Kinh doanh & pháp luật, Sức khỏe, Sức khỏe cộng đồng, Thông tin
Rao bán thuốc chữa Covid-19 tràn lan ở Sài Gòn
Rao bán thuốc chữa Covid-19 tràn lan ở Sài Gòn
Cha mẹ mắc Covid-19 nhưng không được trạm y tế phát thuốc kháng virus molnupiravir, anh Minh Long, 22 tuổi, lên mạng tìm mua, nhận được hàng chục cuộc gọi, tin nhắn chào hàng.
“Những người bán đều khẳng định thuốc của họ là hàng tốt, hàng nhà nước tuồn ra, hay hàng nhập khẩu từ Ấn Độ, Nga, Mỹ… và đảm bảo chất lượng. Giá mỗi nơi một kiểu, song họ đều từ chối cho tôi đến xem thuốc trực tiếp, đồng ý mua thì họ ship đến”, anh Long (ngụ quận 8) cho biết.
Trong đó, có người giới thiệu, tư vấn rất nhiệt tình, nhưng khi anh Long hỏi kỹ thì mới 18 tuổi. Người khác nói mình vốn là F0, đã mua thuốc molnupiravir uống khỏi bệnh nhưng giờ dư muốn bán lại. Cũng có người chuyên bán thuốc tây nhưng tư vấn không rõ ràng, thậm chí có người giới thiệu mình là bác sĩ…
Cha mẹ Long 60 tuổi, phát hiện dương tính nCoV hôm 25/11, có các triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi. Bố anh bị bệnh nền hẹp van tim, u ruột và đã phẫu thuật cắt bỏ mật. Long liên hệ trạm y tế địa phương, được phát túi thuốc A (thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng). Gia đình đề nghị được nhận túi C (thuốc kháng virus molnupiravir) nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu.
TP HCM đang thiếu thuốc molnupiravir trong bối cảnh mỗi ngày có hàng nghìn F0 mới. Không chỉ gia đình anh Long mà ở tất cả quận huyện đều có nhiều F0 không thể tiếp cận với loại thuốc này.
“Cha mẹ lớn tuổi, lại có bệnh nền, tôi không dám chủ quan. Có bác sĩ quen ủng hộ, tôi quyết định tìm mua thuốc kháng virus như molnupiravir hoặc favipiravir cho cha mẹ, tránh nguy cơ trở nặng”, anh Long lý giải. Sau thời gian tìm hiểu, cuối cùng, anh đã mua thuốc favipiravir 200 mg, được giới thiệu là do Ấn Độ sản xuất, với giá gần 6 triệu đồng một liệu trình gồm 40 viên uống.
Sau 5-6 ngày uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ quen, cha mẹ anh âm tính. Nhưng bố anh sau đó vẫn phải nhập viện vì khó thở, kết quả chẩn đoán bị tổn thương 20% phổi.
Chị Thuận (27 tuổi) cũng mất nhiều ngày lùng sục trên mạng tìm mua thuốc molnupiravir cho gia đình anh ruột ngụ quận 1, có ba người dương tính. Họ không được y tế phường phát túi thuốc C, trong khi người vợ vốn bị cao huyết áp, phải uống thuốc điều trị hằng ngày.
Chị được người đàn ông tên Nhân liên hệ, giới thiệu nên uống molnupiravir với liệu trình 20 viên trong 5 ngày, đảm bảo khỏi bệnh, giá 290.000 đồng một viên; hoặc thuốc favipiravir giá 150.000 đồng một viên. Ông này nói thuốc nhập trực tiếp từ nước ngoài và giống loại thuốc kháng virus các trạm y tế phát cho F0. “Thuốc tốt thì mới có giá cao. Tôi đứt hàng thường xuyên vì người dân mua nhiều”, ông nói với chị Thuận.
Cũng cam đoan có thuốc tốt, thanh niên tên Nghĩa nói thuốc molnupiravir 200 mg, mỗi hộp 40 viên đang bán 8,5 triệu đồng; loại 400 mg giá 14 triệu. Hàng được “xách tay” từ nước ngoài về, chỉ cần chốt giá, anh sẽ giao hàng tận nơi và nhận tiền mặt. Để củng cố niềm tin cho khách, Nghĩa nói mình đã kinh doanh thuốc này từ hơn 6 tháng trước và chưa có ai than phiền về chất lượng. “Chị lên trang cá nhân của em xem nhiều thông tin hơn về các loại thuốc, cũng như phản hồi của người mua trước”, anh này nói.
Ngoài ra, tài khoản Sang Nguyễn (giới thiệu trên trang cá nhân là bác sĩ của một bệnh viện tại TP HCM) cho biết, vì dịch bệnh đang “nóng” nên những loại thuốc kháng virus trên thị trường có giá rất đắt, nhất là molnupiravir 400 mg – thuốc đang được Bộ Y tế sử dụng thử nghiệm cho F0 tại nhà. Với loại này, Sang báo giá 12,7 triệu đồng một hộp. “Đảm bảo thuốc của Bộ Y tế vì chúng tôi lấy lại của các F0. Họ bị triệu chứng nhẹ, được y tế địa phương phát thuốc nhưng không uống, bán lại cho chúng tôi”, Sang nói.
Khảo sát của VnExpress cho thấy, giá các loại “thuốc kháng virus” đang rao bán khá đa dạng. Đắt nhất là molnupiravir loại 400 mg (20 viên) có giá từ 14,5 đến 16 triệu đồng; molnupiravir loại 200 mg (lọ 40 viên) từ 8,3 đến 9,6 triệu đồng; favipiravir 4-5 triệu đồng.
Thuốc kháng virus molnupiravir được Bộ Y tế đưa vào thí điểm điều trị cho F0 tại TP HCM từ ngày 16/8. Sau khi có kết quả thử nghiệm lâm sàng, thuốc chính thức được cấp phát diện rộng, miễn phí và có kiểm soát đặc biệt cho F0 điều trị tại nhà. Sau khi được Bộ Y tế phân bổ, Sở Y tế TP HCM căn cứ theo số lượng F0 từng đại bàn để cấp thuốc cho trung tâm y tế 22 quận huyện và TP Thủ Đức. Từ đây thuốc tiếp tục được đưa về các trạm y tế cố hữu, trạm y tế lưu động.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Thanh (Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất – đơn vị triển khai thử nghiệm lâm sàng molnupiravir trong điều trị Covid-19), hiện các loại thuốc kháng virus đều ở dạng thử nghiệm, phải được cấp phép bởi Bộ Y tế và có chỉ định của bác sĩ mới được sử dụng. Những người tham gia thử nghiệm thuốc đều phải ký các bản cam kết và tuân thủ các quy định của thử nghiệm. Nguồn cung cấp thuốc chính thức duy nhất ở Việt Nam chỉ có Bộ Y tế.
“Người dân không nên sử dụng thuốc kháng virus buôn bán trôi nổi trên thị trường vì đây là các nguồn không chính thống, khả năng bị làm giả rất cao. Nếu người bệnh uống phải thuốc giả, vừa không chữa được bệnh vừa có thể uống phải các hoạt chất có hại, gây hậu quả không thể hình dung hết được”, bác sĩ Thanh nói.
Ông cũng lưu ý rằng, thuốc kháng virus chính thống dù có độ an toàn cao, song vẫn có một số tác dụng phụ. Đặc biệt, những người thuộc nhóm chống chỉ định (phụ nữ có thai, người dưới 18 tuổi, hoặc trên 65 tuổi…) không nên tự ý mua thuốc về sử dụng bởi đến nay chưa có thử nghiệm nào đánh giá tác dụng phụ lâu dài của thuốc, cũng như nghiên cứu nguy cơ gây ra dị dạng bào thai, hay cơ thể trẻ em, người trên 65 tuổi có chịu đựng được tác dụng của thuốc hay không.
Liên quan tình trạng công khai mua bán thuốc molnupiravir trên mạng xã hội, một lãnh đạo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) nhận định thuốc xuất phát từ 2 nguồn: có thể là giả, hoặc được tuồn từ cơ sở y tế ra ngoài. Còn ông Tăng Chí Thượng (Giám đốc Sở Y tế TP HCM) nói: “Tôi khẳng định chuyện mua bán thuốc này là trái phép. Thuốc chưa sản xuất nên không có để mua. Công an sẽ xử lý những trường hợp vi phạm”.
Trong văn bản vừa ban hành, Sở Y tế cho biết tình trạng nhiều người chào bán các loại thuốc kháng virus không rõ nguồn gốc, xuất xứ với giá cao vì “lợi dụng tâm lý lo lắng và nhu cầu dự trữ thuốc điều trị Covid-19”. Việc kinh doanh trái phép các loại thuốc chưa được cấp giấy phép lưu hành có thể dẫn đến nguy cơ về sức khoẻ như bệnh trở nặng hoặc biến chứng do dùng thuốc giả, dùng thuốc không đúng chỉ định, dùng thuốc cho các đối tượng chống chỉ định hoặc không theo dõi tác dụng phụ…
Thời gian qua, Sở Y tế cũng đã phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) và Phòng cảnh sát Kinh tế (PC03) – Công an TP HCM, điều tra việc kinh doanh thuốc molnupiravir trên mạng xã hội. Lực lượng chức năng kiểm tra nơi làm việc, kho dược của Trung tâm Y tế quận Bình Tân, phát hiện thuốc molnupiravir còn thiếu 60 hộp. Một dược sĩ làm việc tại đây cho biết đã cấp cho khu cách ly 20 hộp, 40 hộp còn lại chưa được làm rõ cấp cho nơi nào. Còn tại quận Tân Phú, Trung tâm y tế quận nhận hai đợt tổng cộng 696 hộp thuốc molnupiravir và đã cấp phát tất cả số thuốc này. Trong quá trình sử dụng thuốc, do các địa bàn có nhu cầu khác nhau, trung tâm đã chuyển thuốc từ địa bàn này qua địa bàn khác.
Trước đó, đã có những trường hợp bị bắt tạm giam như Nguyễn Văn Thừa (40 tuổi, nhân viên y tế quận Bình Tân) và Huỳnh Phương Thảo (36 tuổi, nhân viên Trung tâm y tế quận Tân Phú). Trong đó, Thừa có nhiệm vụ tiếp nhận thuốc kháng virus molnupiravir 400 mg do Sở Y tế phân phối xuống, nhưng đã lén tuồn cho Thảo với giá 2 triệu đồng một hộp. Thảo sau đó đăng lên mạng bán giá gấp ba.
Thư Anh
Nguon: https://vnexpress.net/rao-ban-thuoc-chua-covid-19-tran-lan-o-sai-gon-4399283.html |