Kinh doanh & pháp luật, Nông - Lâm - Thủy sản, Thị trường và giá cả, Thông tin
Sử dụng các sản phẩm mạo danh sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu gây ảnh hưởng tới sức khỏe
Sử dụng các sản phẩm mạo danh sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu gây ảnh hưởng tới sức khỏe
Phát hiện khoảng 2kg củ sâm Ngọc Linh có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ là sâm giả tại phiên chợ sâm Ngọc Linh. Ảnh: tuổi trẻ.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, bởi vậy các sản phẩm giúp nâng cao sức khỏe được ưa chuộng nhiều, đặc biệt là cây sâm và các sản phẩm từ sâm. Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm chính hãng thì thời gian qua lại xuất hiện những thương nhân buôn bán “sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu” với mức giá rẻ hơn sâm chính gốc đến vài chục lần, điều này gây hoang mang trong dư luận và làm lũng đoạn thị trường sâm Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, từ năm 2018, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành nắm bắt, giám sát các địa bàn trong nội địa về hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với dược liệu, trong đó có cây sâm. Riêng 8 tháng đầu năm nay đã kiểm tra phát hiện hơn 4.400 vụ việc và xử lý 2.400 vụ.
“Chúng tôi không chỉ phát hiện nhiều cửa hàng bán sâm củ, mà còn phát hiện thêm nhiều sản phẩm bánh, kẹo, mỹ phẩm, dược phẩm mạo danh nguồn gốc sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu”, ông Nguyễn Đức Lê nói.
Hiện nay, Việt Nam có hai vùng trồng sâm có giá trị tại Việt Nam là: vùng sâm Ngọc Linh trồng tại Quảng Nam, Kon Tum và vùng trồng sâm Lai Châu tại tỉnh Lai Châu. Giá sâm Ngọc Linh chính gốc loại 1 lên đến hơn 300 triệu đồng/kg, sâm Lai Châu cũng có giá trên 120 triệu đồng/kg.
|
Cũng theo ông Lê, để phân định, xử lý được việc mạo danh sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu thì công tác giám định nguồn gốc sâm rất phức tạp. Bản chất cây sâm Trung Quốc chuyển về có nguồn gen giống cây sâm Việt Nam, chỉ khác quy trình trồng. Quy trình trồng sâm ở Trung Quốc rất ngắn, thường sử dụng chất kích thích, hóa chất nên chỉ 2-3 năm đã cho thu hoạch. Người tiêu dùng không biết, sử dụng chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ông Nguyễn Trọng Lịch, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết, sâm Lai Châu được phát hiện từ năm 2013. Thấy giá trị của sâm nên nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tích cực tham gia phát triển sâm. Hiện tỉnh trồng được 35 ha sâm với 22 doanh nghiệp, trên 200 hộ gia đình tham gia.
Việc phát triển sâm ở Lai Châu hiện mới ở giai đoạn bước đầu. Sâm Lai Châu vẫn chưa khai thác được nên nếu có sản lượng không đáng kể vì mới đưa vào trồng thử nghiệm. Do đó chưa có sản phẩm bán đại trà và mới chế biến ở mức đơn giản như ngâm rượu, ngâm mật ong…
Bên cạnh đó, để bảo vệ nguồn gen sâm Ngọc Linh, ông Trần Đức An, Giám đốc điều hành Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum chia sẻ, ngoài cách quản lý vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, quản lý qua mã QR theo cơ quan quản lý nhà nước với 2.200 cây gốc, công ty đã tự định danh mỗi cây bằng chip. Nhờ cách này, mỗi cây đều có hồ sơ sản xuất và theo dõi được sự di chuyển của cây sâm. Nếu cây được đưa ra thị trường thì 2.200 cây đó sẽ được giám sát trên thị trường.
Với sâm để làm nguyên liệu chế biến, việc tạo ra bao nhiêu sản phẩm sẽ được tính toán, báo cáo đầy đủ với cơ quan chức năng. Qua đó có thể giám sát được sản lượng sản xuất ra phù hợp với lô nguyên liệu đó, tránh tình trạng pha trộn, sản lượng bán cao hơn sản lượng sản xuất được.
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 1/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định 611/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Mục tiêu chung của chương trình là xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y-dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030 là bảo tồn nguồn gen sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; Phấn đấu diện tích trồng sâm Việt Nam đạt khoảng 21 nghìn ha vào năm 2030, 100% diện tích trồng sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; Sản lượng khai thác sâm từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000ha/ năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP-WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương; Đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Việt Nam gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-WHO.
Định hướng đến năm 2045 phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.
Thanh Tùng
Nguồn: https://vietq.vn/su-dung-cac-san-pham-mao-danh-sam-ngoc-linh-sam-lai-chau-gay-anh-huong-toi-suc-khoe-d213958.html |