Những vấn đề cần quan tâm

Về lý thuyết, các vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khác nhau sẽ là tiền đề “địa kinh tế” cho những kết quả khác nhau của từng vùng và trọng số khác nhau đối với cả nước. Nhưng “địa kinh tế” chỉ là tiền đề; muốn biến tiền đề (khả năng) thành hiện thực, thì phải có những giải pháp tác động để khai thác các tiềm lực, trong đó có 2 hướng phải tính đến, đó là động lực tăng trưởng của cả nước và không để tụt lại phía sau.

Đi vào một số chỉ tiêu chủ yếu về vùng kinh tế, có thể thấy rõ hơn về mặt lý thuyết trên.

Diện tích là yếu tố quan trọng tạo nên không gian phát triển. Những vùng có tỷ trọng diện tích cao hơn sẽ có điều kiện phát triển về nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, những vùng này thường gặp khó khăn ở đầu vào và đầu ra cho các sản phẩm, nên thường có kết quả về kinh tế- xã hội thấp hơn các vùng khác.

Dân số tạo điều kiện thuận lợi về lao động, việc làm, về tiêu thụ sản phẩm. Những nơi có công ăn việc làm mang lại thu nhập cao, thì có tỷ suất di cư thuần (nhập cư cao hơn xuất cư)…

Số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm tỷ trọng lớn, mật độ doanh nghiệp cao là yếu tố quan trọng của tăng trưởng và quy mô kinh tế lớn. Đây là kết quả của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo điều kiện cho khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động để giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập…

Tỷ lệ lao động qua đào tạo cao là tiền đề tăng năng suất lao động, tăng tổng GDP, cũng như tăng GDP bình quân đầu người, tăng xuất khẩu, giảm tỷ lệ nghèo…

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng cao góp phần tăng lượng vốn đầu tư, tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu…

Thấy gì từ cơ cấu vùng kinh tế?

Những mặt được và chưa được của các vùng kinh tế

Vùng Đồng bằng sông Hồng

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Vùng này có tỷ trọng diện tích thấp nhất trong các vùng; hạn chế về không gian phát triển, nên đã thúc đẩy các tỉnh, thành phố trong vùng chuyển đổi cơ cấu kinh tế bằng nhiều giải pháp, như: giảm tỷ trọng nông nghiệp; tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ.

Là vùng châu thổ lớn thứ hai của cả nước, nhưng về nông nghiệp, nhiều địa phương đã chấp nhận giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng các cây ăn quả; tăng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, để tạo công ăn việc làm, tăng năng suất lao động…

Là vùng có tỷ trọng dân số lớn nhất so với các vùng, nên để tạo ra dư địa phát triển, một mặt phải đẩy mạnh thu hút FDI, mặt khác vùng còn chú trọng tăng tỷ trọng số doanh nghiệp đang hoạt động, tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo.

Đây là địa bàn có cảng biển, nhiều sân bay, có hệ thống giao thông đường bộ tương đối phát triển, nên có tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa cao nhất cả nước. Tất cả các tỉnh, thành phố trong vùng đều đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên 1 tỷ USD.

Vùng Đồng bằng sông Hồng có cảng biển, nhiều sân bay, có hệ thống giao thông đường bộ tương đối phát triển

Nhờ có nhiều giải pháp tích cực, nên vùng này đạt được nhiều kết quả khả quan: tỷ trọng tổng GDP lớn thứ 2 cả nước; có 7 tỉnh/thành phố nằm trong 13 địa bàn có GRDP bình quân đầu người đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước; có tuổi thọ bình quân cao hơn mức bình quân của cả nước; có tỷ lệ nghèo thấp thứ 2 trong các vùng…

Vấn đề đặt ra đối với Đồng bằng sông Hồng là mật độ dân số cao gấp 3 lần cả nước (300 người/km2); có tổng tỷ suất sinh cao nhất nước và cao hơn mức sinh thay thế. Có một số tỉnh đạt GRDP bình quân đầu người có thứ bậc thấp trong cả nước (Thái Bình đạt 2.531 USD, Nam Định chỉ đạt 2.106 USD, lần lượt xếp thứ 43 và 58 cả nước), với nguyên nhân chủ yếu là cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; thu nhập, sức mua thấp.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình.

Vùng này có tỷ trọng diện tích lớn thứ 2 trong các vùng, chiếm trên 1/4 diện tích cả nước, tức là có không gian phát triển khá rộng, lại nằm trong khu vực biên giới hoặc gần biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc; thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với tỷ trọng mậu dịch biên giới chiếm trên 1/10 tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Điều này tạo thuận lợi cho một số tỉnh trong vùng có điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, để đáp ứng nhu cầu giao thương, buôn bán giữa các địa phương trong nội địa và với Trung Quốc. Đây là vùng đầu nguồn có tác động lớn đến việc ngăn lũ; cũng là một trong những “lá phổi” xanh lớn của cả nước. Vùng này nhờ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu hút FDI tương đối tốt…, nên đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lớn (cả vùng có 4 tỉnh đạt kim ngạch xuất khẩu lớn trên 1 tỷ USD, gồm: Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Lào Cai)…

Tuy nhiên, vùng này có một số điểm đáng quan tâm, như: có tỷ lệ dân số thành thị, tỷ trọng tổng GDP, thu nhập bình quân tháng thấp nhất trong các vùng. GRDP bình quân đầu người của vùng thuộc loại thấp, trong đó có một số tỉnh rất thấp (Hà Giang: 1.475 USD; Điện Biên: 1.706 USD; Bắc Kạn 1.989 USD, lần lượt xếp thứ 63, 62, 60 trong cả nước). Xuất khẩu của một số tỉnh trong vùng có quy mô rất thấp (Lai Châu đạt: 20,5 triệu USD, Sơn La: 21,8 triệu USD, Bắc Kạn 33,5 triệu USD). Số lượng doanh nghiệp trong vùng khá thấp. Do kinh tế trên địa bàn có những hạn chế, cộng với tỷ suất sinh cao, tổng tỷ suất sinh còn lớn, nên tỷ suất di cư thuần của vùng này mang dấu âm lớn…

Những hạn chế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc là cơ sở hạ tầng chưa phát triển, số lượng doanh nghiệp khá thấp, chưa thu hút được đáng kể vốn FDI, thách thức trong bảo vệ rừng…

Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung

Vùng này gồm các tỉnh/thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Vùng này có tỷ trọng diện tích lớn nhất trong các vùng, có ưu thế về lối ra biển của vùng Tây Nguyên, của nước Lào; có nhiều cảng biển, bãi tắm, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa… Vùng này đứng thứ 3 về tỷ lệ dân số thành thị, tỷ lệ lao động qua đào tạo… Một số tỉnh/thành phố có tổng GRDP lớn (trên 4 tỷ USD), như: Thanh Hóa gần 10,8 tỷ USD, Nghệ An gần 7,6 tỷ USD, Đà Nẵng gần 5,3 tỷ USD, Quảng Ngãi gần 5,2 tỷ USD… Vùng này có một số địa phương đạt GRDP bình quân đầu người có thứ bậc cao như: Đà Nẵng đạt 4.409 USD, Quảng Ngãi đạt 4.197 USD, lần lượt xếp thứ 11 và 13 trong cả nước (cao hơn mức bình quân chung của cả nước).

Tuy nhiên, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có tỷ suất di cư thuần mang dấu âm, có GRDP bình quân đầu người thấp thứ 3 trong các vùng, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thấp thứ 4, tỷ lệ nghèo cao thứ 3 cả nước… Một số địa phương có GRDP bình quân đầu người ở mức thấp, như: Thừa Thiên- Huế 2.449 USD, Quảng Bình 2.356 USD…, lần lượt xếp thứ 45, 48 trong cả nước. Một số tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thấp, như: Ninh Thuận 46,2 triệu USD, Quảng Bình 197 triệu USD, Phú Yên 250 triệu USD….

Khó khăn, thách thức chủ yếu của vùng này là do khí hậu khắc nghiệt, thường bị thiên tai lớn. Những khó khăn, hạn chế mang tính nội tại củam nền kinh tế ở một số địa phương còn nhiều, dân xuất cư lớn hơn nhập cư, lượng vốn đầu tư ngoại tỉnh đưa vào nội tỉnh, đưa về nông thôn còn ít…

Vùng Tây Nguyên

Vùng Tây Nguyên gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Vùng này có tỷ trọng diện tích lớn thứ 3 trong các vùng, nhưng có tỷ trọng về dân số ít nhất. Nếu trước đây di cư thuần mang dấu dương, thì nay mang dấu âm… Tây Nguyên có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp thứ 5 trong các vùng. GRDP bình quân đầu người thấp nhất so với các vùng, trong đó có một số tỉnh rất thấp như: Kon Tum đạt 2.253 USD, Gia Lai 2.353 USD, Đắk Lắk 2.437 USD, lần lượt xếp thứ 51, thứ 49, thứ 46 trong cả nước.

Vốn FDI trong vùng chiếm tỷ trọng rất thấp. Lũy kế vốn FDI đăng ký tính đến cuối 2022 của cả 5 tỉnh đạt thấp (Gia Lai: 21 triệu USD, Kon Tum: 247 triệu USD, Đắk Nông: 311 triệu). Tỷ lệ nghèo đa chiều cao thứ 2 trong các vùng. Thu nhập bình quân một tháng thấp thứ 5 trong các vùng…

Vùng Đông Nam bộ

Đông Nam bộ gồm các tỉnh/thành phố: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh.

Đông Nam bộ đứng thứ nhất trong các vùng về nhiều chỉ tiêu: (1) Tỷ lệ dân số thành thị; (2) Tỷ suất di cư thuần mang dấu dương (nhập cư nhiều hơn xuất cư); (3) Tuổi thọ trung bình; (4) Tổng GRDP; (5) Tổng thu ngân sách… Tổng tỷ suất sinh, tỷ lệ nghèo đa chiều thấp nhất cả nước.

GRDP bình quân đầu người đạt cao, trong đó riêng Bà Rịa- Vũng Tàu đạt 14.228 USD, cao gấp gần 3,5 lần cả nước, vượt xa tỉnh đứng thứ 2; cả vùng có 4 địa phương nằm trong top 9 tỉnh, thành phố có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước (trên 5.000 USD).

Thu hút FDI cao, trong đó riêng TP. Hồ Chí Minh đạt trên 55,1 tỷ USD, Bình Dương trên 39,7 tỷ USD. Cả vùng có 4 địa tỉnh/thành phố nằm trong top 5 địa phương có lượng FDI lớn nhất cả nước (trên 33 tỷ USD).

Vùng có số doanh nghiệp đang hoạt động nhiều nhất nước, trong đó riêng TP. Hồ Chí Minh chiếm 31,1% cả nước;

Đông Nam bộ là vùng đứng thứ hạng cao về hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu khác. Riêng về xuất khẩu hàng hóa đứng thứ 2 cả nước, trong đó TP. Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước với gần 47,6 tỷ USD; cả khu vực có 3 địa phương (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai) nằm trong top 6 địa bàn có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Đạt được nhiều kết quả tích cực trên do nhiều nguyên nhân, như: thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nhân và doanh nghiệp; có hệ thống giao thông vận tải thuận lợi; thị trường rộng lớn… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với vùng Đông Nam bộ là mở rộng hơn nữa nhà ở xã hội để ổn định đời sống cho lao động nhập cư; chống ngập úng, triều cường; hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông…

Đồng bằng Sông Cửu Long

Vùng này gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Vùng này đứng đầu cả nước về sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, nhất là lương thực, thủy sản. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực.

Hạn chế, khó khăn, thách thức của vùng này là: phù sa về từ đầu nguồn ít đi, vùng bị nhiễm nước mặn rộng lớn và sâu (khả năng còn bị ngập nặng hơn với nguy cơ biến đổi khí hậu); tỷ trọng doanh nghiệp còn thấp; hệ thống giao thông vận tải còn hạn chế; vốn FDI ít; GRDP bình quân đầu người còn thấp: tất cả các tỉnh có mức GRDP thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, trong đó nhiều tỉnh thuộc nhóm thấp (dưới 3.000 USD), như: Bến Tre 2.106 USD, An Giang 2.326 USD, Sóc Trăng 2.357 USD, lần lượt xếp thứ 54, 50, 47 trong cả nước…; chỉ có 3 tỉnh nằm trong nhóm trung bình (từ 3.000 đến dưới 4.000 USD) là: Long An 3.874 USD, Cần Thơ 2.697 USD, Trà Vinh 3.054, lần lượt xếp thứ thứ 14, 19, 28… trong cả nước.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục như: cơ cấu kinh tế cần chuyển dịch mạnh hơn nữa; hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông vận tải, tăng số lượng doanh nghiệp; quan tâm hơn nữa đến giáo dục, đào tạo; tăng cường đầu tư cho thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…/.