Lưu thông hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn |
Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (KTT cửa khẩu) được thành lập theo Quyết định số 138/2008/QĐ-TTg, ngày 14/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ, có diện tích khoảng 394 km2; trong KTT cửa khẩu có 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu quốc tế đường bộ Hữu Nghị, cửa khẩu quốc tế đường sắt ga Đồng Đăng), 3 cửa khẩu phụ (Tân Thanh, Cốc Nam, Pò Nhùng) và các khu chức năng chính như: Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng; Khu trung chuyển hàng hóa; Khu chế xuất 1, Khu phi thuế quan (giai đoạn I). KTT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn là KKT tổng hợp đa chức năng, đan xen với các yếu tố quốc phòng, an ninh, trong đó lĩnh vực mũi nhọn là phát triển kinh tế cửa khẩu.
Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn luôn xác định việc phát triển kinh tế cửa khẩu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, điều hành KKT cửa khẩu. Ngay sau Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh đã chủ động xây dựng các Chương trình hành động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, trong đó vẫn xác định một trong bốn chương trình trọng tâm kinh tế là: “Tiếp tục tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Tỉnh”. Tỉnh đã cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là cơ chế ưu tiên đầu tư phát triển KTT cửa khẩu. Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách về phát triển KTT cửa khẩu.
Quá trình xây dựng và phát triển KTT cửa khẩu trong 15 năm qua đã tác động tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thu ngân sách tăng dần qua các năm, kết cấu hạ tầng KTT cửa khẩu nói riêng và các khu vực cửa khẩu biên giới nói chung từng bước được cải thiện đã làm thay đổi bộ mặt các khu vực đô thị, cửa khẩu với diện mạo khang trang, hiện đại và đồng bộ, tạo động lực cho sự phát triển của KKT cửa khẩu trong tương lai.
Nhà làm việc liên ngành cửa khẩu Bản Chắt, xã Bính Xá, huyện Đình Lập tỉnh Lạng Sơn |
Phát huy cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KKT cửa khẩu
Để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và phát triển KKT cửa khẩu, nhằm khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế cửa khẩu trong giao thương quốc tế và trong nước, tạo động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 03/4/2009 lãnh đạo triển khai, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn.
Ngày 01/7/2011, Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015, trong đó xác định cụ thể chương trình trọng tâm phát triển kinh tế số 1 là: “Đẩy mạnh đầu tư xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, phát triển thương mại, dịch vụ, và du lịch trên địa bàn“. Ngày 15/5/2013 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 74-KL/TU về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 03/4/2009 về lãnh đạo triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh đã xây dựng các Chương trình hành động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, trong đó xác định“Tiếp tục tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Tỉnh” vẫn là một trong bốn chương trình trọng tâm phát triển kinh tế của Tỉnh. Hàng năm, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị, trong đó có lĩnh vực KKT cửa khẩu; đồng thời nội dung về phát triển KKT cửa khẩu được lồng ghép và cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và trong Chương trình giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh, Chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ hàng năm.
HĐND, UBND Tỉnh đã thông qua các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy. Căn cứ chương trình, kế hoạch của Tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, UBMT Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội Tỉnh đã xây dựng, ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện; xác định rõ các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn Tỉnh, cụ thể hóa trong quy hoạch, kế hoạch 5 năm, hàng năm về phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh, phù hợp với tình hình thực tiễn, chức năng, nhiệm vụ của các huyện, thành phố và từng cơ quan, đơn vị.
Cấp ủy, chính quyền thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện để đề ra biện pháp chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án cụ thể tại KKT cửa khẩu nhằm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội hiện nay và các chủ trương, chính sách phát triển KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn của Trung ương, của tỉnh, ngày 20/11/2023 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 136-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về xây dựng và phát triển KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đến năm 2030.
Lưu thông hàng hóa tại cửa khẩu Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn |
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của KKT cửa khẩu
Trong những năm qua, các cấp, các ngành tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và phát triển KKT cửa khẩu. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung các Nghị quyết, Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng KKT cửa khẩu; cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KKT cửa khẩu trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của từng cấp, ngành để tổ chức thực hiện.
Thực hiện đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, tạp chí, đài Phát thanh và truyền hình, cổng thông tin điện tử,…) để tuyên truyền, giới thiệu môi trường đầu tư kinh doanh tại Tỉnh, cũng như tại KKT cửa khẩu. Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, hội nghị, hội thảo chuyên đề; làm việc với các tổ chức nước ngoài đến thăm và tìm hiểu đầu tư; xây dựng tư liệu giới thiệu, quảng bá, thu hút đầu vào KKT. Cung cấp các thông tin thường xuyên cho các cơ quan truyền thông trong nước và báo chí. Thông qua công tác tuyên truyền, quán triệt đã nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng nhiệm vụ xây dựng và phát triển KKT cửa khẩu; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Khu vực cửa khẩu Bình Nghi, tỉnh Lạng Sơn |
Thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong KTT cửa khẩu
Những năm qua, KKT cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn có tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, bình quân giai đoạn 2008-2012 tăng 14%/năm, giai đoạn 2011 – 2023 tăng 7,67%/năm; GRDP của KKT cửa khẩu năm 2010 đạt 4.157,8 tỷ đồng và đến năm 2023 đạt 18.619,8 tỷ đồng, gấp 4,4 lần so với năm 2010. Trong đó, ngành có mức tăng trưởng cao nhất là ngành công nghiệp – xây dựng (tăng 9,73%), tiếp đến là ngành dịch vụ có mức tăng trưởng là 7,8%, ngành có mức tăng trưởng thấp nhất là ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,65%/năm.
Cơ cấu kinh tế trong KKT cửa khẩu chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành dịch vụ và ngành công nghiệp – xây dựng tăng dần và ngành nông lâm nghiệp giảm dần, phù hợp với xu thế chung của Tỉnh cũng như cả nước. Năm 2010, tỷ trọng các ngành dịch vụ đạt 66,01%, công nghiệp – xây dựng đạt 18,79%, nông lâm nghiệp đạt 5,55%. Đến năm 2023, tỷ trọng các ngành tương ứng là dịch vụ 67,38%, công nghiệp – xây dựng đạt 23,11%, nông lâm nghiệp còn 3,56%.
KKT cửa khẩu đã đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP của Tỉnh, năm 2010 tỷ trọng GRDP của KKT cửa khẩu chiếm khoảng 35,42% GRDP toàn Tỉnh, đến năm 2023 đạt mức 40,33%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào KKT cửa khẩu trong 14 năm là 77.010 tỷ đồng, trong đó năm 2023 tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 11.574,6 tỷ đồng, tăng 6,5 lần so với năm 2010.
Những con số ấn tượng trên đã minh chứng cho thấy những đóng góp hết sức quan trọng của KKT cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn đối với sự phát triển và tăng trưởng kinh tế chung của toàn Tỉnh, cũng như tác động lan toả tích cực đến sự phát triển của các khu vực khác; thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng, tăng cường quan hệ đối ngoại, tăng thu ngân sách, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị vùng biên… Qua đó tạo động lực quan trọng đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lạng Sơn.
Lưu thông hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Hữu nghị, tỉnh Lạng Sơn |
Hoạt động đầu tư kinh doanh trong KKT cửa khẩu tăng trưởng và phát triển
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TU, ngày 01/9/2021 về phát triển công nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định “Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp…”; trong KKT cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn hiện nay đã quy hoạch 5 cụm công nghiệp.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, những năm gần đây thường xuyên hàng năm có từ 2.800-3.000 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong cả nước tham gia xuất nhập khẩu qua địa bàn Tỉnh. Hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn trong giai đoạn 2008-2023 đạt được nhiều kết quả tích cực, là “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng trên những địa bàn biên giới của Tỉnh.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2008 – 2023 qua địa bàn Tỉnh đạt 51.487 triệu USD, trong đó: Kim ngạnh xuất nhập khẩu qua KKT cửa khẩu đạt trên 41.101 triệu USD bằng 70% toàn Tỉnh. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu qua địa bàn là ô tô, linh kiện ôtô, máy móc, hóa chất, hoa quả tươi; hàng xuất khẩu chủ yếu là hoa quả, tinh bột sắn, thuỷ hải sản… Hàng địa phương xuất khẩu chủ yếu là hoa hồi, nhựa thông, thạch đen, xi măng, clinker, gỗ dăm, ván bóc.
Hoạt động xuất nhập cảnh diễn ra ngày càng sôi động, trong giai đoạn 2008 – 2023 có khoảng 27,6 triệu lượt người xuất nhập cảnh (bình quân mỗi năm có khoảng 1,8 triệu lượt người), tổng số phương tiện xuất nhập cảnh đạt trên 6,0 triệu lượt phương tiện.
Các hoạt động dịch vụ khác như: Bưu chính viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải hành khách phát triển khá nhanh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thông tin, dịch vụ tiền gửi thanh toán và đi lại của hành khách; dịch vụ hàng hóa quá cảnh, dịch vụ logistics được triển khai hiệu quả.
Hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ được đầu tư xây dựng; hàng hóa bán buôn, bán lẻ phong phú, đa dạng về chủng loại, đáp ứng nhu cầu sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Dịch vụ du lịch ngày càng phát triển tại thành phố Lạng Sơn, thị trấn Đồng Đăng, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh…; đã ban hành quyết định công nhận các điểm du lịch trong phạm vi KKT cửa khẩu. Hàng năm Tỉnh năm tổ chức Lễ hội Hoa đào – Xuân Xứ Lạng và các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân với các hoạt động trọng tâm, tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về du lịch Lạng Sơn, xây dựng hệ thống website liên kết phát triển du lịch với Lạng Sơn… Giai đoạn 2008-2023, tại KKT cửa khẩu thu hút trên 37,9 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 15,9 nghìn tỷ đồng.
Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được tăng cường và đạt hiệu quả. Đến nay, hoạt động buôn lậu cơ bản đã được kiểm soát và không có diễn biến phức tạp. Kết quả giai đoạn 2008 – 2023, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 78.465 vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không được phép lưu thông trên thị trường với tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính trên 1.665 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách trong KKT cửa khẩu giai đoạn 2008 – 2023 đạt trên 88.365 tỷ đồng, trong đó thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu liên tục tăng qua các năm, giai đoạn 2012 – 2023 tại 4 cửa khẩu trong KKT cửa khẩu thu đạt 5.291,9/6.402,7 tỷ đồng, chiếm trên 82% số thu trên toàn bộ các cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt trên 58.891 tỷ đồng, góp phần bổ sung nguồn để đầu tư những dự án trọng điểm xây dựng kết cấu hạ tầng trong KKT cửa khẩu.
Những kết quả trên đã khẳng định rõ nét hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ tại KKT cửa khẩu diễn ra rất sôi động và đầu tư kinh doanh đạt được hiệu quả cao, là “lực kéo” quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn Tỉnh.
Quang cảnh khách làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu quôc tế Hữu nghị, tỉnh Lạng Sơn |
Triển khai đồng bộ và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước
Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn (Ban Quản lý) là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Lạng Sơn, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với KKT cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, các của khẩu và các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. 15 năm qua, tập thể Ban Quản lý đã phấn đấu nỗ lực, đồng sức đồng lòng hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao trong công tác quản lý nhà nước và phát triển KKT cửa khẩu và các khu công nghiệp (KCN), trên địa bàn.
Công tác quản lý quy hoạch luôn đi trước một bước
Từ năm 2010 đến nay, các khu vực cửa khẩu, các khu chức năng trong KTT cửa khẩu đã được lập và điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng; đã hoàn thành và được phê duyệt 198 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và hồ sơ điều chỉnh cục bộ. Ngay sau khi các đồ án quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chính quyền các địa phương có liên quan đã tổ chức thực hiện công bố, công khai nội dung đồ án quy hoạch tại các địa điểm thuận lợi cho nhân dân biết và tham gia thực hiện giám sát đúng quy định.
Quy hoạch chi tiết xây dựng tại các cửa khẩu và KTT cửa khẩu cơ bản đã cụ thể hóa được nội dung định hướng tại đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KTT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg, ngày 08/7/2010; đã kịp thời triển khai công tác lập các đồ án quy hoạch theo các cấp độ từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết xây dựng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh. Đến nay các khu vực cửa khẩu cơ bản đã được lập quy hoạch chung, một phần diện tích quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 và 1/500, cơ bản đáp ứng công tác quản lý nhà nước về quy hoạch nhằm phục vụ công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, quản lý đất đai, quy hoạch khu dân cư, bảo đảm yêu cầu quản lý biên giới, cửa khẩu.
Kiểm tra hàng hóa tại trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu Na Hình, tỉnh Lạng Sơn |
Đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong KKT cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn được Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn và các ban, ngành chức năng trong Tỉnh triển khai quyết liệt và hiệu quả. Tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư giai đoạn 2008 – 2023 trong KKT cửa khẩu là trên 1.154,2 ha; tổng số tổ chức, hộ gia đình cá nhân ảnh hưởng là 12.261 hộ. UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành thống kê, kiểm đếm, lập phương án và phê duyệt phương án với tổng kinh phí bồi thường trên 1.986 tỷ đồng; tiến hành chi trả kinh phí bồi thường các dự án được 9.964 hộ với tổng kinh phí chi trả trên 1.622 tỷ đồng, bàn giao mặt bằng trên 803,8 ha cho các chủ đầu tư để thực hiện dự án.
Trong giai đoạn 2008 – 2023, ngân sách nhà nước đã bố trí trên 12.200 tỷ đồng để tập trung đầu tư xây dựng các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trọng yếu tại các khu vực cửa khẩu và thành phố Lạng Sơn; đến nay đã hoàn thành nhiều công trình hạ tầng quan trọng đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả kết cấu hạ tầng khu vực thành phố Lạng Sơn và các cửa khẩu từng bước được đầu tư khang trang và đồng bộ, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước qua địa bàn.
Ngoài ra, các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách cũng đã làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị, góp phần xây dựng KKT cửa khẩu hiện đại, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển của KKT cửa khẩu (dự án khu đô thị Phú Lộc I + II, III và IV, dự án khu đô thị Nam Hoàng Đồng I, dự án tổ hợp thương mại khách sạn và nhà phố Shophouse Vincom Lạng Sơn…).
Hạ tầng giao thông, đô thị, cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc trong KKT của khẩu nói riêng và trên địa bàn TP. Lạng Sơn nói chung được đầu tư đồng bộ, hiện đại đã phát huy hiệu quả rõ rệt; Tỉnh đang tiếp tục triển khai dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng (dự án thành phần 2 của dự án tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn) theo hình thức BOT.
Về hạ tầng bến bãi, tại các khu vực cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh có 23 dự án đầu tư kinh doanh bến bãi với số vốn đăng ký trên 3.400 tỷ đồng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cơ bản đáp ứng được nhu cầu; trong đó có 8 dự án đầu tư kinh doanh kho, bãi tại 4 cửa khẩu thuộc KKT cửa khẩu với tổng vốn đăng ký gần 1.950 tỷ đồng. Hầu hết các dự án đã đầu tư xây dựng và hoạt động ổn định, phát huy được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động thương mại dịch vụ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh sôi động trong KKT cửa khẩu, góp phần tăng thu ngân sách lớn cho nhà nước.
Hoạt động thương mại tại cửa khẩu Nà Nưa |
Xây dựng nhiều chính sách ưu đãi trong KKT cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn
Được biết, những năm qua Chính phủ và UBND tỉnh Lạng Sơn đã luôn quan tâm áp dụng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đối với KKT cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn ngoài. Ngoài các cơ chế, chính sách của Trung ương về KKT, KCN, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chung vào địa bàn Tỉnh cũng như áp dụng trong KKT cửa khẩu như: Thành lập Quỹ đầu tư phát triển cho vay không có tài sản bảo đảm; chính quyền bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020; thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Tỉnh; ban hành quy định về mức thu, cơ quan tổ chức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh và một số chính sách khác. UBND Tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2011/QĐ-UBND, ngày 14/6/2011 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Điều trong Quy định một số chính sách hỗ trợ và ưu đãi đầu tư vào KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn ban hành kèm theo Quyết định số 06/2009/QĐ-UBND, ngày 11/5/2009 của UBND Tỉnh…
Chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp được tăng cường, với 1.297 doanh nghiệp được các ngân hàng trên địa bàn cam kết cho vay mới, trong đó tổng số tiền cam kết đạt 13.041 tỷ đồng. Thực hiện cơ cấu lại nợ đối với 603 khách hàng với dư nợ 1.300 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn cho 79.475 khách hàng với dư nợ 26.433 tỷ đồng, trong đó số lượng khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ là 1.541 khách hàng với tổng dư nợ được hỗ trợ là 11.524 tỷ đồng.
Hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu biên giới qua ngân hàng thương mại được áp dụng rộng rãi và đem lại hiệu quả, hạn chế việc thanh toán bằng tiền mặt, tiết kiệm được ngoại tệ (USD) trong thanh toán xuất nhập khẩu. Đến thời điểm hiện nay, có 12/15 ngân hàng thương mại đã ký kết thỏa thuận thanh toán biên giới với các chi nhánh ngân hàng Trung Quốc để thực hiện hoạt động thanh toán biên mậu, với doanh số thanh toán xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2013 – 2022 đạt 21.714 triệu USD.
Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Phò Nhùng |
Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Với phương châm hoạt động: “Thành công của nhà đầu tư chính là thành công của KKT cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn”, cán bộ công chức, viên chức Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn đã không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, khẳng định rõ nét nhất vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động trong các hoạt động công tác. Đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong KKT cửa khẩu và các KCN trên địa bàn Tỉnh.
Trọng tâm là nâng cao chất lượng công tác tham mưu, xử lý công việc ở các cấp, ngành và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Các cơ chế, chính sách được ban hành đồng bộ, kịp thời, sát với thực tiễn; tổ chức bộ máy từng bước tinh gọn; trình độ, năng lực và ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được chuẩn hoá, nâng cao; thủ tục hành chính từng bước được đơn giản hóa, cập nhật, sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục không còn phù hợp và công bố, công khai đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, quản lý doanh nghiệp, xuất nhập khẩu…; cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn Tỉnh, đặc biệt đã ứng dụng Nền tảng cửa khẩu số từ ngày 21/02/2022 tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh, việc triển khai xây dựng mô hình quản lý hải quan thông minh đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đổi mới tác phong, lề lối làm việc, từng bước nâng cao hiệu quả, công khai, minh bạch, tiết giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh đã quan tâm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục, nâng cao các Chỉ số đánh giá, các chỉ số cơ bản được cải thiện cả về thứ hạng và điểm số qua các năm; ban hành Đề án “Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022 -2025”; triển khai đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) và Chỉ số cải cách hành chính các sở, ngành, UBND cấp huyện. Qua đó, đã góp phần thu hút sự quan tâm, tin tưởng của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước trong việc đầu tư các công trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Tỉnh.
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019, UBND tỉnh Lạng Sơn đã xem xét lựa chọn, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định lựa chọn nhà đầu tư, cấp chứng nhận đăng ký đầu tư và ký kết các biên bản ghi nhớ, đăng ký đầu tư vào tỉnh Lạng Sơn cho 102 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký lên đến trên 105.000 tỷ đồng (cho hơn 80 nhà đầu tư trong và ngoài nước); trong đó, KKT cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn có 32 dự án với số vốn đăng ký hơn 72.633 tỷ đồng.
Cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn |
Phát triển toàn diện văn hóa – xã hội
Trên địa bàn KKT cửa khẩu được các cấp chính quyền quan tâm xây dựng đời sống văn hóa vững mạnh, hầu hết các khu phố, thôn, bản đều có nhà văn hoá. Hoạt động văn hóa, văn nghệ được triển khai rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Cùng với đó, việc chăm lo cho đời sống tinh thần cho nhân dân ngày càng được đẩy mạnh, bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản văn hoá, các di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo kịp thời; thực hiện tốt các Đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn Tỉnh. Qua đó giúp cho nhân dân luôn vui tươi, phấn khởi thêm tin yêu cuộc sống, cũng như tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và các cấp chính quyền địa phương.
Công tác giáo dục và đào tạo dần ổn định về quy mô, tập trung vào nâng cao chất lượng dạy và học; hầu hết các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp đều nằm trên địa bàn thành phố thuộc KKT cửa khẩu. Hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng khang trang, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn. Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp ở các bậc học luôn cao hơn mức trung bình của cả tỉnh. Trong phạm vi KKT cửa khẩu có 81 trường học, với 1.275 lớp và 43.002 học sinh, trong đó có 47 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt trên 99%.
Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn KKT cửa khẩu đã có những chuyển biến tích cực; công tác giáo dục nghề nghiệp được quan tâm thực hiện, người lao động đã chủ động tham gia học nghề để tìm kiếm việc làm. Từ năm 2008 đến hết năm 2023, đã giải quyết việc làm mới cho hơn 200.000 người lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho khoảng 13.000 lao động; đã tuyển sinh và đào tạo được 172.357 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 27%.
Mạng lưới y tế phát triển, các bệnh viện trung tâm nằm trên địa bàn KKT cửa khẩu đều đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, trong đó có 2 bệnh viện tuyến tỉnh được đầu tư xây dựng mới. Mạng lưới y tế tư nhân ngày càng phát triển, đến nay toàn tỉnh có tổng số 670 cơ sở hành nghề y, dược, chủ yếu tập trung tại khu vực TP. Lạng Sơn, huyện Cao Lộc; tuy nhiên đến nay trên địa bàn Tỉnh chưa có bệnh viện tư nhân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư, nâng cấp hoàn thiện, đầy đủ, đảm bảo phục vụ nhu cầu y tế của người dân; đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tiến hành truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch kịp thời, hạn chế lây lan rộng rãi ra cộng đồng.
Các lực lượng chức năng làm việc tại trạm kiểm soát liên hợp Nà Nưa |
Bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại
Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự án toàn xã hội địa bàn khu vực biên giới nói chung và KKT cửa khẩu nói riêng được giữ vững, ổn định, tiềm lực quốc phòng an ninh được tăng cường. Nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện trên tinh thần kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Kết quả tình hình an ninh chính trị luôn ổn định, không hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự; các vấn đề, vụ việc phạm pháp hình sự, kinh tế, môi trường, an toàn giao thông… đều được kịp thời phát hiện, xử lý, giải quyết dứt điểm. Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu phía Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các lực lượng chức năng phía Trung Quốc trong công tác quản lý biên giới, đảm bảo an ninh trật tự, quản lý các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, trao đổi thông tin liên lạc… giải quyết các vụ việc xảy ra tại cửa khẩu nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Quan hệ đối ngoại được duy trì, tăng cường và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với phía Trung Quốc, trọng tâm là Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Duy trì thường niên Chương trình “Gặp gỡ đầu Xuân” giữa các Bí thư Tỉnh ủy và Hội nghị Ủy ban Công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc)…; các sở, ban, ngành thường xuyên trao đổi, hội đàm, gặp gỡ với các cơ quan chức năng liên quan phía Quảng Tây, Trung Quốc để trao đổi công tác quản lý cửa khẩu, đấu nối giao thông đường bộ, thương mại biên giới, công tác quản lý lao động phổ thông làm thuê, giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác quản lý biên giới, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn; thỏa thuận các nội dung hợp tác giữa hai bên liên quan đến các lĩnh vực kinh tế – xã hội, thương mại, văn hóa, du lịch… Đặc biệt trong giai đoạn 2020 – 2022 khi dịch Covid-19 bùng phát, các cơ quan tăng cường phối hợp, trao đổi với các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc, linh hoạt áp dụng các phương thức hội đàm trên đường biên giới, hội đàm trực tuyến, trao đổi qua thư công tác, điện đàm…; phối hợp triển khai các phương thức giao nhận hàng hóa phù hợp để vừa thúc đẩy thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Nhà kiểm soát liên hợp cửa khẩu Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn |
Hoàn thiện bộ máy tổ chức Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn
Ngay từ những ngày đầu được thành lập, để đảm bảo công tác chỉ đạo xây dựng KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn được thông suốt, phát huy cao được hiệu lực và hiệu quả hoạt động, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các Quyết định về thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng KKT cửa khẩu và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo.
Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, giúp việc Ban Chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Hiện nay, để kịp thời cụ thể hóa các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý được quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ, Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật chuyên ngành, Ban Quản lý đã trình UBND Tỉnh ban hành Quyết định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý (thay thế Quyết định số 18/2021/QĐ-UBND ngày 13/7/2021 của UBND tỉnh).
Đến thời điểm ngày 10/12/2023, Ban Quản lý có tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là 90 người. Cơ cấu tổ chức bộ máy gồm có: 1 Trưởng ban và 3 Phó Trưởng ban; bộ máy giúp việc gồm: Văn phòng, các Phòng: Kế hoạch tổng hợp, Quản lý doanh nghiệp, Quản lý hạ tầng và đơn vị sự nghiệp trực thuộc là Trung tâm Quản lý cửa khẩu.
Hiện nay, cũng như các Ban Quản lý KCN, KKT tại các địa phương khác trong cả nước, Ban Quản lý KKT khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn tiếp tục rà soát, hoàn thiện bộ máy tổ chức theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên thực tế chưa có hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 35/NĐ-CP, nên việc tham mưu cho UBND Tỉnh ban hành quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cũng còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Quang cảnh lưu thông hàng hóa tại trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn |
Triển khai hiệu quả công tác phối hợp trong thực thi công vụ
Thực hiện Quy chế phối hợp quản lý nhà nước giữa Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn với các sở, ngành, UBND các huyện và thành phố Lạng Sơn trên các lĩnh vực quản lý nhà nước (đầu tư, xây dựng, đất đai, thương mại, đối ngoại…), thời gian qua Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn luôn phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các sở, ngành và UBND các huyện biên giới thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành trong KKT cửa khẩu, cũng như các khu vực được giao quản lý. Trong quá trình thực hiện Quy chế phối hợp đã kịp thời xử lý các sự việc phát sinh tại cửa khẩu, đảm bảo các hoạt động tại cửa khẩu diễn ra thuận lợi, thông suốt, góp phần nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn.
Thiết lập và duy trì tốt mối quan hệ giữa Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn và các cơ quan chức năng tại cửa khẩu phía Quảng Tây, Trung Quốc để giải quyết các vướng mắc về thông quan hàng hóa, các vướng mắc của doanh nghiệp, các hoạt động đối ngoại giao lưu, công tác quy hoạch cửa khẩu… Qua đó, góp phần xây dựng khu vực biên giới hữu nghị, hòa bình, hợp tác, phát triển.
Sau 15 năm, Ban Quản lý đã triển khai hoạt động quản lý nhà nước ngày càng ổn định và phát triển, phát huy cao hiệu quả hoạt động trong thực thi công vụ đối với KKT cửa khẩu. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, các lực lượng quản lý cửa khẩu ngày càng chặt chẽ, đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm vệ sinh môi trường, duy trì cảnh quan sạch đẹp, bảo dưỡng duy tu khắc phục sửa chữa kịp thời, góp phần mang lại bộ mặt KKT của khẩu ngày càng khang trang, hiện đại. Cùng với đó, cơ cấu tổ chức bộ máy của Ban Quản lý ngày càng hoàn thiện với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có năng lực, trình độ chuyên môn chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trung tâm quản lý cửa khẩu đã thực hiện tốt vai trò đầu mối quản lý, giám sát các hoạt động tại cửa khẩu, kịp thời tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, đảm bảo các hoạt động tại cửa khẩu diễn ra thuận lợi, thông suốt, góp phần giữ vững ồn định và phát triển môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn KKT cửa khẩu.
Nhà kiểm soát liên hợp cửa khẩu Na Hình, tỉnh Lạng Sơn |
Với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, sự điều hành quyết liệt và hiệu quả của Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn và các ngành chức năng, địa phương trong Tỉnh, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, phấn đấu nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể cán bộ công chức, viên chức Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn, chắc chắn KKT cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn sẽ ngày càng được xây dựng và phát triển vững mạnh, thật sự trở thành “xương sống” của kinh tế Lạng Sơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Tỉnh ngày một mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa./.