Những thủ đoạn buôn lậu mới tinh vi, khó lường

Những thủ đoạn buôn lậu mới tinh vi, khó lường

(VietQ.vn) – Theo lực lượng chức năng, hiện nay tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều thủ đoạn mới tinh vi hơn.

Xuất hiện nhiều thủ đoạn buôn lậu tinh vi

Tổng cục Hải quan vừa cho biết, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Đối tượng buôn lậu sử dụng một số phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, khó lường nhằm qua mắt, trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước.

Đối tượng buôn lậu sử dụng một số phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, điển hình như: không khai báo, khai không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hoá vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh…

Đáng chú ý, trên tuyến biên giới đất liền hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm như: ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, động vật hoang dã quý hiếm; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đường cát, vàng, ngoại tệ, vải, quần áo, vật tư y tế, dược phẩm, dược liệu, mỹ phẩm, thuốc lá điện tử, rượu, bia, sữa, bánh kẹo, thực phẩm đông lạnh, hàng gia dụng… diễn ra phức tạp tại địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.

 Nhiều thủ đoạn mới trong buôn lậu hàng hóa. Ảnh minh họa

Trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào, nổi lên hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào qua biên giới các tỉnh Điện Biên, Sơn La vào Việt Nam để trung chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ; hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, vật liệu nổ, thuốc lá điếu, sản phẩm động vật hoang dã chủ yếu qua biên giới các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép đường cát, mỹ phẩm, thuốc tân dược, gỗ quý, rượu, bia, gia súc, gia cầm, hàng gia dụng… chủ yếu qua biên giới các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, các đối tượng lợi dụng việc đi lại qua các đường mòn, lối mở, kênh rạch, sông, suối biên giới thuận tiện để buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, đường cát, trâu, bò, rượu, bia, vàng, ngoại tệ, lúa gạo, hàng tạp hóa… từ Campuchia vào Việt Nam.

Tại các cảng biển, lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước và thực tế hoạt động xuất nhập hàng hóa qua các cảng biển có lưu lượng rất lớn, các đối tượng thành lập các doanh nghiệp, không khai báo hải quan, hoặc khai báo gian dối về số lượng, giá trị, chủng loại, xuất xứ…để trốn thuế, xuất lậu, nhập lậu hàng hóa có điều kiện, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là khu vực các cảng: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên các vùng biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm như ma túy, vật liệu nổ, thuốc lá điếu, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa như: xăng, dầu, than, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh, thực phẩm, hàng đông lạnh… diễn biến phức tạp trên các vùng biển: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang. Các đối tượng thường hoán cải phương tiện khai thác, đánh bắt hải sản, sử dụng trang, thiết bị hiện đại, đổi tên, số hiệu phương tiện, lợi dụng đường phân định, vùng biển giáp ranh để mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, khu vực được kiểm soát, các chuyến bay quốc tế được mở trở lại, cho nên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng hóa khác qua đường hàng không và bưu chính quốc tế như: Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) có chiều hướng tăng cả về quy mô và số lượng. Các đối tượng lợi dụng hoạt động chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính qua các tuyến hàng không, khai báo hàng hóa gửi từ nước ngoài về Việt Nam dưới dạng quà tặng, quà biếu để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm như ma túy, tiền chất, sản phẩm động vật hoang dã, các mặt hàng có giá trị cao, dễ cất giấu như ngoại tệ, xì gà, điện thoại di động, vật tư y tế, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Trên các địa bàn nội địa, tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hết hạn sử dụng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác diễn ra trên hầu hết các địa bàn trong cả nước.

Nổi lên, hoạt động sản xuất, kinh doanh vải, quần áo, hàng gia dụng, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, rượu, bia, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không hóa đơn, chứng từ, kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các dịp lễ, hội, Tết diễn ra trên địa bàn các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ…

Hoạt động kinh doanh hàng hóa xuất xứ nước ngoài, không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng không hóa đơn, chứng từ…diễn ra hầu hết các tỉnh, thành phố. Hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa thiết yếu… chủ yếu qua các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến, dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh diễn ra ở hầu hết các địa bàn tỉnh, thành phố trong cả nước.

Những vụ buôn lậu điển hình với thủ đoạn tinh vi

Điển hình, ngày 20/3/2023, Cục Hải quan Hải Phòng đã chủ trì phát hiện vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép ngà voi lớn nhất từ trước đến nay tại cảng Hải Phòng, với số lượng ước tính khoảng 7 tấn, chứa trong 1 container 20 feet nhập lậu từ châu Phi.

Điểm bất thường là lô hàng khai báo là hạt lạc, xuất phát từ Angola, được chuyển tải tại Singapore, nhằm che giấu tuyến đường vận chuyển; mô tả tên hàng hóa bằng ngôn ngữ không phổ thông và sử dụng thông tin người nhận hàng không chính xác… Đây là thủ đoạn mới, hết sức tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan.

Ngay khi hàng hóa được xếp dỡ xuống cảng, Cục Hải quan Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành giám sát trọng điểm, kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container và kiểm tra thủ công toàn bộ lô hàng sau khi phân tích hình ảnh có nghi vấn. Kết quả khám xét phát hiện trong container mang số hiệu UACU3786863 ước tính chứa khoảng 7 tấn ngà voi.

Tiếp đến, mới đây Công an thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, tiến hành khám xét kho chứa hàng tại khu Xuân Ổ B, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, thu giữ 484 bình khí nén bằng kim loại, bên trong nghi chứa khí cười (khí N2O) không có hóa đơn chứng từ.

Liên quan tới buôn lậu thuốc lá, trước đó Phòng Cảnh sát kinh tế – CATP cho biết đơn vị vừa tiến hành triệt phá chuyên án, chặn đứng 1 đường dây chuyên buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu từ biên giới qua địa bàn thành phố Đà Nẵng để tiêu thụ, tang vật thu giữ gần 40.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu, giá trị gần 1 tỷ đồng. Đáng nói hơn, đây là chuyên án thu giữ số lượng thuốc lá nhập lậu đặc biệt lớn trên địa bàn Đà Nẵng.

Buôn lậu sẽ ngày càng nóng hơn những tháng tiếp theo

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, hoạt động mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy, hàng cấm qua biên giới cũng như qua đường hàng không, bưu chính quốc tế đang diễn biến phức tạp và còn phức tạp hơn nữa trong những tháng tiếp theo. Đặc biệt, khi Trung Quốc mở cửa trở lại toàn diện hoạt động thông quan thì nguy cơ buôn lậu trên các tuyến biên giới sẽ nóng. Do đó, để ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua biên giới, bảo vệ sản xuất trong nước thì tuyệt đối không cho ô tô đi qua đường mòn, lối mở. Vì đường mòn lối mở là khu vực dành cho cư dân biên giới. Nên ôtô đi qua khu vực này là chỉ có buôn lậu.

Đại tá Vũ Như Hà, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) nhận định, dự báo xu hướng sắp tới, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại sẽ chủ yếu hoạt động núp bóng pháp nhân và đi qua cửa khẩu chính ngạch. Lượng hàng hóa vi phạm sẽ tăng mạnh. Ngoài các mặt hàng trọng điểm xăng dầu, đường, thuốc lá thì vận chuyển ngoại tệ, vàng sẽ diễn biến phức tạp.

Đề xuất giải pháp trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, tới đây, các lực lượng ở biên giới như Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển sẽ phối hợp chặt chẽ đối với hàng cấm, hàng gian lận xuất xứ. Đồng thời phối hợp với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát giữa các lực lượng ngay tại khu vực đường mòn lối mở. Bên cạnh đó, kết nối để điều tra, xác minh giữa các lực lượng ở khu vực biên giới và trong nội địa.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Văn phòng Thường trực tiếp thu, rà soát các nội dung đề xuất, kiến nghị giải pháp của các ngành. Các lực lượng chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá đúng thực trạng, nhận diện những vấn đề nổi cộm, phức tạp, phương thức thủ đoạn hoạt động; xác định tuyến, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm về gian lận thương mại, hàng giả, kịp thời tham mưu, đề xuất, có phương án phối hợp để đánh trúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, góp phần răn đe phòng ngừa và xử lý nghiêm những vụ việc nổi cộm. Đặc biệt, các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm.

An Dương (T/h)

Nguồn: https://vietq.vn/xuat-hien-nhieu-thu-doan-buon-lau-moi-tinh-vi-kho-luong-d209645.html