Tạm giữ 52 tấn gạo nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt tại tỉnh Bến Tre

Tạm giữ 52 tấn gạo nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt tại tỉnh Bến Tre

(VietQ.vn) – Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre vừa tạm giữ 1.040 bao gạo trắng nhập khẩu từ Ấn Độ (tương đương 52 tấn) không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định.

Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Bến Tre) vừa tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh gạo tại ấp An Định 2, xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri (Bến Tre) phát hiện, tạm giữ 1.040 bao gạo trắng nhập khẩu từ Ấn Độ (tương đương 52 tấn) không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa là trên 600 triệu đồng.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ số lượng gạo vi phạm trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại diện Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Bến Tre) cho biết, trước tình hình mặt hàng gạo ngoại nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn, ảnh hưởng đến thị trường gạo trong nước, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng gạo.

 Số gạo nhập khẩu không có nhãn phụ bị thu giữ

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh gạo chấp hành đúng các quy định của pháp luật, nhất là mặt hàng gạo nhập khẩu.

Liên quan đến hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, theo Khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.

Đồng thời, khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP cũng quy định về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này”.

Như vậy, theo quy định này, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu và các tổ chức, cá nhân khi bày bán, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu phải chấp hành đúng quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu.

 Bảo Linh (t/h)

Nguồn: https://vietq.vn/tam-giu-52-tan-gao-nhap-khau-khong-co-nhan-phu-tieng-viet-tai-tinh-ben-tre-d212284.html