Thị trường ngày 1/10: Giá dầu ngừng tăng, vàng và quặng sắt tăng mạnh, đồng giảm

Thị trường ngày 1/10: Giá dầu ngừng tăng, vàng và quặng sắt tăng mạnh, đồng giảm

Minh Quân |

(Tổ Quốc) – Giá dầu biến động rất ít trong phiên giao dịch thứ Năm (30/9), trong khi vàng và quặng sắt tăng mạnh do USD yếu đi và sự cố ở mỏ quặng sắt. Giá nông sản (cao su, lúa mì, cà phê) cũng đều đi lên trong phiên này. Riêng đồng giảm do lo ngại nhu cầu của Trung Quốc giảm.

Giá dầu vững

Giá dầu gần như không thay đổi trong phiên vừa qua do thông tin Trung Quốc chuẩn bị mua thêm dầu và các nguồn năng lượng khác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng có tác dụng đẩy giá tăng nhưng số liệu cho thấy tồn kho dầu của Mỹ bất ngờ tăng và đồng USD mạnh lên lại gây áp lực giảm.

Kết thúc phiên giao dịch, dầu dầu Brent giao tháng 11 giảm 12 cent, tương đương 0,2% xuống 78,52 USD/thùng, trong khi dầu thô Tây Texas của Mỹ (WTI) tăng 20 cent, tương đương 0,3% lên 75,03 USD.

Trong phiên này, có thời điểm giá cả 2 loại dầu đều giảm hơn 1 USD/thùng.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và là quốc gia tiêu dùng lớn thứ 2 thế giới (Trung Quốc) sẽ đảm bảo cung cấp năng lượng, điện và duy trì các hoạt động kinh tế trong phạm vi hợp lý.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết: “Nếu Trung Quốc vui vẻ trả bất kỳ giá nào cho năng lượng, điều đó có thể làm gia tăng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu”.

Vàng tăng 2% do USD giảm về cuối phiên

Giá vàng tăng hơn 2% trong phiên giao dịch vừa qua do USD quay đầu giảm sau khi số liệu về việc làm hàng tuần ở Mỹ giảm sút.

Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 1,7% lên 1.755,56 USD/ounce vào cuối phiên, sau khi có thời điểm tăng 2,2% lên mức cao nhất một tuần; vàng kỳ hạn tháng 12/2021 cũng tăng 2% kết thúc phiên ở mức 1.757 USD.

Dữ liệu vào thứ Năm cho thấy số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng trong tuần trước giảm, điều này có thể làm dấy lên lo ngại thị trường lao động Mỹ đang suy yếu.

Nhà tư vấn độc lập Robin Bhar cho biết: “Điều này cũng dẫn đến sự không chắc chắn về việc Fed cắt giảm các chương trình hỗ trợ kinh tế vì họ muốn một thị trường việc làm mạnh mẽ trước khi thông báo về việc cắt giảm đó”.

Đồng giảm do USD mạnh và Trung Quốc thiếu điện

Giá đồng giảm trong phiên vừa qua do USD mạnh lên và những hạn chế về nguồn cung điện ở Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới – gây lo lắng về triển vọng nhu cầu.

Cuộc đàm phán về việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở Mỹ đã thúc đẩy đồng đô la tăng mạnh lên mức cao kỷ lục 1 năm, khiến kim loại được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng kỳ hạn tham chiếu (giao sau 3 tháng) trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) giảm 2,4% xuống 8.934 USD/tấn.

Kim loại này – được nhiều người coi là thước đo sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu – tính trong quý 3 đã giảm quý đầu tiên trong vòng sáu quý trở lại đây.

Tuy nhiên, tồn trữ đồng giảm đã giúp hạn chế đà giảm giá. Theo đó, lượng đồng lưu kho tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2009, hiện ở mức 43.525 tấn, giảm 2,5% so với thứ Sáu tuần trước. Tại các kho chứa hàng của sàn LME, lượng đồng hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 6, là 124.200 tấn.

Quặng sắt tăng cao sau sự cố Pilbara

Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai tại sàn gia dịch Đại Liên (Trung Quốc) đã tăng lên mức cao nhất trong ba tuần vào thứ Năm (30/9) sau khi Tập đoàn Fortescue Metals tạm dừng hoạt động khai thác tại một dự án ở Pilbara, trong khi hy vọng về nhu cầu của Trung Quốc được cải thiện trong quý 4 góp phần hỗ trợ giá tăng thêm nữa.

Công ty khai thác quặng sắt Fortescue cho biết một nhân viên đã thiệt mạng sau sự cố sụt lún trên mặt đất tại khu vực Solomon Hub ở vùng Pilbara của Australia.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên kết thúc phiên tăng 5,4% lên 721,50 CNY (111,58 USD)/tấn, trong phiên có lúc đạt 758 CNY, cao nhất kể từ ngày 8 tháng 9.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 11 trên Sàn giao dịch Singapore phiên này tăng 3,4% lên 118,45 USD/tấn, sau khi có lúc cũng lên mức cao nhất trong hai tuần là 127,80 USD.

Mức tăng giá quặng sắt kỳ hạn tương lai trong tuần này cũng phản ánh việc giá giao ngay hồi phục tại Trung Quốc – nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, được củng cố phần lớn bởi nhu cầu muc tích trữ trước kỳ nghỉ Tuần lễ vàng quốc gia, từ ngày 1 tháng 10.

Giá thép phiên này cũng tăng. Theo đó, thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 1,2%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,4%, riêng thép không gỉ giảm 2,4%.

Giá cao su tăng

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng sau khi đảng cầm quyền của Nhật Bản bầu ra lãnh đạo mới – người sẽ đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng và có khả năng sẽ duy trì các chính sách kích thích để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế từ COVID-19.

Kết thúc phiên, cao su kỳ hạn tháng 3 trên Sàn giao dịch Osaka tăng 4,2  yên, tương đương 2%, lên 211,8 yên.

Lúa mì tăng do nguồn cung của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm

Giá lúa mì kỳ hạn trên sàn Chicago tăng mạnh vào thứ Năm, sau khi chính quyền liên bang Mỹ báo cáo rằng nguồn cung lúa mì của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007 – và sản lượng lúa mì thu hoạch thấp nhất trong vòng 19 năm.

Kết thúc phiên, lúa mì kỳ hạn tháng 12 trên sàn Chicago tăng 15-1/4 cent lên 7,25-1/2/bushel.

Trong khi đó, nước này đã kết thúc niên vụ vào ngày 1 tháng 9 với sản lượng lượng đậu tương nhiều hơn một chút so với dự kiến của các thương nhân, điều này đã gây áp lực mạnh lên giá đậu tương kỳ hạn tương lai.

Nguồn cung lúa mì thắt chặt ở Mỹ, nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ ba thế giới, đã giúp nâng giá lúa mì kỳ hạn giao sau của Hội đồng Thương mại Chicago lên mức cao nhất trong ba tuần và báo hiệu chi phí cao hơn cho các nhà xay xát và làm bánh. Tin tức từ các nơi khác công  bố cũng cho thấy nguồn cung toàn cầu đã bị thu hẹp do thời tiết mùa vụ căng thẳng ở Canada và Nga.

Kết thúc phiên, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 giảm 27-3/4 cent xuống 12,56 USD/bushel, trong khi ngô giao tháng 12 giảm 2-1/4 cent xuống 5,36-3/4 USD/bushel.

Cà phê tăng nhẹ

Giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE tăng trở lại, sau khi giảm mạnh ở phiên trước đó do dự báo Brazil có thể sẽ có mưa trong vài ngày tới.

Cà phê arabica giao tháng 12 phiên này tăng 1,2% lên 1,9575 USD/lb, sau khi giảm 2,6% trong phiên liền trước.

Cà phê robusta giao tháng 11 cũng tăng 0,8% lên 2.132 USD/tấn.

Tại Châu Á, giá cà phê robusta ở Việt Nam – nước sản xuất robusta hàng đầu  thế giới – tuần này giảm nhẹ so với tuần trước bởi những hạn chế chống Covid-19 đang dần được dỡ bỏ.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9 ước tính tăng 20,3% so với một năm trước đó, mặc dù xuất khẩu trong chín tháng đầu năm giảm 4,2%, số liệu chính thức cho thấy.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 1/10: