào tháng này.
Một số ngân hàng lớn đã lập luận rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng, Goldman Sachs nhắc lại rằng có nhiều khả năng theo chiều tăng. Họ cho biết thỏa thuận OPEC phù hợp với quan điểm của họ rằng các nhà sản xuất nên tập trung vào việc duy trì một thị trường thắt chặt đồng thời cho phép nâng cao công suất trong tương lai và loại bỏ các khoản đầu tư cạnh tranh.
Tuy nhiên, thỏa thuận của OPEC đã loại bỏ thêm các hạn chế nguồn cung vốn là một cơ sở của thị trường này trong một năm qua. Hiện tại OPEC đang cắt giảm 5,8 triệu thùng dầu mỗi ngày ra thị trường, con số này sẽ giảm xuống 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm.
Vàng giảm
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch biến động đầu tuần, do USD tăng bù cho lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2.
Vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.807,59 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 0,3% xuống 1.809,2 USD/ounce.
Chỉ số USD đạt mức cao nhất trong hơn 3 tháng, khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác, và ngược với trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh.
Tâm lý trên các thị trường rủi ro hơn bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về sự gia tăng số ca nhiễm virus corona gần đây đã buộc nhiều nước Châu Á áp đặt các biện pháp phong tỏa và áp lực lạm phát ngày càng tăng.
Phản ánh tâm lý là lượng vàng nắm giữ của quỹ tín thác vàng lớn nhất SPDR Gold Trust giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng trong ngày 16/7.
Đồng giảm
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất 4 tuần do tâm lý bởi USD mạnh lên và lo lắng về nhu cầu tại Trung Quốc, nước tiêu thụ đồng hàng đầu thế giới cũng như kế hoạch giải phóng đồng và các kim loại công nghiệp khác từ kho dự trữ của Trung Quốc.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 2,1% xuống 9.232 USD/tấn. Giá kim loại này đã chạm mức thấp nhất kể từ 21/6 tại 9.131 USD sau khi thị trường New York mở cửa.
Một thương gia cho biết nhu cầu và kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, USD không giúp gì được và chính quyền Trung Quốc đang dự định thực hiện đảm bảo thị trường theo những gì họ muốn.
USD đang tăng khiến giá các kim loại được định bằng USD đắt hơn cho người giữ các đồng tiền khác điều này có thể làm giảm nhu cầu.
Nhập khẩu đồng tại Trung Quốc giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 6 đã ảnh hưởng tới thị trường. Tâm lý thị trường cũng chịu tác động bởi tăng trưởng GDP chậm hơn so với dự kiến trong quý 2.
Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường giám sát giá hàng hóa và tiếp tục giải phóng đồng, nhôm và kẽm từ kho dự trữ nhà nước.
Trung Quốc đã bán 20.000 tấn đồng, 50.000 tấn nhôm và 30.000 tấn kẽm từ kho dự trữ vào ngày 5/7.
Giá đồng cũng bị sức ép bởi dự trữ đồng tại kho LME ở mức 226.300 tấn, hơn gấp đôi mức hồi giữa tháng 5.
Thép biến động trong biên độ nhỏ
Giá thép Trung Quốc biến động nhẹ trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung suy giảm khi nước sản xuất thép hàng đầu thế giới này tăng cường hạn chế sản xuất, trong khi Bắc Kinh tuyên bố tiếp tục theo dõi thị trường hàng hóa.
Công suất hoạt động của các lò cao tại 163 nhà máy thép Trung Quốc đã giảm xuống 76,81% tính tới ngày 16/7 từ 77,61% trong tuần trước, so với mức 85,6% trong cùng giai đoạn này một năm trước.
Hiện nay, những yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới giá thép là chính sách kiểm soát sản lượng thép thô đang dần được thực hiện và mở rộng. Nhiệt độ cao tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc cũng hạn chế sản lượng thép.
Thép thanh kỳ hạn hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa tăng 0,8% lên 5.568 CNY (859,42 USD)/tấn. Thép cuộn cán nóng giảm 0,1% xuống 5.926 CNY/tấn.
Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo dõi giá hàng hóa và cam kết sẽ xử lý những bất thường của thị trường.
Hợp đồng thép không gỉ kỳ hạn tháng 8 tại Thượng Hải giảm 0,1% xuống 18.705 CNY/tấn.
Quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 1,5% xuống 2.663 CNY/tấn.
Theo công ty tư vấn SteelHome giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe ở Trung Quốc tăng 1,5 USD lên 223 USD/tấn trong ngày 16/7.
Cao su Nhật Bản giảm
Giá cao su Nhật Bản giảm sau khi số ca nhiễm virus corona tăng vào cuối tuần tại Tokyo, làm tăng khả năng thiệt hại tới nhu cầu hàng hóa.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 tại sàn giao dịch Osaka giảm 0,8 JPY hay 0,4% xuống 214,1 JPY/kg.
Số ca nhiễm Covid-19 mới tại Tokyo trong ngày 18/7 đạt 1.410, cao nhất kể từ đầu năm nay, với số người nhiễm vượt 1.000 người ngày thứ 5 liên tiếp.
Cao su tại Thượng Hải kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 0,2% lên 13.500 CNY/tấn.
Đường giảm giá
Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa giảm 0,64 US cent hay 3,6% xuống 17,07 US cent/lb, giảm từ mức cao nhất trong 1,5 tuần tại 17,79 US cent đạt được trong đầu phiên này.
Giá dầu giảm làm giảm động lực cho các nhà máy Brazil sản xuất ethanol do giá xăng cũng có xu hướng giảm, dẫn tới họ phải tăng sản lượng đường.
Các đại lý cho biết những lo ngại về thời tiết lạnh tại Brazil khiến giá đường tăng trong ngày 16/7 vừa qua đã suy yếu do băng giá chủ yếu được báo cáo tại khu vực cực nam của nước này.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10 giảm 19,4 USD hay 4,2% xuống 443,8 USD/tấn.
Cà phê giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 mất 4,95 US cent hay 3,1% xuống 1,564 USD/lb.
City cho biết với các yếu tố tăng giá chủ yếu được định trong giá, giá cà phê arabica sẽ đạt mức cân bằng trong phạm vi 1,5 – 1,6 USD trong ngắn và trung hạn, lưu ý giá tăng khoảng 20% từ đầu năm tới nay.
Tuy nhiên, ngân hàng này tiếp tục giữ giá trong 6 đến 12 tháng tới ở mức 1,7 USD do nhu cầu và rủi ro thời tiết cải thiện. Họ cũng cho rằng năm niên vụ hiện tại thiếu 8,9 triệu bao do tăng trưởng nhu cầu và hạn hán kéo dài tại Brazil.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 giảm 35 USD hay 2% xuống 1.732 USD/tấn.
Đậu tương giảm, lúa mì tăng
Đậu tương trên sàn giao dịch Chicago giảm, bởi áp lực từ các thị trường hàng hóa khác và mưa gần đây hỗ trợ sự phát triển của cây trồng khắp vùng Midwest của Mỹ. Trong khi lúa mì tăng bởi thời tiết khô hạn khắp đồng bằng miền bắc nước Mỹ và lo ngại về sản lượng tại khu vực Biển Đen.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 26-3/4 US cent xuống 14,28 USD/bushel, trong khi hợp đồng kỳ hạn tháng 11 được giao dịch nhiều nhất giảm 19 US cent xuống 13,72-3/4 USD/bushel.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 15/7, các nhà xuất khẩu Mỹ đã xuất 143.934 tấn đậu tương, giảm 28,44% so với tuần trước đó.
Lúa mì CBOT đỏ mềm vụ đông kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 5-1/4 US cent lên 6,97-3/4 USD/bushel. Lúa mì đỏ cứng vụ đông cùng kỳ hạn tăng 3/4 US cent lên 6,52-1/4 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 20/7