Thị trường hàng hóa thế giới diễn biến giằng co sau đàm phán Mỹ – Trung

Thị trường hàng hóa thế giới diễn biến giằng co sau đàm phán Mỹ – Trung

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết sau cuộc đàm phán Mỹ – Trung tại Thụy Sỹ, thị trường hàng hóa thế giới diễn biến giằng co. Giá nhiều mặt hàng đồng loạt tăng mạnh nhưng sau đó lại lao dốc vào cuối tuần theo tâm lý thị trường. Đóng cửa, lực mua chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV-Index tăng nhẹ 0,1% lên mức 2.196 điểm. Cuối tuần qua, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ công bố các mức thuế đối với các đối tác thương mại trong vòng 2 đến 3 tuần tới, thay vì tiếp tục các cuộc đàm phán với từng quốc gia. MXV cho rằng, tuần này, giá hàng hóa thế giới có thể sẽ trải qua nhiều phiên rung lắc rất mạnh.

Giá ca cao tăng vọt, thị trường cà phê chìm trong sắc đỏ

Đóng cửa tuần giao dịch vừa qua (12-18/5), sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá nguyên liệu công nghiệp. Ca cao gây chú ý khi giá tiến sát mức đỉnh lịch sử tháng 1, đạt 10.898 USD/tấn, tăng 18,6%; trong khi đó giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt lao dốc. Cụ thể, giá giá cà phê Robusta tiếp tục lao dốc 6,9% về 4.865 USD/tấn, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp, giá cà phê Arabica cũng giảm sâu 5,7%, xuống còn 8.061 USD/tấn. 

Những lo ngại về sản lượng vụ giữa tại Bờ Biển Ngà tiếp tục là động lực chính đẩy giá ca cao tăng vọt. Theo báo cáo mới nhất của Rabobank, mưa đến muộn đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của cây trồng, khiến sản lượng vụ giữa năm nay tại Bờ Biển Ngà – vụ thu hoạch nhỏ hơn trong hai vụ chính dự kiến chỉ đạt khoảng 400.000 tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái

Đặc biệt, các đợt kiểm đếm quả ca cao gần đây tại Bờ Biển Ngà đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, trong bối cảnh sản lượng liên tục sụt giảm do thời tiết bất lợi và dịch bệnh trên cây trồng.

Bên cạnh đó, số liệu từ Reuters cho thấy lượng ca cao cập cảng tại Bờ Biển Ngà trong tuần 5/5 – 11/5 chỉ đạt 24.000 tấn, giảm 22,5% so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 5 năm. Lũy kế từ đầu niên vụ 2024-2025, tổng lượng ca cao cập cảng đạt 1,56 triệu tấn, tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 5 năm là 1,78 triệu tấn.

Trong khi đó,  dù giá ca cao liên tục lập đỉnh kỷ lục và nhiều dự báo lo ngại tiêu dùng sẽ giảm mạnh, các số liệu thực tế lại cho thấy nhu cầu đối với mặt hàng này vẫn khá tích cực. Cụ thể, lượng xay nghiền ca cao quý I/2025 tại Bắc Mỹ chỉ giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, xuống 110.278 tấn. Tại châu Âu, lượng xay nghiền giảm 3,7% và ở châu Á giảm 3,4%, đều thấp hơn mức dự báo giảm ít nhất 5%

Bên cạnh đó, nhập khẩu ca cao của Mỹ và Indonesia – một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới trong quý I đạt 125.600 tấn, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Indonesia cũng ghi nhận nhập khẩu tăng mạnh 127,6% lên 68.700 tấn trong ba tháng đầu năm, cho thấy nhu cầu tiêu thụ vẫn rất khả quan

Đối với mặt hàng cà phê, những dự báo mới nhất về nguồn cung cà phê toàn cầu tiếp tục tạo áp lực lên giá mặt hàng này. Theo Conab, sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2025-2026 dự kiến tăng 2,7% so với năm trước, trong khi USDA cũng dự báo xuất khẩu cà phê của Honduras và Uganda đều tăng 2,6%, còn El Salvador ghi nhận mức tăng nhẹ. Diễn biến này khiến thị trường cân nhắc lại triển vọng nguồn cung trong thời gian tới và góp phần kéo giá cà phê giảm liên tiếp trong những tuần gần đây.

Về tiến độ thu hoạch, Brazil hiện đang bước vào vụ thu hoạch cà phê robusta, trong khi Indonesia cũng đã bắt đầu thu hoạch robusta, càng gia tăng áp lực giảm giá lên thị trường. Dự kiến, vụ thu hoạch cà phê arabica tại Brazil sẽ khởi động từ giữa tháng này. Theo số liệu cùng kỳ năm ngoái, tính đến ngày 21/5/2024, khoảng 22% diện tích trồng robusta và 15% diện tích arabica tại Brazil đã được thu hoạch, cho thấy tiến độ thu hoạch năm nay đang diễn ra đúng nhịp vụ.

Tổ chức World Weather Service cho biết, thời tiết ấm và lượng mưa hạn chế đã xuất hiện tại các vùng trồng cà phê của Brazil trong những ngày gần đây, và xu hướng này dự kiến sẽ kéo dài trong phần lớn tuần tới. Dù không hoàn toàn khô hạn, nhưng những cơn mưa rải rác được đánh giá là quá ngắn và nhẹ để bù đắp lượng bốc hơi, tiềm ẩn nguy cơ giảm năng suất nếu kéo dài. Trong khi đó, các đợt mưa rào và giông bão sẽ tiếp tục xuất hiện thường xuyên tại Colombia và miền tây Venezuela, giúp duy trì điều kiện trồng cà phê thuận lợi ở những khu vực này.

Vụ thu hoạch cà phê arabica của Brazil vừa bắt đầu, dù đây là năm thấp điểm trong chu kỳ hai năm một lần, nhưng triển vọng đã được cải thiện so với đầu năm.

Ngoài ra, tồn kho cà phê tăng cao cũng là yếu tố trực tiếp gây áp lực lên giá. Theo ICE, tồn kho robusta đạt 4.890 lô – mức cao nhất trong vòng 7 tháng rưỡi, còn tồn kho arabica xấp xỉ 851.170 bao 60kg, mức cao nhất gần ba tháng trở lại đây

Giá dầu thế giới có hai tuần tăng liên tiếp

Theo ghi nhận của MXV, giá dầu tiếp tục duy trì đà tăng nhờ tâm lý lạc quan của thị trường sau thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung, trước khi những lo ngại về dư thừa nguồn cung quay trở lại.

Kết thúc tuần, giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 65 USD/thùng, tăng 2,35% lên 65,41 USD/thùng; trong khi dầu WTI cũng ghi nhận mức tăng 2,41%, lên 62,49 USD/thùng.

Sau khi thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Vương quốc Anh được công bố ngày 8/5 tạo tâm lý lạc quan cho giới đầu tư, thị trường tiếp tục đón nhận thêm thông tin tích cực vào đầu tuần mới. Theo đó, sau cuộc đàm phán cuối tuần trước, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí đồng thời giảm mạnh mức thuế áp lên hàng hóa nhập khẩu của nhau, với hiệu lực tạm thời trong 90 ngày. Cụ thể, Mỹ giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc cũng hạ thuế với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống 10%. Dù chỉ là thỏa thuận tạm thời, những động thái hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo hiệu ứng tích cực, giúp nhiều thị trường, trong đó có thị trường năng lượng, khởi sắc trở lại sau thời gian dài căng thẳng thương mại.

Bên cạnh đó, những chỉ báo về lạm phát của Mỹ cũng góp phần hỗ trợ giá dầu. Theo đó, chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021, làm gia tăng kỳ vọng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Những thông tin tích cực từ hai quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới đã trở thành động lực chính thúc đẩy giá dầu tăng mạnh trong phần lớn tuần qua. Tuy nhiên, tâm lý thị trường nhanh chóng đảo chiều khi lo ngại về nguy cơ dư thừa nguồn cung toàn cầu xuất hiện ở các phiên giao dịch cuối tuần. Những lo ngại này xuất phát từ tiến triển mới trong đàm phán giữa Mỹ và Iran, cùng các báo cáo cập nhật từ các tổ chức năng lượng lớn trên thế giới.

Ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ và Iran đã giải quyết được nhiều bất đồng trong các vòng đàm phán trước và đang tiến rất gần tới một thỏa thuận mới liên quan chương trình hạt nhân của Tehran. Nếu đạt được thỏa thuận đi kèm với việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, nguồn cung dầu từ Iran – quốc gia sản xuất lớn thứ ba trong OPEC – có thể quay trở lại thị trường quốc tế, với ước tính khoảng 800.000 thùng/ngày được bổ sung.

Cùng với đó, quyết định tăng sản lượng bất thường của OPEC+ càng làm dấy lên lo ngại về chênh lệch cung cầu trên thị trường dầu mỏ. Theo báo cáo tháng 5/2025 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguồn cung dầu toàn cầu dự kiến tăng nhanh hơn nhu cầu, với mức tăng 1,6 triệu thùng/ngày trong năm nay, trong khi tăng trưởng nhu cầu chỉ đạt 740.000 thùng/ngày. Điều này đã kéo giá hai mặt hàng dầu giảm hơn 2% trong phiên 15/5. Trước đó, các báo cáo về việc dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng mạnh từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cũng tạo áp lực giảm giá lớn trong phiên 14/5.

Sang phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu phục hồi trở lại khi căng thẳng tại Trung Đông leo thang, đặc biệt là các vụ tấn công của lực lượng Houthi vào Israel, cùng với báo cáo về sự sụt giảm số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ. Thị trường cũng chú ý đến cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ – dù chưa đạt kết quả nổi bật, đây vẫn là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa hai bên trong ba năm qua, góp phần gia tăng biến động trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)