Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Phú Yên: Tạm giữ nhiều mặt hàng nhập lậu đang trên đường đi tiêu thụ
Phú Yên: Tạm giữ nhiều mặt hàng nhập lậu đang trên đường đi tiêu thụ
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, đội Quản lý thị trường số 1- Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên phối hợp với Công an tỉnh Phú Yên tiến hành dừng và khám 2 phương tiện xe ô tô tải mang biển kiểm soát 29LD-313.18 do ông Lường Văn Huệ (có địa chỉ tại Bản Hộc, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) trực tiếp điều khiển và xe ô tô biển kiểm soát 49C-084.65 do ông Nguyễn Bá Tư (địa chỉ tại Thôn 1, xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) trực tiếp điều khiển.
Kết quả kiểm tra phát hiện 05 mặt hàng vi phạm, cụ thể gồm: 111 máy điều hòa đã qua sử dụng các loại (các hiệu: Panasonic; Fujitsu; National; Daikin) do nước ngoài sản xuất; 69 chiếc đèn led các loại hiệu Toshiba do nước ngoài sản xuất; 8.480 chai (1.060 hộp) thực phẩm chức năng (nước uống collagen) hiệu Rosebeauty, loại 50ml/chai; 1.198 chai dầu gội hiệu Valert Plus, loại 850ml, Formulated in England; 1.098 chai dầu xả hiệu Valert Plus, loại 850ml, Formulated in England.
Tất cả hàng hóa nêu trên do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, cả 2 lái xe đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo, nhãn hàng hóa không đúng theo quy định của pháp luật.
Nhiều mặt hàng nhập lậu bị lực lượng chức năng thu giữ
Đội QLTT số 1 ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn, xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Các hành vi vi phạm pháp luật có tính ẩn danh rất cao, dễ giả mạo, thay đổi che giấu nhân thân lý lịch người thực hiện; dễ tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với cơ quan chức năng, không phân biệt ranh giới, khu vực. Ðối tượng có thể ở tại vị trí này để hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại ở một vị trí khác. Cùng với đó, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên trang thương mại điện tử, nhất là các sàn giao dịch thương mại điện tử luôn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa môi trường kinh doanh và làm ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng.
Liên quan tới hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu như sau:
Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng; Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây: Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu.
Bảo Linh (t/h)
Nguồn: https://vietq.vn/phu-yen-tam-giu-nhieu-mat-hang-nhap-lau-dang-tren-duong-di-tieu-thu-d211189.html |