Quảng Ngãi: Rau rớt giá, nông dân lỗ nặng

Quảng Ngãi: Rau rớt giá, nông dân lỗ nặng

Ghi nhận tại cánh đồng chuyên canh rau các xã Tịnh An, Tịnh Long, Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi), hiện giá rau xà lách ở mức 1.000-2.000 đồng/kg, rau cải chỉ 1.000 đồng/kg, bắp sú chỉ 1.500-3.000 đồng/kg, hành lá chỉ 7.000-8.000 đồng/kg… Giá rau rớt liên tục trong 4 tháng qua khiến nông dân canh tác rau màu lỗ nặng.

Quảng Ngãi: Rau rớt giá, nông dân lỗ nặng ảnh 1

Thời tiết thuận lợi, rau xà lách xanh tốt nhưng giá chỉ 1.000-2.000 đồng/kg, nhiều thời điểm rớt xuống 500 đồng/kg. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Nguyễn Bàng (xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi) ngậm ngùi: “Rau rẻ quá, nhiều người bỏ cho heo, bò ăn. Mới đây, tôi bán rau xà lách chỉ có 500 đồng/kg, chất lên xe cả 1 tấn rau mà chỉ cầm về 500 ngàn đồng, không đủ trả công thuê một người cắt cỏ làm rau. Nhiều người chấp nhận bỏ rau cho bò ăn, rồi dùng máy băm lại ruộng”.

Ông Bàng nói, mỗi sào rau, đầu tư gần 3 triệu mà bán lỗ liên tục, nhưng nông dân có đất thì không thể để trống, dù lỗ vẫn xuống giống chờ giá lên.

Tương tự, ông Nguyễn Sơn (xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi) cũng có 5 sào, luân phiên trồng rau xà lách, cải, rau ngò. Ông nói: “Giá rau rẻ từ 4 tháng nay, hiện giá chỉ 1.000-2.000 đồng/kg, có lúc giá rau rớt 500-700 đồng/kg, người bán được thì vài trăm ngàn còn lại thương lái không mua, chỉ có cách cắt cho gà ăn”.

Quảng Ngãi: Rau rớt giá, nông dân lỗ nặng ảnh 2

Dù rau giá thấp nhưng nông dân vẫn thuê người cắt cỏ, công thuê thấp nhất 120.000 đồng/người/buổi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Đa số nông dân xã Nghĩa Dũng trồng rau cải, xà lách. Nhiều nông dân cho biết, mỗi vụ xà lách, cải có thời gian trồng đến thu hoạch ngắn nhất khoảng 30 ngày, hành lá khoảng 45 ngày, bắp sú khoảng 80-90 ngày thu hoạch, thời gian trồng càng lâu, công chăm sóc, bón phân nhiều, giá bán rẻ không đủ bù chi phí, thậm chí lỗ.

Trung bình mỗi sào rau, nông dân đầu tư phân bón, giống, thuốc, công cày, làm đất cũng chi phí ban đầu khoảng 1 triệu, chưa kể công chăm sóc, nhổ cỏ. Nếu thu hoạch 1 tấn/sào, bán ra 1.000 đồng/kg thì lỗ nặng. Theo nhiều nông dân, thuê người nhổ cỏ cũng phải trả 120 ngàn đồng/người/buổi. Điệp khúc “được mùa, mất giá” trong sản xuất nông nghiệp khiến nông dân lao đao.

Quảng Ngãi: Rau rớt giá, nông dân lỗ nặng ảnh 3

Rau bắp sú chỉ 1.500-3.000 đồng/kg, thời gian trồng đến thu hoạch gần 3 tháng, nhiều nông dân chịu lỗ. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Nguyễn Hiệu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Dũng, cho biết: “Hiện giá rau ở mức 1.000-2.000 đồng/kg, cách đây 1 tháng giá chỉ có 500-700 đồng/kg, nông dân bỏ rau làm phân bón luôn. Mặc dù thời tiết thuận lợi cho rau phát triển xanh tốt nhưng tình hình tiêu thụ thấp, thương lái chỉ mua cầm chừng”.

Năm ngoái, thời điểm này, giá rau xà lách ở mức 17.000 đồng/kg, nay chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg; hành lá năm ngoái có giá 35.000 đồng/kg thì chỉ còn 7.000-8.000 đồng/kg, giảm 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái…

Ông Hiệu nói: “Những năm trước, lượng rau ở xã Nghĩa Dũng còn xuất đi Huế, Đà Nẵng,… Bây giờ, cả cánh đồng vắng bóng, không có xe tải nào đến chở rau đi”. Toàn xã Nghĩa Dũng có 90ha diện tích trồng rau màu các loại, có 1 nhà sơ chế rau. Tuy nhiên, nhà sơ chế rau này cũng đã ngừng hoạt động hơn 2 năm nay do không có đầu ra tiêu thụ sản phẩm.

Quảng Ngãi: Rau rớt giá, nông dân lỗ nặng ảnh 4

Nông dân cuốc lại đất để trồng bắp sú mới. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Cao Văn Giang (xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) cho biết: “Tôi vừa bán cả 1 tấn rau xà lách với giá 2.000 đồng/kg, chỉ thu về 2 triệu. Trả hết công thuê người nhổ cỏ, chi phí sản xuất thì không còn đồng nào. Thậm chí tôi còn tốn tiền thuê người băm lại đất để xuống giống mới”.

Còn bà Phạm Thị Ngọc (xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) trồng 2 sào bắp sú, thu 4 tấn nhưng phải bán giá rẻ chỉ 1.500 đồng/kg.

Quảng Ngãi: Rau rớt giá, nông dân lỗ nặng ảnh 5

Nông dân tiếp tục làm đất xuống giống rau mới với hy vọng giá rau sẽ nhích lên. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Người dân Quảng Ngãi mong muốn chính quyền hỗ trợ xây dựng, hình thành các vùng sản xuất rau quả tập trung; mô hình, dự án liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau quả, nhất là sản phẩm nông sản vào mùa vụ để đảm bảo có được “đầu ra” bền vững cho nông sản.