Nông - Lâm - Thủy sản, Thị trường và giá cả, Thông tin
Phát huy giá trị của rơm rạ gắn với giảm phát thải khí nhà kính
Phát huy giá trị của rơm rạ gắn với giảm phát thải khí nhà kính
ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước, với lượng rơm rạ thải ra hằng năm rất lớn. Đây là nguồn tài nguyên khổng lồ cần được khai thác đúng cách để nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng lúa gạo, giúp phát triển bền vững, giảm phát thải. Qua đó, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra của Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Đề án 1 triệu héc-ta lúa).
Chưa khai thác tốt rơm rạ
Hằng năm, lượng phụ phẩm rơm rạ được thải ra từ sản xuất lúa ở nước ta là rất lớn, nhất là tại ĐBSCL, nơi đang cung cấp hơn 50 sản lượng lúa gạo và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Với sản lượng lúa hằng năm đạt hơn 24 triệu tấn, ĐBSCL có lượng rơm rạ tương đương 25 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, do còn gặp khó khăn trong việc thu gom, khai thác và sử dụng rơm rạ nên thời gian qua còn một lượng lớn rơm rạ sau các mùa thu hoạch lúa tại vùng ĐBSCL phải đốt bỏ hay vùi vào đất gây lãng phí, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và tăng phát thải khí nhà kính.

Thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng bằng máy cuốn rơm tại mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ trong vụ đông xuân 2024-2025.
Tại nhiều nơi, việc khai thác, phát huy giá trị rơm rạ chưa được quan tâm đầu tư đúng mức mà mới chủ yếu tập trung vào lúa gạo và một số sản phẩm sau chế biến lúa gạo như cám, trấu. Theo kết quả điều tra, khảo sát 10.000 nông dân về thực trạng quản lý rơm rạ ở ĐBSCL của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) trong các vụ lúa đông xuân 2022-2023 và hè thu, thu đông 2023, lượng rơm rạ được lấy ra khỏi đồng đạt mức cao nhất vào vụ đông xuân là 42%, hè thu 30% và thu đông 34%. Rơm bị đốt đồng trong vụ đông xuân là 53%, hè thu 39% và thu đông 30%. Rơm bị vùi vào đất trong vụ đông xuân 5%, hè thu 31% và thu đông 36%.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA), qua kết quả điều tra gần đây tại một số địa phương vùng ĐBSCL cho thấy, có gần 70% lượng rơm rạ được xử lý bằng cách đốt trên đồng và vùi vào đất, lượng rơm rạ được thu gom sử dụng mới chiếm khoảng 30% trên tổng lượng rơm. Trong tổng số lượng rơm đã được thu gom sử dụng, có 35% sử dụng phủ gốc cây trồng và làm đệm lót vận chuyển trái cây, 30% phục vụ trồng nấm rơm, 25% làm thức ăn gia súc và 10% sử dụng vào các mục đích khác. Ông Tùng cho rằng: “Việc đốt rơm và vùi rơm làm phát sinh nhiều khí thải nhà kính. Chúng ta có thể giảm phát thải khí nhà kính và nâng giá trị sử dụng rơm bằng việc thu gom rơm ra khỏi đồng để khai thác sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, tránh việc đốt bỏ rơm trên đồng. Đây cũng là mục tiêu, định hướng mà Đề án 1 triệu héc-ta lúa đã đề ra”. Theo mục tiêu được Đề án 1 triệu héc-ta lúa đề ra, đến năm 2030 diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu héc-ta, 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng…
Triển khai các giải pháp đồng bộ
Để khai thác và sử dụng hiệu quả rơm rạ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cùng các địa phương và các bên có liên quan đã và đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân quản lý, khai thác và phát huy giá trị của rơm rạ gắn với giảm phát thải khí nhà kính. Chú ý hướng dẫn và khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý, khai thác rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp. Hỗ trợ nông dân áp dụng các máy móc, công nghệ để thực hiện thu gom rơm ra khỏi đồng và sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các quá trình sản xuất khác nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao.
Để thúc đẩy triển khai các giải pháp tăng giá trị rơm rạ, tại TP Cần Thơ, Bộ NN&MT vừa phối hợp VIETRISA và IRRI tổ chức chức diễn đàn tăng cường chuỗi giá trị rơm rạ hỗ trợ Đề án 1 triệu héc-ta lúa. Tại diễn đàn, các đại biểu đã được nghe các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&MT cùng với IRRI, VIETRISA và các đơn vị, doanh nghiệp cập nhật, cung cấp các thông tin, báo cáo về định hướng, chiến lược quản lý rơm rạ trong Đề án 1 triệu héc-ta lúa. Chia sẻ, giới thiệu các mô hình, kinh nghiệm và cách làm hay nhằm gia tăng chuỗi giá trị rơm rạ, đặc biệt là giải pháp về thu gom, xử lý, sử dụng, chế biến rơm theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. Các đơn vị, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực tái sử dụng rơm rạ cũng đã giới thiệu các mô hình phát triển sinh kế từ rơm và giải pháp công nghệ giúp phát huy hiệu quả sử dụng rơm rạ gắn với giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Nhiều đại biểu kiến nghị, tới đây các cơ quan chức năng cần quan tâm tăng cường công tác đào tạo, tập huấn và có thêm các chính sách hỗ trợ về vốn, về công nghệ và máy móc… để giúp nông dân khai thác, sử dụng rơm rạ hiệu quả. Đặc biệt, cần hỗ trợ kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã và các bên liên quan để tạo liên kết chặt theo chuỗi giá trị và giúp tạo thuận lợi về đầu ra các sản phẩm từ rơm.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch VIETRISA, cho rằng: “Cần chú trọng phát triển các công nghệ về nông nghiệp tuần hoàn từ rơm đã được chứng minh hiệu quả kinh tế và môi trường. Các địa phương cần xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm tăng cường năng lực, phát triển mô hình sản xuất về quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn”. Theo ông Nguyễn Hồng Thiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư Sang, hiện việc thu gom rơm ra khỏi đồng có nhiều thuận lợi nhờ có các máy móc cơ giới thay thế cho sức người. Thời gian qua, Công ty cũng đã đưa ra thị trường nhiều loại máy giúp thu gom rơm và xử lý rơm rạ một cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm nhiều chi phí so với làm thủ công bằng tay. Tuy nhiên, nhiều nông dân và hợp tác xã còn gặp khó về tài chính trong tiếp cận các công nghệ và máy móc, Nhà nước cần tăng cường các hoạt động đào tạo, cung cấp thông tin và có các chương trình hỗ trợ về vốn để nông dân tại các HTX đầu tư máy móc thu gom, xử lý rơm rạ.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&MT, nhấn mạnh, hiện đã có nguồn cung rơm rạ rất dồi dào, các cơ quan chức năng cùng nông dân, doanh nghiệp và các bên có liên quan cần chú ý có giải pháp, chương trình nhằm tạo nguồn “cầu lớn về rơm rạ” để gia tăng chuỗi giá trị, tạo ra giá trị gia tăng cao. Chú ý thực hiện đổi mới sáng tạo và đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các máy móc, công nghệ… để tạo ra giá trị gia tăng từ rơm, phát triển đa dạng các sản phẩm từ rơm rạ…
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Nguồn: https://baocantho.com.vn/phat-huy-gia-tri-cua-rom-ra-gan-voi-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-a185428.html |