Sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 02 tháng đầu năm 2024: Bước khởi đầu tích cực

Sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 02 tháng đầu năm 2024: Bước khởi đầu tích cực

Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Do vậy, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trong 02 tháng đầu năm 2024 đã tạo ra bước khởi đầu tích cực.

Hiện thực hóa các nhiệm vụ được giao

Năm 2024, phát triển kinh tế – xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng tiếp tục diễn ra trong bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong hai năm qua. Sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế có độ mở lớn của nước ta trong thời gian tới. Xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ; chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; Mỹ nâng cao và gắn các tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ…với thương mại); Xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét. Xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ngày càng rõ nét và đang định hình lại các hình thức, loại hình dự án FDI trên toàn cầu. Việc các nước đang tiến tới áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng nhất định đến dòng vốn đầu tư trực tiếp toàn cầu và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của mỗi nước. Đồng thời, đầu tư toàn cầu có xu hướng dịch chuyển mạnh sang lĩnh vực kỹ thuật số, các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật số đang phát triển nhanh và thay đổi bản chất của đầu tư xuyên biên giới. Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam đang khai thác có hiệu quả các Hiệp định FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu của nước ta đã và sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội và cả sức ép cạnh tranh mới…

Ở trong nước, năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ nặng nề là phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các năm đầu của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 và biến động địa chính trị toàn cầu. Trên cơ sở đánh giá toàn diện bối cảnh tình hình, Đảng và Chính phủ đã đề ra các định hướng và giải pháp cơ bản nhằm thực hiện mục tiêu của năm 2024 là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiên trì mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đặt ra thách thức cho phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong năm 2024. Các giải pháp và nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 được các Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, tích cực ngay từ những ngày đầu của năm 2024. Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ để thống nhất tổ chức triển khai trong toàn ngành. Theo đó, trên cơ sở các nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa thành các nhiệm vụ giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để tổ chức triển khai thực hiện.

Theo Báo cáo Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 2/2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2024 ước tính giảm 18% so với tháng trước và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2024 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có một số ngành tăng cao ở mức hai con số như: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 27,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 25,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 23,4%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 23,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,1%; dệt tăng 17,6%….

Bên cạnh đó, trong hai tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng ở 56/63 địa phương. Đặc biệt, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao ở mức hai đến ba con số do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoặc ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa là điểm sáng nổi bật trong hai tháng đầu năm 2024 với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 13,3%), trong đó xuất khẩu tăng 19,2%; nhập khẩu tăng 18% và cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD. Trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu tới các thị trường lớn phục hồi tốt và đạt mức tăng cao. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Nhật Bản ước tăng 19,6%; EU ước tăng 14,2%, Trung Quốc ước tăng 7,7%… Như vậy, sự khởi đầu thuận lợi trong hai tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong năm 2024.

Về thị trường trong nước, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.031,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 14,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,0% (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,9%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 798,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,4% tổng mức và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%).

Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã luôn theo dõi bám sát tình hình cung cầu, giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước để có phương án chỉ đạo bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Trong thẩm quyền và trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương đã thực hiện các biện pháp sau để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Linh hoạt các giải pháp theo diễn biến thị trường

Nhìn chung, cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước đồng thời cho thấy kết quả rất khả quan trong hai tháng đầu năm 2024, tiếp nối đà phục hồi cuối năm 2023. Những kết quả tích cực đạt được, chủ yếu là do: Hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm; Kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI giúp tăng năng lực sản xuất trong nước; Sự phục hồi của thị trường thế giới, dần chuyển sang trạng thái mới, thích ứng với những biến động lớn các năm 2022, 2023; Số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 10/2023; Những nỗ lực trong việc đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ với các đối tác thương mại lớn của nước ta như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư; Năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước, được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, niềm tin của nhà đầu tư, nỗ lực của doanh nghiêp và xu hướng phục hồi của thị trường thế giới.

Mặc dù các kết quả 2 tháng đầu năm 2024 rất khả quan nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn như lãi suất còn cao, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động; các thị trường xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững; năm 2024 diễn ra nhiều cuộc bầu cử nên có thể dẫn đến nhiều thay đổi chính sách, đặc biệt các chính sách dân túy, mang tính bảo hộ, hạn chế thương mại, tại các đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Nga, Ấn Độ; tình trạng nắng nóng gay gắt trên diện rộng do hiện tượng El Nino gây sức ép về bảo đảm cung cấp đủ điện… Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, trong thời gian tới ngành Công Thương sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ như sau:

 (i) Thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị 06/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; đồng thời, tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ.

(ii) Tập trung hoàn thiện thể chế:

– Xây dựng trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội 04 dự thảo Luật (Luật Hóa chất, Luật Điện lực (sửa đổi) đã đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024; Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm và Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đang đề xuất bổ sung);

– Hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái; giá mua điện từ Lào.

(ii) Tập trung triển khai các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng khoáng sản ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là Quy hoạch điện 8 để khuyến khích đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trọng điểm, tạo đà tăng trưởng công nghiệp những năm tiếp theo

Nguồn: Moit.gov
Link nguồn

Nguồn: https://thongtincongthuong.vn/san-xuat-cong-nghiep-va-hoat-dong-thuong-mai-02-thang-dau-nam-2024-buoc-khoi-dau-tich-cuc/