Phát hiện hàng loạt sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng ở khu chợ Bình Tây

Phát hiện hàng loạt sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng ở khu chợ Bình Tây

(VietQ.vn) – Lực lượng chức năng TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra đối với 3 địa điểm kinh doanh thuộc chợ Bình Tây và các tuyến đường giáp ranh khu vực chợ, tạm giữ hàng trăm sản phẩm giả mạo nhãn hiệu.

Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Ban Quản lý chợ Bình Tây, UBND phường 2, quận 6, TP. Hồ Chí Minh) tiến hành kiểm tra đối với 3 địa điểm kinh doanh thuộc chợ Bình Tây và các tuyến đường giáp ranh khu vực chợ.

Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ 294 đơn vị sản phẩm hàng hoá có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Dior, Christian Dior, gồm: 30 cái đồng hồ đeo tay các loại, 264 cái nón vải các loại, tổng giá trị hàng hoá vi phạm theo giá niêm yết gần 18 triệu đồng.

Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp với đại diện theo pháp luật của các chủ thể quyền sở hữu nhãn hiệu của các nhãn hiệu nêu trên để làm rõ kiến nghị xử lý theo quy định. Kết quả giám định ban đầu cho thấy, toàn bộ số hàng hoá bị tạm giữ tại 03 điểm kinh doanh nói trên đều là hàng giả mạo nhãn hiệu.

Cơ quan chức năng kiểm đếm hàng hóa vi phạm nhãn hiệu

Theo Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, thời gian tới, tiếp tục chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, công tác kiểm tra kiểm soát; phối hợp với cơ quan chức năng, đơn vị chuyên môn để thực hiện tốt công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Liên quan đến hành vi giả mạo nhãn hiệu, Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định: Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hoá sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.

Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan…

Bảo Linh (t/h)

Nguồn: https://vietq.vn/tp-ho-chi-minh-tam-giu-hang-tram-san-pham-gia-mao-nhan-hieu-d213442.html