Về nông nghiệp, tính đến trung tuần tháng 11, cả nước thu hoạch được 1.385,8 nghìn ha lúa mùa, chiếm 89,7% diện tích gieo cấy và bằng 103,5% cùng kỳ năm trước. Tiến độ thu hoạch lúa mùa sớm hơn so với cùng kỳ năm trước do điều kiện thời tiết thuận lợi, các địa phương chủ động gieo cấy sớm để ứng phó với xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu. Trong khi đó, diện tích gieo trồng lúa thu đông năm 2023 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 708,8 nghìn ha, tăng 60,8 nghìn ha so với vụ thu đông năm trước, do giá lúa tươi luôn ổn định ở mức cao nên người dân đã tranh thủ xuống giống mở rộng diện tích.

Chăn nuôi gặp khó khăn do giá lợn hơi thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi giảm chậm, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại ở một số địa phương
Chăn nuôi gặp khó khăn do giá lợn hơi thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi giảm chậm, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại ở một số địa phương

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng không biến động lớn, đàn trâu vẫn tiếp tục xu hướng giảm do diện tích đất chăn thả bị thu hẹp và hiệu quả kinh tế không cao. Hiện là thời điểm người chăn nuôi tập trung tái đàn, tăng đàn gia súc, gia cầm để cung ứng ra thị trường vào dịp lễ, tết cuối năm và đầu năm mới. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá thị lợn hơi thấp, trong khi chi phí đầu vào cao, dịch tả lợn châu Phi quay trở lại ở một số địa phương. Để ổn định thị trường sản xuất và tiêu thụ gia súc, gia cầm trong nước, cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp chống đầu cơ, thao túng giá, đảm bảo lợi ích của người chăn nuôi và người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh.

Về lâm nghiệp, trong tháng 11/2023, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 11/2023 ước đạt 33,3 nghìn ha, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước do thời tiết không thuận lợi làm ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng mới; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 8,3 triệu cây, tăng 4,1%; sản lượng gỗ khai thác đạt 2.074,2 nghìn m3, tăng 2,6%. Tính chung 11 tháng năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 261,9 nghìn ha, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 92 triệu cây, tăng 4,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 18,2 triệu m3, tăng 2,9%.

Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng là 30,2 ha, giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu do rừng bị chặt, phá là 30,1 ha, giảm 35,7%. Tính chung 11 tháng năm 2023, cả nước có 1.690,7 ha rừng bị thiệt hại, tăng 61,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 1.021,1 ha, tăng 1,1%; diện tích rừng bị cháy là 669,6 ha, gấp 17,7 lần, chủ yếu tập trung vào những tháng hè do thời tiết nắng nóng kéo dài.

Về thủy sản, sản lượng thủy sản tháng 11 ước đạt 836,3 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 582,5 nghìn tấn, tăng 2,5%; tôm đạt 134,7 nghìn tấn, tăng 7,0%; thủy sản khác đạt 119,1 nghìn tấn, tăng 2,4%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 550,6 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, cá đạt 368,1 nghìn tấn, tăng 4,2%; tôm đạt 121,4 nghìn tấn, tăng 7,8%.

Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước đạt 285,7 nghìn tấn, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 214,4 nghìn tấn, giảm 0,2%; tôm đạt 13,3 nghìn tấn, tương đương cùng kỳ năm trước; thủy sản khác đạt 58 nghìn tấn, giảm 0,3%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 265,2 nghìn tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của thời tiết ngư trường không thuận lợi và các tàu đánh bắt đã dần thực hiện nghiêm quy định chống đánh bắt Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) nên sản lượng khai thác giảm.

Tính chung 11 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 8.473,5 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 6.024,8 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 1.231,6 nghìn tấn, tăng 5,2%; thủy sản khác đạt 1.217,1 nghìn tấn, tăng 1,8%./.